Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 16:27, 16/10/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 16/10/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn OpenWay tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thanh toán 2019: Xây dựng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số".

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Phó Thống đốc NHNN, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, ông Dimitris Litsikakis - Giám đốc FinTech toàn cầu của Tập đoàn deVere; ông Alex Rolfe - Giám đốc Payments Cards & Mobile; ông Francois Hribovsek đến từ Visa Đông Nam Á, bà Maria Vinogradova - Giám đốc chiến lược và Thị trường OpenWay, ông Rudy Gunawan - Giám đốc OpenWay khu vực châu Á, đại diện một số ngân hàng, công ty Fintech cùng hơn 120 chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán.

Trong phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: “Cùng với xu thế chung của các ngân hàng trên thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng số. Quá trình này đòi hỏi xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp, thiết lập hạ tầng kĩ thuật mới, các giải pháp ứng dụng của công nghệ kĩ thuật số. Do đó cần có sự phối hợp của các bên liên quan tạo hệ sinh thái đồng bộ tạo nên sự phát triển của hoạt động ngân hàng số.

Trong hoạt động ngân hàng số, thanh toán kỹ thuật số có tầm quan trọng đặc biệt, thu hút sự quan tâm hàng đầu của các TCTD và các đơn vị trung gian thanh toán. Tại các nước phát triển, nhiều mô hình, hệ sinh thái về thanh toán số đã được nghiên cứu phát triển. Hội thảo ngày hôm nay với chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số” nhằm lắng nghe những kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - phát biểu

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước về thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động của Việt Nam trong quý I/2019 cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 7,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực ở mức 4,9%, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan đạt 59,7% và Malaysia lên đến 89%.

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là một trong những mục tiêu lớn được Chính phủ và NHNN quan tâm trong những năm gần đây. Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, tính đến cuối tháng 10/2019, đã có 32 đơn vị được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 28/32 đơn vị cung ứng dịch vụ cổng thanh toán; 29/32 đơn vị cung ứng ví điện tử.

78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Thanh toán di động tăng trưởng mạnh (trên 150% về giá trị và 100% về̀ số lượng so cùng kỳ 2018).

Thanh toán di động đang trở thành xu hướng mới với việc ứng dụng các công nghệ mới như QR Code, Giao tiếp trường gần (NFC), số hóa thông tin thẻ (Tokenization), Xác thực sinh trắc học (Biometric Authetication)… ở Việt Nam.

Số tài khoản cá nhân đã đạt khoảng 83,9 triệu tài khoản; tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 63,7% năm 2018. Đây chính là cơ sở để các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán phát triển thị trường.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN - trình bày tại buổi tọa đàm

Tuy nhiên, thanh toán kỹ thuật số ở Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, ông Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến các hạn chế về cơ sở hạ tầng thanh toán, hiện mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa vươn tới được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Do đó, cần phải tăng cường sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. “Đây là chủ đề chính mà Tọa đàm "Thanh toán 2019: Xây dựng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số" đề cập đến, đồng thời là mục tiêu mà NHNN cùng hệ thống ngân hàng hướng đến và dành sự quan tâm đặc biệt trong thời gian tới”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

Ông Dũng cũng khẳng định, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và còn 8% vào cuối năm 2025. Một trong những định hướng và Giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam 2020 của NHNN đề ra là phải triển khai hạ tầng công nghệ tập trung để tích hợp với các ngành, lĩnh vực xây dựng hệ sinh thái phục vụ TTKDTM và đẩy mạnh thanh tra, giám sát đảm bảo an ninh an toàn hoạt động thanh toán.

Tại tọa đàm, các chuyên gia nước ngoài đều bầy tỏ sự ngạc nhiên về tốc độ phát triển và tiềm năng thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam.

Xung quanh cách thức xây dựng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số, các tham luận dành nhiều thời gian phân tích và trao đổi về những mô hình dịch vụ thanh toán số đã thành công dưới góc nhìn của các chuyên gia tới từ châu Âu; công nghệ điện toán đám mây trong thanh toán thời kỳ 4.0; ứng dụng công nghệ để vượt qua rào cản về cơ sở hạ tầng nhằm tiếp cận người tiêu dùng ở mọi vùng miền; vượt qua thách thức về hạ tầng và hậu cần để đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận công nghệ; Sử dụng dữ liệu khách hàng để tạo nên lợi thế tốt nhất...

Diễn ra trong một ngày, tọa đàm đã đem đến những kiến thức và thông tin rất bổ ích với các chuyên gia thanh toán Việt Nam với tầm nhìn chung: Phát triển hệ sinh thái số với các nền tảng phần mềm hiện đại cho thanh toán thẻ, các hình thức thanh toán điện tử giúp người tiêu dùng Việt Nam thanh toán chỉ trong vài chục giây, tính tiện lợi và an toàn cao hơn hẳn tiền mặt. Điều quan trọng là cách hệ sinh thái số tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng, làm sao để họ cảm thấy thích thú và chủ động thay đổi thói quen không dùng tiền mặt.

OpenWay Group thành lập vào năm 1995, là công ty toàn cầu với trụ sở chính tại Vương quốc Bỉ với 20 văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Từ năm 2009 tới nay, OpenWay được Gartner xếp hạng số 1 về giải pháp thanh toán kỹ thuật số và được Ovum xếp hạng là công ty hàng đầu về giải pháp ví kỹ thuật số từ năm 2016.

Tại Việt Nam, OpenWay bắt đầu cung cấp giải pháp Way4 từ năm 2005. Hiện 14 ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam sử dụng hệ thống này.

Trịnh Ngọc Lan