Xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo hiện nay
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:30, 22/10/2019
Ngày nhận bài: 27/9/2019 - Ngày biên tập: 27/9/2019 - Ngày duyệt đăng: 28/9/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 19/2019
Tóm tắt: Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) từ nước, nắng, gió, sinh khối, địa nhiệt... đang trở thành xu thế toàn cầu, vì đây là nguồn năng lượng sạch, ít gây tác hại đến môi trường, giúp giảm khí thải nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu cũng như giúp các nước trên thế giới giảm khai thác và phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch tự nhiên. Đầu tư vào NLTT không chỉ tích cực cho môi trường, mà nó còn có thể là một trong những cơ hội đầu tư đầy triển vọng, do đó được xem là đầu tư vào một tương lai bền vững. Điều này khiến cho đầu tư vào NLTT đã phát triển mạnh mẽ đáng kinh ngạc trong thời gian qua.
Bài viết tìm hiểu thực trạng đầu tư vào NLTT trên thế giới cũng như xu hướng đầu tư vào NLTT, đồng thời rút ra một số hàm ý đối với Việt Nam.
Từ khóa: năng lượng tái tạo, đầu tư, phát triển bền vững
Current trend of renewable energy investment in the world
Abstract: Developing renewable energy (renewable energy) from water, sunlight, wind, biomass, geothermal... is becoming a global trend, because this is a clean energy source, less harmful to the environment, help reduce greenhouse gas emissions, contribute to climate change prevention as well as help countries around the world reduce their exploitation and dependence on natural fossil fuels. Investment in renewable energy is not only positive for the environment, but it can also be one of the promising investment opportunities, so it is seen as investment for a sustainable future. This makes investment in renewable energy grow dramatically in recent years. The paper explores current status of renewable energy investment in the world as well as its trends, then draws some implications for Vietnam.
Key words: renewable energy, investment, sustainable development
I. Thực trạng đầu tư vào năng lượng tái tạo trên thế giới
Chúng ta đang ở giữa cuộc cách mạng NLTT toàn cầu, với mức đầu tư tăng lên mạnh mẽ hàng năm. NLTT là ngành công nghiệp lớn thứ ba trên thế giới về thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực xanh. Giai đoạn 2010-2019 có khoảng 2,6 nghìn tỷ USD đầu tư vào công suất NLTT (không bao gồm thủy điện lớn có công suất trên 50MW), nhiều hơn gấp ba số tiền đầu tư trong thập kỷ trước. Đầu tư NLTT có xu hướng lớn về quy mô, với vốn đầu tư trung bình là 217 triệu USD.(1) Năm 2018, đầu tư vào công suất NLTT đạt 289 tỷ USD, giảm 11,5% so với con số đầu tư kỷ lục là 326 tỷ USD đạt được trong năm 2017. Song đây vẫn là năm thứ chín liên tiếp đầu tư vào NLTT vượt quá 200 tỷ USD và là năm thứ năm liên tiếp trên 250 tỷ USD (xem Hình 1). Số tiền đầu tư vào NLTT cũng cao gấp ba lần số tiền đầu tư vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Hình 1: Đầu tư vào NLTT toàn cầu, 2008-2018
Chú thích: Số liệu không bao gồm đầu tư vào các dự án thủy điện lớn hơn 50MW. Tổng mức đầu tư đã được làm tròn. Nguồn: UN, 2019. |
Sự suy giảm đầu tư trong năm 2018 chủ yếu là do cắt giảm 14% tài trợ cho các dự án NLTT trên toàn thế giới so với năm trước. Sự cắt giảm tài trợ này phần lớn là do Trung Quốc hạn chế hỗ trợ cho các dự án năng lượng mặt trời lắp đặt mới khiến tổng số tiền tài trợ trên toàn cầu chỉ trong nửa đầu năm 2018 là 117,6 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mức tài trợ cao kỷ lục hơn 160 tỷ USD được thấy trong nửa cuối năm 2017.(2) Thêm nữa, chi phí vốn lắp đặt NLTT cũng giảm mạnh. Mặc dù có sự giảm sút đầu tư trong năm 2018, song với công suất NLTT tăng thêm đạt kỷ lục 181 GW(3) cho thấy xu hướng đầu tư vào NLTT sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đầu tư vào NLTT thời gian qua đã thúc đẩy công suất NLTT tăng gấp 3,5 lần, từ 414 GW vào cuối năm 2009 lên 1.449 GW vào năm 2018. NLTT đã được thiết lập trên toàn cầu như một nguồn phát điện chính trong những năm gần đây. Năm 2018, NLTT chiếm 12,9% trong tổng phát điện toàn cầu, tăng từ 11,6% trong năm 2017. Điều này đã giúp giảm được khoảng 2 tỷ tấn khí thải CO2 - một khoản tiết kiệm đáng kể nhờ phát thải của ngành điện toàn cầu 13,7 tỷ tấn trong năm 2018.(4)
II. Một số xu hướng đầu tư vào NLTT trên thế giới hiện nay
1. Đầu tư của các nước đang phát triển tiếp tục dẫn đầu
Trước năm 2014, phần lớn đầu tư vào NLTT là ở các nước phát triển, nhưng từ năm 2015, các nước đang phát triển đã vươn lên chiếm ưu thế. Năm 2015, lần đầu tiên, đầu tư vào NLTT của các nước đang phát triển đã vượt qua các nước công nghiệp phát triển, với 170 tỷ USD, chiếm 53,6%% tổng đầu tư vào NLTT toàn cầu (xem Hình 1). Với cuộc cách mạng năng lượng mặt trời đang diễn ra ở Ấn Độ và cam kết của 48 quốc gia đang phát triển cho mục tiêu 100% NLTT(5), các quốc gia đang phát triển sẽ tiếp tục có tỷ trọng ngày càng lớn trong đầu tư vào NLTT toàn cầu. Các quốc gia dẫn đầu xu hướng này là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất về NLTT chiếm gần 31% tổng số đầu tư toàn cầu (với 758 tỷ USD), Hoa Kỳ đứng thứ hai chiếm 14%. Thậm chí trong năm 2018, với chính sách hạn chế hỗ trợ cho các dự án năng lượng mặt trời khiến đầu tư của Trung Quốc giảm 37% so với con số kỷ lục của năm 2017, nhưng với 91,2 tỷ USD chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn cầu, nước này vẫn tiếp tục dẫn đầu đầu tư vào NLTT trên toàn thế giới trong năm thứ 7 liên tiếp. Trong khi đó, đầu tư vào NLTT ngày càng lan rộng trên toàn cầu và gia tăng ở các nước đang phát triển khác ở châu Á, Trung Đông và châu Phi. Nếu không tính Trung Quốc, đầu tư vào NLTT của các nước đang phát triển tăng 6% lên 61,6 tỷ USD, một mức cao kỷ lục.(6)
Các nền kinh tế đang phát triển cũng là nơi nhận được phần lớn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực NLTT, thu hút gần 70% của tất cả các dự án FDI. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thu hút phần lớn các dự án FDI vào năng lượng tái tạo với 454 dự án, trong khi Tây Âu có 276 dự án. Hiện có tới 6 nước đang phát triển nằm trong top 10 điểm đến đầu tư vào NLTT là: Mexico, Ấn Độ, Chile, Brazil, Việt Nam và Philippines.(7) Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có thành tích ngoạn mục nhất với bước nhảy vọt về đầu tư công suất lên 5,2 tỷ USD, gấp 9 lần so với năm trước.
2. Năng lượng mặt trời và gió thu hút nhiều đầu tư nhất
Chi phí NLTT giảm sâu nên khả năng cạnh tranh chi phí của NLTT cũng tăng lên đáng kể trong thập kỷ này. Tuy nhiên, tính cạnh tranh về giá của các dự án NLTT phụ thuộc nhiều vào quy mô, tiềm năng các nguồn NLTT cũng như chi phí nối lưới, truyền tải và các chi phí môi trường liên quan đến năng lượng hóa thạch. Từ năm 2009 đến đầu năm 2019, chi phí điện năng lượng mặt trời đã giảm 81% xuống còn 57 USD/MWh, điện gió trên bờ giảm 46% xuống 50 USD/MWh, điện gió ngoài khơi giảm 44% xuống còn 89 USD/MWh.(8) Ở các nước G20, chi phí sản xuất NLTT còn thấp hơn nữa. Cụ thể, sản xuất năng lượng bằng nhiên liệu hóa thạch có giá từ 50-170 USD/MWh trong khi giá của các dự án điện gió, và quang điện mặt trời có thể thấp tới 30 USD/MWh vào năm 2019.(9) Từ năm 2015 đến nay, việc giảm chi phí đầu tư liên tục của năng lượng mặt trời và gió cùng với sự xuất hiện các cách thức mới để tích hợp, lưu trữ NLTT ngày càng thuận lợi hơn đã thúc đẩy các dự án điện gió và mặt trời mọc lên ở một số quốc gia ngày càng tăng.
Trong khoản đầu tư 2,6 nghìn tỷ USD vào NLTT từ 2010-2019 (không bao gồm thủy điện lớn), năng lượng mặt trời thu hút đầu tư nhiều nhất chiếm 52%, tiếp đến là năng lượng gió chiếm 41%, năng lượng sinh khối và chất thải là 4%, trong khi địa nhiệt và đại dương thu hút đầu tư thấp nhất. Có thể dễ dàng nhận thấy sự gia tăng đầu tư vào năng lượng mặt trời đang chi phối đầu tư NLTT hiện nay. Năm 2018, đầu tư vào năng lượng mặt trời giảm 22%, song với 139,7 tỷ USD, đây vẫn là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất. Tương ứng với vốn đầu tư, công suất NLTT tăng thêm chủ yếu là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, với tỷ lệ chiếm tới 83% phần tăng thêm.(10)
3. Đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng lớn
Đầu tư công cho NLTT bao gồm các khoản tài trợ và tài chính ưu đãi thường được sử dụng để kích thích và thu hút đầu tư tư nhân nhằm phát triển NLTT, do vậy chúng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng đầu tư vào NLTT. Giai đoạn 2013-2016, trung bình các khoản tài trợ chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng đầu tư NLTT hàng năm, các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi và vốn chủ sở hữu trung bình là 4%, thậm chí chỉ là 1,5% trong năm 2016.
Số lượng các quốc gia thúc đẩy NLTT thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp đã tăng gấp ba lần từ 48 nước năm 2004 lên 147 nước năm 2016 và ngày càng nhiều nước đang phát triển áp dụng các mục tiêu và chính sách mới cho NLTT. Trợ cấp vốn cũng đã được 58 quốc gia áp dụng vào năm 2016, tăng hơn gấp đôi từ 28 quốc gia trong năm 2005. Tuy nhiên, gần đây, các quốc gia đang thúc đẩy đấu giá thay cho trợ cấp ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Với các chính sách hỗ trợ được các quốc gia triển khai trên toàn cầu, đầu tư tư nhân đã liên tục gia tăng và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng đầu tư vào NLTT. Đầu tư tư nhân đã tăng từ khoảng 85% trong tổng đầu tư vào NLTT năm 2013 lên 92% năm 2016 (xem hình 2).
Hình 2: Tỷ lệ đầu tư tư nhân và đầu tư công trong NLTT, 2013-2016
Nguồn: IRENA 2018 |
Trong tổng vốn đầu tư tư nhân vào NLTT, đầu tư từ các nhà phát triển dự án chiếm phần chủ yếu. Giai đoạn 2013-2016, trung bình hàng năm các nhà phát triển dự án đã đóng góp 40%; các tổ chức tài chính thương mại là 23%; các hộ gia đình là 16%; cổ phiếu của các nhà đầu tư tổ chức, vốn đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư chỉ chiếm dưới 1%. Riêng đầu tư từ các công ty đã giảm từ mức trung bình 27% trong năm 2013-2014 xuống còn 14% trong năm 2015-2016 do sự suy giảm trong đầu tư vào năng lượng mặt trời của các tập đoàn Nhật Bản bởi những thay đổi về thuế quan.
Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có mức đầu tư tư nhân cao nhất (đây cũng là điểm đến hàng đầu cho đầu tư tư nhân vào NLTT), tiếp theo là Tây Âu, và Hoa Kỳ. Đầu tư tư nhân chủ yếu vào năng lượng mặt trời và gió, chiếm trung bình 90% tổng đầu tư tư nhân trong giai đoạn 2013-2016. Điều này càng phản ánh sự phát triển của công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió hiện nay. Giai đoạn 2013-2016, tính trung bình có 93% đầu tư tư nhân vào NLTT ở tại trong nước xuất xứ, phản ánh xu hướng đầu tư trong nước mạnh mẽ của các chủ thể tư nhân.(11)
4. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và R&D tăng mạnh
Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và R&D NLTT nhằm tăng khả năng áp dụng công nghệ điện lưới thông minh, đồng thời cải thiện hiệu suất và giảm nhanh giá thành loại năng lượng mới này hơn nữa. Đi đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch là các nước châu Âu. Đầu năm 2019, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) đầu tư 873 triệu euro cho các dự án lớn của châu Âu về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Liên minh năng lượng là một trong những ưu tiên của EC nhằm chuyển đổi châu Âu sang một nền kinh tế sạch và hiện đại. Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sĩ là ba quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng; xếp sau là Phần Lan và Đan Mạch. Trong số các nước này, hệ thống năng lượng của Thụy Sĩ được đánh giá tốt hàng đầu thế giới. Tại Thụy Sĩ, gần 2/3 điện năng được sản xuất bằng thủy điện và NLTT.
Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Trung Quốc đặt mục tiêu trong tương lai gần, năng lượng sạch sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tiêu thụ điện năng với các loại nhiên liệu phi hóa thạch sẽ chiếm 50% tổng công suất phát điện vào năm 2030. Ấn Độ cũng tập trung vào NLTT với mong muốn thúc đẩy năng lượng mặt trời trên quy mô toàn cầu. Ấn Độ đã phát động chương trình mở rộng NLTT và dự kiến đến năm 2022 sẽ sản xuất 175 GW điện từ nguồn năng lượng này. Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch chi khoảng 110 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để xây dựng thêm các nhà máy điện mặt trời và điện gió trên cả nước nhằm tăng gấp ba lần tỷ lệ điện năng từ nguồn NLTT. (12)
Chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ năng lượng xanh mới nhằm giảm chi phí NLTT, tăng tính cạnh tranh về giá so với năng lượng hóa thạch và năng lượng hạt nhân, cải thiện hiệu suất NLTT… Nhờ có các công nghệ tiên tiến mà cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã hoàn toàn chuyển đổi. Nhu cầu thích nghi với chuyển biến nhanh chóng đã khuyến khích các quốc gia, các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho R&D và đổi mới.
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến năm 2016, đầu tư của chính phủ cho R&D luôn vượt trội so với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các doanh nghiệp đã vượt lên. Năm 2018, đầu tư cho R&D của doanh nghiệp tăng 12% lên mức kỷ lục 7,6 tỷ USD, trong khi chính phủ tăng hơn 8% với 5,5 tỷ USD - là mức cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng đầu tư vào R&D đạt 13,1 tỷ USD (tăng 10%). Điều này đã giúp đầu tư vào R&D NLTT tăng rõ rệt, lên gần gấp đôi so với một thập kỷ trước. Trong giai đoạn 2010-2019, đầu tư vào R&D của doanh nghiệp đạt 51 tỷ USD và của chính phủ đạt 50 tỷ USD.(13)
III. Một số hàm ý cho Việt Nam
Qua phân tích các xu hướng đầu tư vào NLTT hiện nay cho thấy: Thứ nhất, phát triển NLTT là xu hướng toàn cầu và đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhu cầu năng lượng trong những năm tới của Việt Nam sẽ rất cao. Việt Nam lại là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn NLTT, dự tính năng lượng gió và năng lượng mặt trời có thể cung cấp 2/3 nhu cầu điện của toàn bộ hệ thống điện của Việt Nam vào năm 2030.(14) Do đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn này là ưu tiên đẩy mạnh phát triển NLTT để bảo đảm an ninh năng lượng nhờ giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài, cả về than và nhập khẩu năng lượng trực tiếp, đồng thời giảm thiểu tác động tới môi trường với mục tiêu phát triển bền vững.
Song việc phát triển NLTT đang phải đối mặt với một số bất cập và thách thức như: chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về NLTT chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời)... Để giải quyết các bất cập này đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, trong khi tài chính công và nguồn vốn ưu đãi không đáp ứng đủ, nên cần phải huy động mọi nguồn lực đầu tư vào NLTT.
Đến nay, Việt Nam cũng đã ban hành hàng loạt các chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển NLTT để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước như: ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng “hợp đồng mua bán điện mẫu”... Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, đang có một “làn sóng” đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào NLTT tại Việt Nam. Năm 2019, đầu tư NLTT vươn lên đứng vị trí thứ ba chỉ sau công nghệ tài chính (fintech) và giáo dục. Năm 2018, lĩnh vực này chỉ đứng vị trí thứ 10 trong xếp hạng các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất cả nước.(15) Năm 2018, đầu tư vào NLTT của Việt Nam đã tăng vọt đạt mức kỷ lục 5,2 tỷ USD, gấp 9 lần so với năm trước. Tuy nhiên, sự vội vã đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời đã gây áp lực lên các nhà phát triển để các dự án của họ được vận hành và kết nối với lưới điện.
Huy động đầu tư tư nhân để phát triển NLTT là hướng đi phù hợp với chiến lược và mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng là, bên cạnh việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ về hệ thống truyền tải, phân phối điện cũng như các quy định khác, đảm bảo vận hành ổn định, hiệu quả hệ thống điện có sự tham gia của sản lượng điện từ NLTT..., Chính phủ cần xác lập cơ chế phê duyệt dự án minh bạch, dễ tiếp cận hơn, tạo được thị trường có giá bán điện ở mức khả thi và quy định hợp đồng mua bán điện theo hướng giảm rủi ro cho nhà đầu tư hơn nữa. Đồng thời chính phủ cũng cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và R&D để tăng hiệu suất truyền tải và phân phối điện.
Chú thích:
1 Sebastian Shehadi (2019).
2 Dominic Dudley (2019).
3 REN21 (2019).
4 UN (2019).
5 REN21 (2017).
6 UN (2019).
7 Sebastian Shehadi (2019).
8 UN (2019).
9 Ziya Erdem (2019).
10 UN (2019).
11 IRENA (2018).
12 Gia Linh (2019).
13 UN (2019).
14 Khánh Ly (2019).
15 Grant Thorton 2019.Triển vọng đầu tư tư nhân Việt Nam 2019. Tháng 5.
Tài liệu tham khảo
- Gia Linh (2019). Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở một số quốc gia trên thế giới. Con số và sự kiện, ngày 3/9/2019.
- Khánh Ly (2019). Năng lượng tái tạo hướng đi của tương lai. Báo Tài nguyên và Môi trường, ngày 21/3/2019.
- REN21 (2017). Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo toàn cầu.
- Dominic Dudley, 2019. Global Renewable Energy Investment Falls In Wake Of Chinese Policy Shift. www.forbes.com, Jul 10, 2019.
- Grant Thorton 2019.Triển vọng đầu tư tư nhân Việt Nam 2019. Tháng 5.
- IRENA (2018). Global Landscape of Renewable Energy Finance 2018.
- Sebastian Shehadi (2019). FDI Renewable Energy Investments of The Year 2019 - The Winners. FDI Intelligence,11/2/2019.
- REN21, 2019. Renewables 2019 Global Status Report.
- UN Environment, Frankfurt School-UNEP Centre, BloombergNEF (2019). Global Trends in Renewable Energy Investment 2019.
- Ziya Erdem (2019). 2018 was a record year for renewable energy. 2019 could be the same. www.prescouter.com, April.