Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả
Sự kiện nổi bật - Ngày đăng : 18:30, 01/10/2019
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019 |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2019 và Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong 9 tháng đầu năm 2019, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ
NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo. NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, chỉ đạo TCTD chủ động rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính. Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế đặc biệt trong bối cảnh nhiều NHTW liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Động thái này nhằm đưa ra thông điệp nền kinh tế đang ổn định, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhất là những tháng cuối năm. Với việc giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh lãi suất cho vay”.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, trong các Chỉ thị từ đầu năm, Thống đốc NHNN đều yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2019 đạt 8,64%
Với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trên, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Đến ngày 24/9/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến nay ngành ngân hàng đã tập trung đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay thu mua lúa gạo cho người dân vùng ĐBSCL vụ lúa Đông Xuân năm 2019, các NHTM nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Các tổ chức tín dụng đã cấp hạn mức tín dụng hơn 24 nghìn tỷ đồng và đã giải ngân cho vay gần 17 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua gần 2,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân. Hiện đang tiếp tục bám sát diễn biến vụ Hè Thu để đảm bảo vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Kịp thời chỉ đạo các TCTD nắm sát khó khăn của khách hàng bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố biện pháp xử lý nợ vay theo quy định tại Nghị định 55, 116 của Chính phủ. “Đến nay, các TCTD đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại với số tiền 816 tỷ đồng thông qua các biện pháp: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 424 tỷ đồng, miễn, giảm lãi vay 143 tỷ đồng; cho vay mới 226 tỷ đồng và các biện pháp khác là 23 tỷ đồng.” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42
Về kết quả cơ cấu lại các TCTD, theo ông Nguyễn Trọng Du – Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, thể hiện ở các mặt như: Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao. Việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đạt được một số kết quả tích cực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.
Thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều chuyển biến tích cực
Về hoạt động thanh toán, ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán, tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Đến nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, các ngân hàng cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực.
Toàn cảnh buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019 |
Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ cuối năm; đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%
Phát biểu kết luận buổi họp báo, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, trong những tháng cuối năm 2019, NHNN sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT. Điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện thuận lợi. Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%.
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công; đẩy mạnh TTKDTM mà trọng tâm là thanh toán trên di động và các phương thức thanh toán mới, hiện đại; triển khai các mô hình thanh toán mới tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tích cực triển khai cung ứng dịch vụ TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ công; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN và giao dịch với TCTD góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng phát triển bền vững.