Thủ tướng trả lời chất vấn về xây dựng cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học
Tin tức - Ngày đăng : 07:43, 30/08/2019
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định về nội dung liên quan đến các cơ chế chính sách về khoa học công nghệ chưa được đồng bộ hóa; chưa có nhiều đột phá, nhất là chính sách về tài chính, thủ tục hành chính để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế tài chính phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại Báo cáo tóm tắt thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 16/5/2019, thời gian qua, nhiều dự án luật, văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đồng thời phát huy tiềm lực, tính chủ động, sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Khoa học và công nghệ Việt Nam đã có nhiều thành công, bứt phá đáng ghi nhận, cụ thể: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn, năm 2018 đạt 43,5% (bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 42,18%, cao hơn nhiều giai đoạn 2011-2015 là 33,58%) vượt mục tiêu 5 năm 2016-2020 Quốc hội giao (khoảng 30%-35%). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tiếp tục cải thiện, liên tục tăng trong những năm gần đây (tăng 17 bậc từ 2017 đến nay, năm 2019 đứng thứ 42/129 quốc gia/nền kinh tế, dẫn đầu các quốc gia có thu nhập trung bình thấp); giai đoạn 2014-2018 gần 9.000 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, bất cập.
Về việc xây dựng cơ chế tài chính phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Luật khoa học và công nghệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/2/2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả dịch vụ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ), Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019... và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành nhằm tiếp tục đổi mới một cách có hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển khoa học và công nghệ bao gồm các cơ chế tài chính.
Để nâng cao vai trò, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong các năm 2018 và 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, cùng với các Bộ, cơ quan liên quan có nhiều cuộc đối thoại, làm việc với các nhà khoa học để tìm ra nhiều hơn nữa các giải pháp mới, có tính đột phá để phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong đó, đặc biệt yêu cầu có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, chấp nhận đặc thù tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để có phương thức quản lý phù hợp; coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo…; chuyển mạnh phương thức quản lý, đầu tư cho khoa học và công nghệ theo mô hình quỹ phát triển khoa học và công nghệ bảo đảm linh hoạt và thu hút được nguồn lực xã hội.
Thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đối với một số vấn đề lớn như: Các chính sách mang tính đột phá để khuyến khích, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển công nghệ; tái cấu trúc các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị của sản phẩm…
Đồng thời khẩn trương tiến hành rà soát, sửa đổi các quy định về đặt hàng, tuyển chọn, phê duyệt và nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng theo hướng đơn giản, hiệu quả; tăng cường công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đề xuất, xây dựng thuyết minh, tuyển chọn, thẩm định, đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức khoa học và công nghệ và nhà khoa học về sử dụng kinh phí khoán, thanh toán, tạm ứng kinh phí khoán, quyết toán nhiệm vụ.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính phù hợp đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ, bám sát yêu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả.
Các Bộ, ngành, địa phương chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm việc giao, nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bảo đảm hiệu quả, minh bạch, công khai; việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định.