“Phát triển Hệ sinh thái Fintech: Bài học kinh nghiệm và đề xuất nhằm hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 10:21, 12/09/2019
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Thanh toán (NHNN), đại diện ADB, các ngân hàng thương mại (NHTM), một số tổ chức và các chuyên gia tài chính công nghệ trong và ngoài nước.
Toàn cảnh hội thảo |
Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech. Tại Việt Nam, số lượng các công ty Fintech đã tăng gần gấp bốn lần từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến gần 150 công ty ở thời điểm hiện tại. Trong đó, 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet. 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.
Tính đến tháng 6/2019, số lượng giao dịch Fintech thông qua kênh Internet, đạt 204,22 triệu giao dịch, tăng 60,64% so với cùng kỳ năm trước với giá trị giao dịch 9.506 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5%. Cùng thời điểm, số lượng giao dịch Fintech thông qua kênh điện thoại di động đạt 169,86 nghìn tỷ đồng, tăng 109,48% với giá trị giao dịch là 1.761 nghìn tỷ đồng, tăng 160,5% so cùng kỳ năm trước.
Việt Nam có cơ hội phát triển Fintech rất lớn với dân số: hơn 96,2 triệu người. Trên 65,6% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tính đến 2018 đạt 45,8 triệu người, chiếm 63%
Cơ sở hạ tầng viễn thông được đầu tư, phát triển hoàn thiện. 51 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (chiếm 55% dân số). 50 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 52% dân số) Mạng điện thoại di động 3G/4G phủ khắp cả nước với ba nhà mạng lớn là Viettel, Mobile và Vinaphone .
Tuy nhiên, Fintech ở Việt Nam hiện mới phát triển ở giai đoạn đầu do hệ sinh thái còn đang trong quá trình hoàn thiện, đồng thời lĩnh vực này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khuôn khổ pháp lý, vốn và nguồn lực con người.
Nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam ở khía cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, NHNN đã chủ động tiếp cận với Fintech thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN vào tháng 3/2017 với mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái Fintech (bao gồm cả khuôn khổ pháp lý) hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của các công ty Fintech tại Việt Nam. NHNN đã và đang trong quá trình thực hiện những hành động để cụ thể hóa nhiệm vụ này.
Trong hơn 2 năm qua với thiện chí và tinh thần ủng hộ đổi mới sáng tạo, NHNN đã triển khai quyết liệt một số nội dung như: Nghiên cứu một số lĩnh vực trọng tâm của Fintech để có giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp, tạo nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech; Phối hợp với ADB tổ chức cuộc thi Fintech Challenge Vietnam năm 2018 và năm 2019 nhằm tạo sân chơi cho các công ty Fintech trong và ngoài nước giới thiệu các giải pháp, qua đó phát hiện và nuôi dưỡng các doanh nghiệp có giải pháp hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của thị trường; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động lĩnh vực Fintech trong lĩnh vực thanh toán (như QR Code, thẻ chip...); Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện lập trình ứng dụng mở (open API), cho vay ngang hàng,...; Nghiên cứu xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trình Thủ tướng Chính phủ... Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, bản thân NHNN cũng phải đối mặt với các rào cản không hề nhỏ trong tiến trình này, đặc biệt khi chưa có một khuôn khổ pháp lý và thể chể quản lý cụ thể đối với lĩnh vực Fintech.
Tại Hội thảo, ông Ngô Văn Đức - Phó trưởng phòng Vụ Thanh toán (NHNN) - đã thông báo về thực trạng và định hướng phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam.
Bà Janet Young, Giám đốc điều hành và trưởng ban các kênh phân phối và số hóa ngân hàng UOB Singapore, trình bày tại hội thảo |
Bà Janet Young - Giám đốc điều hành và trưởng ban các kênh phân phối và số hóa ngân hàng UOB Singapore - trình bày tham luận về vấn đề Phát triển hệ sinh thái: Bài học kinh nghiệm và đề xuất nhằm hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đại diện cho các NHTM, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc Vietinbank - nêu ý kiến về hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech. Bà Thạch Lê Anh - nhà đồng sáng lập, Chủ tịch Vietnam Silicon Valley (VSV) - tham luận về vấn đề huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp: Hỗ trợ Nhà nước hay tư nhân?
Nhiều ý kiến chia sẻ của chuyên gia trong và ngoài nước về hệ sinh thái Fintech; các thông lệ và kinh nghiệm quốc tế tốt nhất về các quy định và sáng kiến pháp lý nhằm hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của Hệ sinh thái Fintech; chính sách hỗ trợ vốn từ khu vực công và các quỹ tư nhân cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech cũng như phương thức đào tạo, ươm mầm tài năng trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, v.v... được trao đổi tại buổi Hội thảo.
Đây tiếp tục sẽ là nguồn thông tin đầu vào rất quý giá đối với các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và NHNN nói riêng trong tiến trình xây dựng và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ về một nền kinh tế số trong tương lai.