Tội phạm tài chính gia tăng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 09:19, 13/09/2019
Trong tổng số 3.138 nhà quản lý doanh nghiệp phụ trách hoạt động tuân thủ an ninh trả lời khảo sát của Refintiv, 75% các tổ chức APAC là nạn nhân của tội phạm tài chính trong vòng 12 tháng qua, 44% trong số đó cho biết tội phạm gây thất thoát, rủi ro lớn nhất cho công ty đó chính là nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp.
Báo cáo chỉ ra một số điểm thiếu sót trong cơ chế quản lý, quá trình doanh nghiệp tiếp cận với đối tác, nhà cung cấp và khách hàng, sự kiểm soát lỏng lẻo đã tạo ra cơ hội cho những tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm pháp.
Với tỷ lệ tội phạm tài chính gia tăng nhanh trong bối cảnh hiện nay, hơn 60% các công ty APAC đã áp dụng công nghệ mới để siết chặt hoạt động quản lý, nhằm chống lại các hoạt động bất hợp pháp. Các doanh nghiệp đã tăng hơn 47% ngân sách đầu tư cho an ninh, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
THẤT THOÁT NGHIÊM TRỌNG
Trong một báo cáo riêng được công bố năm ngoái, Refintiv cho biết tội phạm tài chính bao gồm rửa tiền, hối lộ, trốn thuế, gian lận và tham nhũng đã gây thất thoát 1,45 nghìn tỷ USD trong năm 2017 tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Kết quả nghiên cứu công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính con số 2,4 nghìn tỷ USD là tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp như mại dâm, khủng bố, buôn bán ma túy thông qua hệ thống ngân hàng trên thế giới và trên thị trường tài chính toàn cầu. Tham nhũng và tội phạm tài chính đã tồn tại trong khoảng thời gian rất dài. Sự tinh vi trong hoạt động tội phạm của các tổ chức bất hợp pháp ngày một gia tăng, khả năng sử dụng công nghệ cao chính là điều kiện cho phép các hoạt động rửa tiền được diễn ra trót lọt. Công nghệ khi rơi vào tay kẻ xấu sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, nhưng cũng chính công nghệ sẽ là công cụ mạnh nhất để triệt phá những hoạt động đó.
Những kết quả thu được sau quá trình khảo sát các doanh nghiệp APAC là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính trên toàn cầu về mối nguy cơ rủi ro trong hoạt động tài chính. Các quốc gia phát triển tại khu vực châu Âu và châu Mỹ đã tìm ra những giải pháp công nghệ mang tính đối trọng với tội phạm tài chính. Đầu tư cơ sở hạ tầng và an ninh mạng cho dữ liệu điện toán đám mây cần được ưu tiên thực hiện hàng đầu, sau đó là trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning).
HÌNH 1 CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ XỬ LÝ TỘI PHẠM TÀI CHÍNH
Nguồn: Refintiv |
Phát triển trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong an ninh mạng yêu cầu khối lượng dữ liệu rất lớn, và dữ liệu điện toán đám mây đóng vai trò là nền tảng quan trọng cung cấp những thông tin cần thiết và có tính kết nối cao phục vụ cho máy chủ AI và các công cụ khác trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống bảo mật an ninh mạng. Đối với những quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đây sẽ là cơ hội tốt để có thể áp dụng tiến bộ khoa học từ quốc gia phát triển, tiết kiệm chi phí nghiên cứu, đón đầu xu hướng công nghệ mới trên toàn thế giới.
HÌNH 2: CƠ CẤU ĐẦU TƯ VÀO CÔNG NGHỆ XỬ LÝ TỘI PHẠM TÀI CHÍNH
Nguồn: Refintiv |
CƠ HỘI CHO CÁC DOANH NGHIỆP KHU VỰC APAC
Theo ông Alfred Lee, giám đốc điều hành Refintiv phòng chống rủi ro trong hoạt động kinh doanh tài chính, bây giờ là thời cơ mới cho các công ty tại những khu vực có khả năng thu hút FDI cao, vì các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, chuyển giao công nghệ cũng như nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ, quy trình.
Cơ hội cho các doanh nghiệp APAC thể hiện rõ nhất thông qua 3 yếu tố sau:
“Những tiến bộ trong lĩnh vực AI, machine learning và điện toán đám mây đang gia tăng, đây là nền tảng để các công ty tăng cường hiệu suất cho các hoạt động về phân tích dữ liệu tài chính theo thời gian thực, tối ưu quy trình, hiểu rõ khách hàng và phát hiện những yếu điểm chưa từng được nhìn nhận và phát hiện trong quá khứ.”
“Quá trình thẩm định, quản lý của các doanh nghiệp áp dụng chặt chẽ với các khách hàng bên ngoài mà chưa thực sự đảm bảo tốt an ninh bên trong nội bộ doanh nghiệp, điều này đã tạo ra môi trường hoạt động tội phạm rất nguy hiểm.”
“Điều quan trọng nhất là sự hợp tác giữa các công ty công nghệ, chính phủ cùng các tổ chức tài chính nhằm xây dựng hệ thống quản lý tập trung, thống nhất, toàn diện và giải quyết vấn đề triệt để.”
Trong những năm qua, hàng trăm công ty khởi nghiệp đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm API, AI, rô – bốt tự động hóa,… cho nhiều nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định (regtech). Điều này không chỉ giúp cắt giảm chi phí quản lý, nhân sự cho các doanh nghiệp mà còn cải thiện hiệu quả quá trình kiểm soát, tăng cường hiệu quả, tốc độ và giảm thiểu nguy cơ rủi ro từ hệ thống quản lý lạc hậu, tốn kém.
Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch đầu tư cho công nghệ an ninh tài chính, các công ty đã bổ sung những quy định, điều lệ mới nhằm sửa chữa những lỗ hổng trong quy trình quản lý, tăng cường hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp ở đây là cách thức khai thác công nghệ và áp dụng, triển khai trong thực tế. Điều này khiến cho các doanh nghiệp APAC còn gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu trình độ, chuyên môn cao trong khi phần lớn doanh nghiệp APAC chưa đủ năng lực để thực hiện điều đó. Như vậy rất cần những quốc gia phát triển tiên phong đi đầu, để định hướng cũng như có sự hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển tốt hơn.