Hội nghị CLB Pháp chế Ngân hàng nhận diện vướng mắc, kiến nghị giải pháp sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng và bầu ban chủ nhiệm nhiệm kỳ mới
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 18:47, 03/10/2019
Toàn cảnh hội nghị |
Gần 80 đại biểu là cán bộ pháp chế của các tổ chức tín dụng, luật sư ngân hàng đã tham dự hội nghị. Đại diện cho Ngân hàng Nhà nước tham dự hội nghị có ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, cùng đại diện một số vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước.
Thảo luận, nhận diện vướng mắc, kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật, văn bản pháp luật có liên quan
Theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng nhiệm kỳ III: Trong những năm qua, khuôn khổ pháp lý trong tổ chức và hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng (TCTD) đã ngày càng hoàn thiện, về cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động về tài chính – ngân hàng vận động không ngừng và thay đổi rất mạnh mẽ, các quan hệ kinh tế, hình thái giao dịch, phương thức giao dịch… mới thường xuyên phát sinh dẫn đến khuôn khổ pháp lý trong hoạt động của nền kinh tế nói chung, đặc biệt khuôn khổ pháp lý trong hoạt động tài chính, ngân hàng cần phải điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tạo điều kiện cho các hoạt động tài chính ngân hàng được phát triển trong khuôn khổ pháp luật, tạo sân chơi bình đẳng giữa các tổ chức có hoạt động tài chính ngân hàng và phòng ngừa rủi ro pháp lý cho các TCTD, đồng thời giúp cơ quan quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thanh tra hiệu quả.
Ông Nguyễn Thành Long Chủ nhiệm CLB Pháp chế nhiệm kỳ III phát biểu |
“Hội nghị là cơ hội để các tổ chức hội viên cùng nhau góp ý kiến, phát hiện các vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, phản biện cùng tìm kiếm giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật, văn bản pháp luật có liên quan”, ông Nguyễn Thành Long nói.
6 vấn đề vướng mắc trong hoạt động của các TCTD qua tổng hợp ý kiến của các hội viên cùng với các đề xuất, kiến nghị cụ thể đã được nêu ra tại hội nghị: Về phạm vi hoạt động của các TCTD liên quan đến quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 90 Luật TCTD. Một số hoạt động các TCTD được thực hiện theo quy định từ Điều 98 đến Điều 107 Luật các TCTD và TCTD đã được cấp phép hoạt động nhưng NHNN vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể như tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác, nghiệp vụ thư tín dụng (trong nước); dịch vụ tư vấn tài chính ngân hàng, tư vấn tài chính doanh nghiệp…. ; Về việc ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động ngân hàng. Nhiều ý kiến băn khoăn liên quan tới việc pháp luật chưa cho phép TCTD thay thế nhận diện khách hàng bằng công nghệ thông tin, nhận dạng sinh trắc học như vân tay, mống mắt… (dấu hiệu duy nhất gắn với mỗi khách hàng và không thể giả mạo) thay thế cho biện pháp gặp mặt trực tiếp dẫn đến khó khăn cho TCTD trong việc mở rộng phạm vi thanh toán không dùng tiền mặt tặt các địa bàn TCTD không có mạng lưới giao dịch. Hay việc quy định lưu giữ chứng từ bằng giấy trong khi giao dịch với khách hàng ở một số nội dung thực hiện hoàn toàn qua điện tử…; Về quy định TCTD được nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng cần làm rõ khái niệm thế nào là “nắm giữ” bất động sản và đề xuất cho phép TCTD kéo dài thời gian nắm giữ nhiều hơn 3 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm; Về quy định hạn chế cấp tín dụng và cấp tín dụng có điều kiện ưu đãi. Còn khoảng vênh trong quy định giữa Luật TCTD với Luật Doanh nghiệp và các Thông tư liên quan gây khó trong việc hiểu, thực thi và hoạt động của TCTD như quy định liên quan đến “cổ đông sáng lập”, “người thẩm định, xét duyệt cho vay” hay quy định về các điều kiện “cấp tín dụng ưu đãi”; Về việc thế chấp quyền tài sản và nhà ở hình thành trong tương lai trong Dự án nhà ở theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-NHNN.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các ngân hàng tại Hội nghị, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN đã trao đổi, giải đáp cụ thể từng vấn đề liên quan đồng thời ghi nhận và cho biết sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiếp thu và có những xem xét điều chỉnh.
Ông Tạ Quang Đôn phát biểu tại hội nghị |
Ông Tạ Quang Đôn đánh giá: “Hoạt động của CLB đã đi vào thực chất và đã có nhiều góp ý xác đáng. Đề nghị CLB tiếp tục phát huy. Thời gian qua, những ý kiến đóng góp của CLB đã được các cơ quan chức năng tiếp thu hết sức chủ động”. “Mong thời gian tới, CLB Pháp chế Ngân hàng tiếp tục sẽ có nhiều ý kiến gợi ý, xử lý vấn đề liên quan tới các vụ chức năng”, ông Đôn bày tỏ mong muốn.
Một số kết quả nổi bật của CLB Pháp chế Ngân hàng trong nhiệm kỳ III
CLB Pháp chế Ngân hàng hiện có 53 hội viên, trong đó 38 hội viên là tổ chức và 15 hội viên cá nhân. Ban chủ nhiệm CLB gồm 10 thành viên (bao gồm Chủ nhiệm, 3 Phó chủ nhiệm và 6 ủy viên) trong đó 9 thành viên đại diện cho tổ chức và 01 thành viên cá nhân.
Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Hiệp hội Ngân hàng và sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên, trong nhiệm kỳ III hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đã đạt được những kết quả nhất định góp phần vào thành công của Hiệp hội Ngân hàng và hệ thống Ngân hàng Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ III (2017-2019), các thành viên CLB Pháp chế đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, tỷ giá, lãi suất; chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định nội bộ, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD, đặc biệt là hệ thống quy chế, quy trình nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng để nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ nhằm phòng tránh và giảm thiểu các rủi ro pháp lý đã xảy ra trong hệ thống ngân hàng thời gian qua. Ngoài ra, công tác pháp chế, tuân thủ tại các TCTD đang được chú trọng và kiện toàn tổ chức, tăng cường chức năng nhiệm vụ để khẳng định vai trò đối với sự phát triển bền vững của các ngân hàng, tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế.
Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đồng hành cùng các thành viên, CLB Pháp chế Ngân hàng tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước; chủ động nắm bắt những vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, đặc biệt tăng cường tổ chức các buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với cơ quan soạn thảo và các Bộ ngành liên quan để cùng trao đổi, chia sẻ giúp các cơ quan thấu hiểu hơn thực tiễn hoạt động ngân hàng; Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản mới được ban hành trong thời gian qua nhằm tuyên truyền các thành viên thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật của các thành viên; Làm cầu nối giữa các Tổ chức hội viên với cơ quan quản lý nhà nước; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên; Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng, các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Trung ương, bộ, ngành để kịp thời tổng kết thực tiễn việc thi hành pháp luật có liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động diễn đàn CLB Pháp chế Ngân hàng
Các thành viên CLB biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng tại hội nghị |
Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống TCTD, gắn liền với xử lý nợ xấu; bám sát định hướng hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và của Hiệp hội Ngân hàng, trên cơ sở đó, trong định hướng nhiệm kỳ mới, CLB Pháp chế Ngân hàng tập trung vào các nhiệm vụ sau: Kiện toàn Ban Chủ nhiệm, đề ra phương hướng hoạt động thời gian tới nhằm mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho các thành viên; Nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động của các thành viên để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ; Tích cực tham gia góp ý kiến, phản biện cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của TCTD, nhằm giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng , tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; Tư vấn, hỗ trợ hội viên giải quyết vướng mắc, bất cập, tranh chấp pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động các thành viên thực hiện đúng quy định của pháp luật; nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật cho các thành viên, phòng chống rủi ro pháp lý trong hoạt động ngân hàng....; Tăng cường đối thoại với các bộ, ngành để phản ánh các vướng mắc của hội viên và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ một cách hiệu quả hơn; Định kỳ tổ chức các chuyến khảo sát thực tế tại các đơn vị hội viên để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý trong hoạt động kinh doanh ngân hàng của hội viên; Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động diễn đàn CLB Pháp chế NH.
Ra mắt Ban chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ IV |
Hội nghị đã bầu Ban chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ IV, gồm 11 thành viên la: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Quân Đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Công ty Tài chính Điện lực và Công ty Tài chính Shinhan Finance.