Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ hiện nay(1)
Văn hóa - Ngày đăng : 15:42, 23/08/2019
1. Tại Việt Nam, xã, phường, thị trấn là cấp đơn vị hành chính cơ sở, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Đội ngũ những người làm việc ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là nhân tố quan trọng để thực thi hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn; bảo đảm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, công tác đào tạo, bồi dưỡng là một nội dung rất quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, nâng cao trình độ lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, những năm qua, các cấp ủy tại các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ cấp xã; tập trung nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ cán bộ cấp xã; coi đó là một trong những biện pháp hiệu quả để khắc phục sự suy thoái tư tưởng chính trị, bệnh lười học lý luận của cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, công tác bồi dưỡng lý luận chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung, chương trình có nhiều đổi mới, phù hợp với đối tượng, bảo đảm thiết thực và gắn liền với thực tiễn. Gắn kết quả học tập lý luận chính trị với tiêu chuẩn hóa cán bộ; coi việc học tập lý luận chính trị là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá, sử dụng cán bộ, đảng viên, xếp loại đảng viên, đánh giá tổ chức đảng đạt hay không đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cấp ủy địa phương kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị huyện và Trường Chính trị tỉnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về chương trình bồi dưỡng lý luận cơ bản cho cán bộ cán bộ cấp xã theo quy định của Ban Tuyên Giáo Trung ương; từng bước gắn việc học tập lý luận chính trị với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhất là việc đào tạo, lựa chọn giảng viên của các trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị được quan tâm. Giảng viên luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa hoạt động của người học; sử dụng các trang thiết bị dạy học hiện đại trong giảng dạy. Do đó, chất lượng bài giảng được nâng cao.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực tài chính để phục vụ công tác bồi dưỡng lý luận chính trị; các phòng làm việc được trang bị máy tính nối mạng internet, trang bị hệ thống máy tính, máy chiếu nối mạng phục vụ cho công tác giảng dạy. Tài liệu được đầu tư kinh phí mua giáo trình phục vụ cho các lớp học bồi dưỡng lý luận chính trị.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ cấp xã còn không ít hạn chế, bất cập. Cụ thể là:
Về thực hiện nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Nội dung chương trình vẫn còn nặng về lý luận chung; tương quan giữa kiến thức lý luận cơ bản với thực tiễn công tác còn chưa cân đối. Khi được hỏi về mức độ hợp lý về nội dung chương trình trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính có 79,20% ý kiến cho rằng hợp lý, có 18,43% nói rằng tương đối hợp lý, có 0,72% trả lời chưa hợp lý và có 1,65% ý kiến cho rằng khó trả lời (Hình 1).
Hình 1: Mức độ hợp lý về nội dung chương trình |
Về mức độ hợp lý thứ tự sắp xếp các phần học, môn học của chương trình trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính thì có 73,95% người cho là hợp lý, có 23,74% người trả lời tương đối hợp lý, có 0,74% người trả lời chưa hợp lý, và có 1,58% ý kiến cho rằng khó trả lời.
Mức độ hợp lý về thời gian của lớp trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính đã có 60,08% ý kiến cho rằng hợp lý, có 35,85% ý kiến cho rằng tương đối hợp lý, có 2,58% ý kiến cho rằng chưa hợp lý và có 1,49% ý kiến cho rằng khó trả lời.
Về mức độ hữu ích của chương trình trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính thì có 72,75% ý kiến cho rằng là rất có ích, có 26% nói rằng có ích, không người nào nói rằng không có ích và có 1,26% người cho rằng khó trả lời.
Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhìn chung vẫn là phương pháp thuyết trình, diễn giải. Kết quả khảo sát cho thấy, có 16,22% ý kiến cho rằng thuyết trình, ghi bảng, đọc cho học viên chép những nội dung quan trọng, có tới 39,39% ý kiến cho rằng thuyết trình kết hợp với máy chiếu để học viên tự ghi chép; và chất lượng hơn là có tới 40,29% ý kiến cho rằng nên nêu tình huống, chia nhóm thảo luận, giảng viên hệ thống nội dung chính và chỉ có 4,1% ý kiến nói rằng nên dùng phương pháp khác ngoài 3 phương pháp nêu trên (Hình 2).
Hình 2: Phương pháp giảng dạy |
Về phương thức đào tạo (tập trung và tại chức) thì có 45,76% người cho rằng cần học tập trung tại trường chính trị (đa số ý kiến cho rằng học tập trung sẽ có nhiều thời gian thực hiện tốt quy trình học tập, tiếp thu kiến thức có hệ thống, quy chế học tập được thực hiện nghiêm túc. Nếu học tại chức thì không sắp xếp được thời gian thực hiện quy trình học tập có 30,8% người thừa nhận như thế; có 23,21% người cho rằng học tại chức kiến thức không liên tục, không hệ thống, chấp vá, rời rạc; có đến 45,98% người được hỏi cho rằng học tại chức chất lượng rất hạn chế vì công việc cơ quan, gia đình chi phối), có 23,06% ý kiến cho rằng cần học tại chức tại trường chính trị và có 31,18% người thì cho rằng nên học tại chức mở tại các quận, huyện.
Với hình thức thi, kiểm tra được xem là hiệu quả nhất là thi, kiểm tra viết có sử dụng tài liệu là 46,95% ý kiến (đối với thi) và 42,49% ý kiến (đối với kiểm tra)
Phương thức quản lý học viên được xem là hiệu quả nhất là phòng Đào tạo điểm danh bằng phiếu hoặc gọi tên trên lớp có 34,68% người đồng ý với phương thức này. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập của học viên đại đa số ý kiến cho rằng tốt và khá. Về chất lượng chuyên môn của giảng viên như chuẩn bị giáo án, nội dung truyền đạt, phương pháp giảng dạy, phong cách sư phạm thì gần như tuyệt đối cho rằng tốt, khá, mà chỉ có một số cho rằng trung bình và không có kém. Đội ngũ giảng viên chuyên trách còn thiếu và vẫn phải kiêm nhiệm, giảng viên kiêm chức không sắp xếp được công việc nên quân số chưa được ổn định thường xuyên phải thay thế, bổ sung…
Khi hỏi về khả năng hoàn thành nhiệm vụ khi chưa được đào tạo (Hình 3) thì có 29,14% người cho rằng rằng hoàn thành tốt, có 53,25% người cho rằng hoàn thành khá, có 17,30% người cho rằng hoàn thành ở mức độ trung bình, có 0,31% người cho rằng hoàn thành yếu.
Hình 3: Khả năng hoàn thành nhiệm vụ khi chưa được đào tạo |
Khả năng hoàn thành nhiệm vụ đã được tăng lên sau khi đào tạo, cụ thể có 77,75% ý kiến cho rằng hoàn thành tốt nhiệm vụ, có 21,22% ý kiến cho rằng hoàn thành ở mức độ khá, có 1,03% ý kiến cho rằng hoàn thành ở mức độ trung bình và không có ý kiến nào cho rằng không hoàn thành; qua đó thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đạt được những hiệu quả thiết thực, giúp cho cán bộ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên mọi cương vị công tác.
Hình 4: Khả năng thực hiện công việc khi chưa được đào tạo |
Vấn đề này còn nói lên khả năng thực hiện công việc khi chưa được đào tạo (Hình 4) Lý luận Chính trị - Hành chính thì khả năng phân tích, suy luận vấn đề chỉ có 20,65% ý kiến cho rằng tốt; có đến 58,50% ý kiến cho rằng khá, có 20,23% ý kiến cho rằng ở mức độ trung bình và 0,63% có ý kiến nào cho rằng kém. Khả năng lập kế hoạch, viết báo cáo, viết văn bản thì có 24,79% người cho rằng đạt ở mức tốt, có 55,15% người thực hiện chỉ đạt mức khá, có 19,22% người cho rằng chỉ thực hiện ở mức trung bình và có 0,84% người thực hiện ở mức độ kém; tham mưu đề xuất cho cấp lãnh đạo cũng có những hạn chế nhất định chỉ có 28,75% ý kiến đề xuất tốt, có 52,75% ý kiến cho rằng tham mưu đề xuất khá, có 17,97% ý kiến cho rằng tham mưu đề xuất ở dạng trung bình và có 0,53% ý kiến cho rằng tham mưu đề xuất kém; khả năng tuyên truyền, thuyết phục cho người nghe về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì chỉ có 19,72% người cho rằng tốt, có 55,66% người cho rằng khá, có 23,69% người cho rằng trung bình và có 1,93% người cho rằng khả năng này kém.
Khả năng thực hiện công việc sau khi được đào tạo tăng lên rõ rệt: Khả năng phân tích, suy luận đã có 85,21% người nói rằng tốt hơn, có 14,26% người nói rằng khá, có 0,53% người cho rằng ở mức trung bình và không có ai cho là kém; khả năng nhận thức các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã được tăng cao như có 90,60% người đồng ý tốt, có 8,79% người đồng ý khá, có 0,62% người đồng ý trung bình và không có người nào đồng ý kém; Kỹ năng công tác Đảng, công tác chính quyền, công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo cũng đạt hiệu quả cao hơn, khả năng tham mưu, đề xuất có 76,96% người cho rằng tốt, có 20,47% người cho là khá, có 2,46% người cho là trung bình và chỉ có 0,12% người cho là kém. Khả năng tuyên truyền thuyết phục thực hiện nhiệm vụ cũng tăng lên như có 59,83% ý kiến cho rằng tốt, có 37,73% ý kiến cho rằng khá, có 2,34% ý kiến cho là trung bình và chỉ có 0,11% ý kiến cho là kém.
3. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải được đổi mới mạnh mẽ, chú trọng thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về vai trò của việc học tập lý luận chính trị. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ đảng viên là cơ sở hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng học tập học tập lý luận chính trị, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, thực hiện tốt hoạt động phân công, phân cấp.
Hai là, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng cập nhật, phù hợp với tiêu chuẩn từng loại chức danh cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược. Đổi mới cần căn cứ vào mục tiêu, nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh mới. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải được cập nhật nhận thức mới về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những lý thuyết, tư tưởng mới, tiến bộ của nhân loại. Bố trí thời lượng phù hợp cho đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp tư duy, kỹ năng làm việc, tầm nhìn chiến lược... Đổi mới việc tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng phù hợp, thiết thực, tạo cơ hội để người học thâm nhập thực tế, rút ra kinh nghiệm cần thiết.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ngang tầm nhiệm vụ, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Giảng viên lý luận chính trị vừa phải có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn vừa phải vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, nguyên tắc dạy học; vận dụng các phương pháp dạy học tích cực; hướng dẫn học viên tự học, nghiên cứu khoa học; kiểm tra, đánh giá kết quả của học viên khách quan, chính xác và thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong quá trình giảng dạy.
Bốn là, phát huy tinh thần tích cực, tự giác học tập lý luận chính trị. Cán bộ cần nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, trong đó có học tập lý luận chính trị. Nội dung tự học tập của cán bộ phải toàn diện, từ bổ sung kiến thức chuyên môn cần thiết đến rèn luyện phương pháp, kỹ năng. Cán bộ cần học tập từ thực tế công việc, cuộc sống, học hỏi nhân dânu
Chú thích:
(1) Đây là sản phẩm được chắt lọc từ đề tài cấp bộ “Tác động của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đến năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã hiện nay: Qua thực tế một số tỉnh phía Bắc”. Mã số : B18.20
Tài liệu tham khảo:
1. Đề tài cấp bộ, Học viện Chính tri Quốc gia Hồ Chí Minh, “Tác động của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đến năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã hiện nay: qua thực tế một số tỉnh phía bắc”, năm 2018-2019;
2. Lê Thị Thục, “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5-2016.
3. Vũ Ngọc Điệp, “Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ xã, phường, thị trấn ở Hải Phòng hiện nay”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 2018.
4. Vũ Văn Hà, “Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, 2019;
5. Đinh Ngọc Giang, Lê Thị Minh Hà, “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị”, Nhân dân cuối tuần, 7/2019;