Thực hiện Chính phủ điện tử và nhiệm vụ ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:00, 24/09/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nêu những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các hoạt động, nội dung và nhiệm vụ của Chính phủ điện tử của ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và những nhiệm vụ, định hướng thời gian tới.

Ngày nhận bài: 13/8/2019 -  Ngày biên tập: 20/8/2019 - Ngày duyệt đăng:  12/9/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 18/2019.

Tóm tắt: Chính phủ điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để các cơ quan của chính quyền từ trung ương và địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Đây là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời là định hướng của Chính phủ nhằm tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh,  góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững. Bài viết nêu những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các hoạt động, nội dung và nhiệm vụ của Chính phủ điện tử của ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và những nhiệm vụ, định hướng thời gian tới.

Từ khóa: Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, thủ tục, ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

IMPLEMENTATION OF E-GOVERNMENT AND TASKS OF BANKING SECTOR IN HO CHI MINH CITY

Abstract: E-government is the application of information and communication technology so that central and local government agencies can innovate, work more effectively, effectively and transparently; provide better information and services to citizens, businesses and organizations. This is an inevitable trend in the era of 4.0 industrial revolution. At the same time, it is the Government's orientation to continue creating a favorable business environment for businesses and people in expanding production and business activities, contributing to promoting economic growth and sustainable development.

The article outlines the results achieved in the implementation of activities, contents and tasks of the e-Government of  banking sector in Ho Chi Minh city as well as tasks and orientations in coming time.

Key words: E-government, administrative reform, procedure, banking sector in Ho Chi Minh city

Trong quá trình đó và trong vai trò là đơn vị trực thuộc NHTW, đơn vị tham mưu cho chính quyền Thành phố và triển khai cơ chế chính sách, thực hiện nhiệm vụ ngành trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, NHNN VN – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia thực hiện các hoạt động và nhiệm vụ Chính phủ điện tử tập trung 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, thực hiện các nhiệm vụ  được giao trong quá trình tổ chức thực hiện Chính phủ điện tử với vai trò là đơn vị thuộc NHTW, sở, ngành thuộc địa phương. Trong quá trình này, thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành qua hệ thống văn bản điện tử, thư điện tử; cung cấp thông tin, dịch vụ cho các đối tượng quản lý (các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp) qua mạng gắn với chương trình cải cách hành chính theo kế hoạch đề ra của NHTW; thực hiện ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, thu thập và xử lý thông tin nhằm nâng cao hiệu quả điều hành; hiệu quả hoạt động.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ hỗ trợ cung cấp dịch vụ thanh toán qua ngân hàng (thanh toán, chuyển tiền điện tử), các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng và đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ công và dịch vụ công trực tuyến- một phần quan trọng trong hoạt động của Chính phủ điện tử.

Thứ ba, tạo động lực thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với các nội dung: cải cách thủ tục hành chính; phát triển dịch vụ ngân hàng; kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và đối thoại doanh nghiệp.

Với cách tiếp cận đó, ngành Ngân hàng Thành phố bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng sau:

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Những kết quả đạt được phản ánh trên các phương diện chính sau:

Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ trong trao đổi, cung cấp và xử lý văn bản của NHTW và hệ thống các đơn vị trực thuộc, các Chi nhánh NHNN tỉnh thành phố trong năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngân hàng của NHTW. Trong đó, nhờ chỉ đạo xử lý kịp thời thông qua văn bản điện tử nhanh, chính xác, đầy đủ và kịp thời đã đảm bảo cho cơ chế chính sách, các chỉ đạo của Thống đốc, của NHTW được tổ chức triển khai tốt trên thực tế tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý.  Qua phần mềm ứng dụng văn bản điện tử, lãnh đạo giám sát và kiểm soát tốt hơn quá trình xử lý công việc, kết quả và hiệu quả công việc giao cho các bộ phận, phòng nghiệp vụ thực hiện. Đồng thời qua môi trường mạng, việc trao đổi, phản biện và nắm bắt khó khăn vướng mắc trong thực hiện công việc, trong việc tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách thuận lợi hơn rất nhiều. Từ đó kịp thời có chỉ đạo xử lý đảm bảo công việc được thực hiện tốt và hiệu quả.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng tiết kiệm chi phí gồm cả chi phí vật chất và thời gian. Trong đó, việc chỉ đạo và thông tin báo cáo, gửi văn bản qua hệ thống văn bản điện tử tiết giảm rất lớn chi phí in ấn và các chi phí khác có liên quan (văn thư lưu trữ, phí bưu điện….) và đặc biệt là rút ngắn thời gian xử lý văn bản, đảm bảo thông tin điều hành, thông tin quản lý, thông tin báo cáo… được chuyển đi, chuyển đến hoặc báo cáo nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Đây là kết quả có ý nghĩa lớn và thiết thực của việc ứng dụng công nghệ trong quá trình xử lý văn bản điện tử của hệ thống NHNN VN nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.

Thứ tư, góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả chính phủ điện tử của Chính phủ và Thành phố trong vai trò cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công: thu chi ngân sách, thực hiện các dịch vụ công và dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay ngoài lĩnh vực thu thuế, các khoản chi ngân sách, chi thường xuyên: lương, chi tiêu công đã và đang thực hiện tốt theo quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Các dịch vụ: điện, nước, bảo hiểm, y tế và giáo dục đang được ngành ngân hàng Thành phố phối hợp tổ chức triển khai thực hiện tốt. Trong đó riêng lĩnh vực thu tiền điện, có trên 91% hộ gia đình trên địa bàn thành phố thanh toán tiền điện qua ngân hàng.

Quá trình này được thực hiện gắn liền với chương trình cải cách hành chính của Thành phố. Trong đó tổ chức thực hiện thanh toán dịch vụ công trực tuyến theo kế hoạch của UBND TP trong một số lĩnh vực.

Thứ năm, góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dưới 2 góc độ:

+ Đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn: việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Chính phủ điện tử. Trong đó, ứng dụng công nghệ trong quản lý văn bản điện tử:  phát hành văn bản, cung cấp thông tin và chỉ đạo qua hệ thống văn bản điện tử, qua mạng cũng như công tác báo cáo thống kê… tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn không chỉ tiết giảm chi phí liên quan (như phân tích ở phần trên) mà còn tổ chức triển khai thực hiện kịp thời cơ chế chính sách, các chỉ đạo điều hành của NHTW và NHNN Chi nhánh, đảm bảo chính sách và chỉ đạo của cấp quản lý được thực hiện đầy đủ, nhanh chóng và công khai minh bạch, góp phần trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kế hoạch, định hướng của NHTW đã đề ra trên địa bàn.

+ Thông qua ứng dụng công nghệ thực hiện cải cách hành chính hiệu quả góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình hành động 1355 của NHTW thực hiện NQ 35 của Chính phủ. Từ đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển: từ đổi mới quy trình giao dịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả quản lý đến hỗ trợ doanh nghiệp nhờ giảm chi phí cho doanh nghiệp về thời gian, thủ tục, về tiện ích và lãi suất…

NHIỆM VỤ, ĐỊNH HƯỚNG THỜI GIAN TỚI

Thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chính phủ điện tử, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện và tổ chức thực hiện tốt các nội dung, hoạt động của Chính phủ điện tử hiện nay và trong thời gian tới trên địa bàn. Cụ thể:

(1). Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ định hướng của NHNN trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ điện tử của ngành ngân hàng và của chính quyền Thành phố. Trong đó thực hiện tốt vai trò thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử của NHNNTW theo quyết định 333/QĐ-NHNN.

(2). Thực hiện nhiệm vụ của UBND TP giao trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chính phủ điện tử trên địa bàn trong vai trò là sở ngành trực thuộc Thành phố, trước hết là công tác thông tin báo cáo, công tác văn thư và công tác họp. Đồng thời tham mưu và phối hợp tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua việc định hướng cho các TCTD thực hiện tốt hoạt động thanh toán các loại phí dịch vụ công không dùng tiền mặt, cung cấp sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân để thực hiện tốt hoạt động này.

(3). Tiếp tục định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động đầu tư, đổi mới ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý và phát triển dịch vụ ngân hàng. Trong đó đảm bảo cung cấp tốt nhất các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, dịch vụ ngân hàng điện tử: internetbanking, mobilebanking, thẻ, và các dịch vụ khác (Ví điện tử, mã QR code để thanh toán).

Quá trình này, về mặt lợi ích đòi hỏi phải đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng, doanh nghiệp và người dân nhanh chóng, tiện lợi, an toàn và bảo mật, không chỉ góp phần quan trọng trong tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

(4). Đẩy mạnh cải cách hành chính  với tinh thần chủ động sáng tạo. Trong đó mở rộng ứng dụng chương trình phát hành, gửi, nhận văn bản của NHNN Chi nhánh đối với các TCTD trên địa bàn qua môi trường mạng. Đây là công tác mang tính nghiệp vụ. Song đặt trong môi trường và đặc điểm của Thành phố, với trên 2.500 đơn vị TCTD (gồm hội sở, Chi nhánh và PGD) thì việc tin học hóa hoạt động này có ý nghĩa rất lớn nếu so sánh và thực hiện theo phương thức truyền thống (phát hành văn bản giấy, gửi qua đường bưu điện; kiểm tra, đôn đốc và nhận phản hồi qua điện thoại). Thực tế hiệu quả mang lại rất lớn cả về chi phí vật chất, thời gian và hiệu quả quản lý.

(5). Tổ chức và thực hiện tốt nhiệm vụ này trên tinh thần phát huy và học tập các bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác triển khai cơ chế chính sách của ngành ngân hàng Thành phố, các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW và UBND TP cũng như các hoạt động phối hợp với các sở ngành trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

Ts.Trần Trọng Huy