Lạng Sơn phát triển kinh tế đối ngoại kết hợp với giữ gìn quốc phòng an ninh, chống buôn lậu, gian lận thương mại

Tin tức - Ngày đăng : 16:33, 01/10/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 30/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết các kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn

Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, UBND tỉnh, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị và ngân hàng đã tính toán, xác định tổng nguồn vốn tham gia thực hiện đoạn cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị là 8.310 tỷ đồng. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Chính phủ phương án hỗ trợ dự án từ ngân sách Nhà nước 3.160 tỷ đồng, trong đó tỉnh Lạng Sơn cam kết sử dụng một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ dự án (khoảng 1.000 tỷ đồng).

Tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh Lạng Sơn được triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Km 3+700 - Km l8, Quốc lộ 4B bằng nguồn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 thuộc ngân sách Trung ương, khởi công dự án trong năm 2020, kinh phí đề nghị hỗ trợ đầu tư đoạn đường khoảng 800 tỷ đồng.

Về Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1, tỉnh Lạng Sơn, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 818 tỷ đồng, tỉnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh 200 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án.

Trước tháng 7/2017, tại tỉnh Lạng Sơn, các mặt hàng dược liệu chủ yếu nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) (lúc đó là cửa khẩu phụ, từ tháng 9/2018 là cửa khẩu chính). Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2017 khi Nghị định số 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực thì mặt hàng dược liệu không được nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm do tại Khoản 7, Điều 91 Nghị định này quy định thuốc, nguyên liệu làm thuốc chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, trong khi đó cửa khẩu Chi Ma chỉ là cửa khẩu chính, không phải cửa khẩu quốc tế. Tỉnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế xem xét, trình Chính phủ sửa đổi quy định tại Khoản 7 Điều 91 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP theo hướng cho phép nhập khẩu dược liệu qua cả cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) để tạo thuận lợi cho nhập khẩu dược liệu qua địa bàn tỉnh.

Trả lời kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã làm được tuyến cao tốc từ Bắc Giang lên Lạng Sơn. Còn lại hơn 40 km nữa từ Chi Lăng lên cửa khẩu Hữu Nghị thì Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng với Lạng Sơn để có phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một phần, Lạng Sơn bỏ ra một phần và ngân hàng hỗ trợ tài chính cho dự án khi mà nhà đầu tư cũng rất hăng hái, quyết liệt để làm sao sớm kết nối Chi Lăng tới cửa khẩu Hữu Nghị, từ đó phát huy hiệu quả toàn tuyến từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Hà Nội.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Chính phủ phương án hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng.

Về đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ khó khăn với Lạng Sơn bằng việc hỗ trợ dự án từ nguồn vốn trung hạn do Bộ quản lý.

Về vấn đề nâng cấp, cải tạo dự án đoạn Km 3+700 - Km 18, Quốc lộ 4B, Thủ tướng cho rằng, đoạn này liên quan đến khu du lịch Mẫu Sơn có nhiều tiềm năng phát triển và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải xử lý tốt để khai thác khu du lịch Mẫu Sơn.

Về đề nghị sửa đổi quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP theo hướng cho phép nhập khẩu dược liệu qua cả cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), Thủ tướng nhất trí và cho rằng có thể thêm nội dung này vào Nghị quyết của Chính phủ tại phiên họp tới, vì dược liệu là một lĩnh vực thế mạnh của Lạng Sơn, từ đó có thể mở ra hướng xuất khẩu dược liệu của Việt Nam.

Đánh giá cao kết quả tích cực mà Lạng Sơn đạt được thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn các tồn tại bất cập như quy mô kinh tế còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, cần cố gắng hơn nữa trong quản lý, trong phát triển. Thủ tướng đề nghị Lạng Sơn phát triển kinh tế đối ngoại kết hợp với giữ gìn quốc phòng an ninh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, phải đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam thông quan nhanh nhất, thuận lợi nhất. Phải cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút phát triển.

Cùng ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 của tỉnh Lạng Sơn.

Với chủ đề “Lạng Sơn - Điểm đến thành công của các nhà đầu tư”, Hội nghị có sự tham dự của 500 đại biểu gồm lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương, các cơ quan ngoại giao, các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại sự kiện, chứng kiến tỉnh và các nhà đầu tư trao nhận các văn bản ghi nhớ đầu tư với tổng số tiền hơn 105.000 tỷ đồng, Thủ tướng đánh giá cao kết quả, ý nghĩa của Hội nghị được tổ chức tại một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và số vốn từ các nhà đầu tư trong nước chiếm tỉ lệ cao.

Thủ tướng nêu 5 đặc điểm cũng là 5 thay đổi lớn của Lạng Sơn trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh một số lợi thế kinh tế để tạo dòng chảy thương mại-đầu tư vào Lạng Sơn rõ hơn, trong đó, nhấn mạnh vào kinh tế cửa khẩu và du lịch.

Lạng Sơn là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng, đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (CAFTA). Lạng Sơn chỉ cách Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây 230 km, cách Hà Nội 150 km, như vậy, tỉnh có thị trường 50 triệu dân của tỉnh Quảng Tây với GDP 300 tỷ USD và vùng Thủ đô Hà Nội với GDP 100 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn hằng năm trên 5 tỷ USD, gấp 3,8 lần quy mô nền kinh tế. Kinh tế cửa khẩu là thế mạnh lớn của Lạng Sơn, cần tiếp tục thúc đẩy, tạo sức bật lớn cho kinh tế Lạng Sơn.

Về lợi thế phát triển du lịch, Thủ tướng nêu bật tiềm năng của khu Mẫu Sơn, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là khu du lịch quốc gia, có cảnh sắc được ví như chốn “Bồng Lai tiên cảnh”. Dư địa tăng trưởng của Mẫu Sơn được đánh giá còn cao hơn cả Sa Pa. Lạng Sơn còn nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn, đặc sắc khác như động Tam Thanh, Nhị Thanh, 600 di tích lịch sử… Lễ hội văn hóa, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc vô cùng phong phú.

“Nếu biết đầu tư và khai thác Mẫu Sơn và tiềm năng văn hóa ẩm thực khác của xứ Lạng, nhất định Mẫu Sơn và Lạng Sơn của chúng ta sẽ thành một điểm đến mới bùng nổ trên bản đồ du lịch Việt Nam trong thời gian đến”, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thì văn hóa ẩm thực của Lạng Sơn cũng rất phong phú. Lạng Sơn có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc. Yêu cầu đặt ra là phải sản xuất lớn, mang giá trị gia tăng cao. “Tiềm năng chúng ta đã có sẵn, điều quan trọng là cần đến các nhà đầu tư để chế biến sâu, nâng cao giá trị, đưa các sản phẩm của địa phương đến với khách hàng, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và phục vụ nhu cầu thị trường trong nước”, Thủ tướng chỉ rõ. 

Nêu một số định hướng phát triển cho tỉnh, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần một nền kinh tế mạnh bởi không có tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng tuyến phòng thủ là một nền kinh tế mạnh. Lạng Sơn phải cùng với cả nước góp phần vào chiến lược này. Lạng Sơn cần đề xuất xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới tạo ra hành lang kinh tế phát triển mạnh, dọc tuyến biên giới. Chính phủ và các bộ, ngành quyết tâm hợp sức hỗ trợ cùng với Lạng Sơn cũng như các tỉnh biên giới thực hiện mục tiêu này.

Lạng Sơn cần tập trung nguồn lực, kể cả ngân sách, vốn đầu tư, chính sách, con người cho phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột kinh tế. Đó là kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững và nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến xuất khẩu. Với các khu kinh tế cửa khẩu, cần tập trung xây dựng hạ tầng thương mại, logistics, phục vụ luân chuyển hàng hóa các địa phương trong cả nước.

Quy hoạch và đầu tư phải có tầm nhìn xa và với quy mô đủ lớn để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tạo ra khả năng lan tỏa. Chú ý phát triển đô thị Lạng Sơn thành một thành phố bản sắc, thành phố xanh, cùng với đó là hệ thống thị trấn, thị tứ. Cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, làm sao để Lạng Sơn vào nhóm trung bình của cả nước trong 5 năm tới.

Thủ tướng đánh giá cao việc Lạng Sơn và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết bản ghi nhớ về xây dựng chính quyền điện tử, lưu ý cần làm sao ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực, từ xuất xứ hàng hóa đến thanh toán điện tử và thủ tục hành chính cho người dân thuận lợi nhất. Tỉnh cần có chính sách thu hút người dân đến làm việc tại khu vực kinh tế cửa khẩu, biên giới.

Thủ tướng cho biết, vừa qua, nhiều địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư, đưa các nguồn vốn ký kết tại hội trường vào cuộc sống, vì thế, năm nay, vốn đầu tư xã hội chiếm tới 34% GDP. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn sau đợt xúc tiến với số vốn hơn 105.000 tỷ đồng này, cần cùng với các nhà đầu tư bắt tay vào công việc, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án được ký kết. Nhà đầu tư cần giữ lời nói đi đôi với việc làm. Về phía Chính phủ, sẽ tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, môi trường vĩ mô thuận lợi nhất để tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư thành công./.

TTTCTT