Khuôn khổ mới thúc đẩy quản trị công ty theo thông lệ quốc tế

Tin tức - Ngày đăng : 15:41, 28/08/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo thông lệ tốt nhất” vừa được công bố vào trung tuần tháng 8/2019 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam xây dựng với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) hứa hẹn sẽ nâng tầm chất lượng quản trị tại các công ty đại chúng và niêm yết Việt Nam.

 

Lễ công bố Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất

 

“Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo các thông lệ tốt nhất” được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam xây dựng với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO). Đây là bộ nguyên tắc quản trị công ty đầu tiên được nghiên cứu và công bố riêng cho thị trường Việt Nam, phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành.

Về cơ bản, Bộ Nguyên tắc là một tập hợp các khuyến nghị về thông lệ tốt nhất trong quản trị công ty, nhằm khuyến khích các công ty đại chúng và công ty niêm yết tham khảo và áp dụng các chuẩn mực cao hơn yêu cầu tối thiểu theo quy định pháp luật. Bộ Nguyên tắc được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chuẩn mực về thông lệ quản trị công ty Việt Nam lên mức ngang bằng với các thị trường top đầu ASEAN, vốn đã có các bộ nguyên tắc tương tự từ lâu.

Cấu trúc Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty

Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty tham chiếu các Nguyên tắc Quản trị Công ty của Khối G20/OECD, Thẻ điểm Quản trị Công ty năm 2017 của ASEAN và nguyên tắc quản trị công ty cập nhật của các quốc gia khác. Nội dung Bộ Nguyên tắc đã được xây dựng với các nỗ lực tốt nhất để bảo đảm không có mâu thuẫn với các quy định pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, trong trường hợp có sự khác biệt, luật pháp và quy định hiện hành sẽ được áp dụng.

 

Bộ Nguyên tắc được chia thành 5 phần nội dung chính, bao gồm 10 nguyên tắc chung và các nguyên tắc chi tiết. Các nội dung được sắp xếp trên cơ sở có cân nhắc sự phù hợp và mức độ ưu tiên của các vấn đề hiện đang tồn tại về chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

10 Nguyên tắc Quản trị Công ty

Phần 1: Trách nhiệm của Hội đồng Quản trị

Nguyên tắc 1: Thiết lập rõ vai trò, trách nhiệm và cam kết của HĐQT

Nguyên tắc 2: Thiết lập một HĐQT có năng lực và chuyên nghiệp

Nguyên tắc 3: Bảo đảm vai trò lãnh đạo hiệu quả và tính độc lập của HĐQT

Nguyên tắc 4: Thiết lập các ủy ban trực thuộc HĐQT

Nguyên tắc 5: Bảo đảm hoạt động hiệu quả của HĐQT

Nguyên tắc 6: Thiết lập và duy trì văn hoá đạo đức công ty

Phần 2: Môi trường kiểm soát

Nguyên tắc 7: Thiết lập khung quản lý rủi ro và môi trường kiểm soát vững mạnh

Phần 3: Công bố thông tin và minh bạch

Nguyên tắc 8: Tăng cường hoạt động công bố thông tin của công ty

Phần 4: Quyền của cổ đông

Nguyên tắc 9: Thiết lập khuôn khổ để thực hiện hiệu quả quyền của cổ đông

Phần 5: Quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan

Nguyên tắc 10: Tăng cường tham gia hiệu quả của các bên có quyền lợi liên quan

Trong đó, 6 nguyên tắc đầu liên quan tới trách nhiệm của Hội đồng Quản trị (HĐQT) được coi là phần nội dung quan trọng nhất. Các nguyên tắc này nhằm giúp tất cả các bên có quyền lợi liên quan hiểu được vai trò quan trọng của HĐQT và các thành viên HĐQT, khung làm việc và cơ chế hoạt động để các thành viên HĐQT đảm nhận hoặc miễn nhiệm các trách nhiệm của mình một cách minh bạch và hiệu quả, cũng như những thông lệ tốt nhất đối với một HĐQT có năng lực và cân bằng.

Nâng tầm quản trị công ty

Ông Hoàng Hùng, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, đồng thời là thành viên Sáng kiến Quản trị Công ty Việt Nam (VCGI) và ban cố vấn của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đánh giá việc công bố Bộ Nguyên tắc là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy quản trị công ty theo thông lệ tốt.

Theo ông Hùng, quản trị công ty tốt sẽ giúp bảo đảm sự phát triển bền vững trong dài hạn của các công ty, vì lợi ích tốt nhất của cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác. Doanh nghiệp sẽ tạo dựng được sự tin tưởng từ thị trường và nâng cao đạo đức kinh doanh, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh và danh tiếng của công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường vốn.

“Và một cộng đồng các doanh nghiệp quản trị tốt sẽ là yếu tố nòng cốt giúp phát triển thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,” ông Hùng khẳng định.

Mai Hiên