Hội thảo Toàn cảnh Công nghệ Thông tin- Truyền thông Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam ICT Outlook - VIO 2019)

Sự kiện nổi bật - Ngày đăng : 22:31, 31/10/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với chủ đề “Định hình tương lai Fintech Việt Nam – Shaping the future of Vietnam Fintech” – Hội thảo được Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Fintech Academy Singapore, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 31/10/2019 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Vietnam ICT Outlook - VIO2019.

Đến dự Hội thảo có ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA), ông Trần Đình Cường - Phó Giám đốc NHNN  chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cùng đông đảo đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính, công ty Fintech và giới truyền thông.

Thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - đơn vị đồng tổ chức Hội thảo, TS. Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký đã tham dự và điều phối thảo luận bàn tròn: Tương lai của Fintech trong phiên buổi sáng ngày 31/10.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá việc lựa chọn chủ đề chính là Fintech, AI, chuyển đổi số cho lĩnh vực ngân hàng của Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp ICT, giới ngân hàng cho thấy sự năng động và tinh thần trách nhiệm trong triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết đặt mục tiêu “tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu tại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt Nghị quyết xác định một trong các nhiệm vụ là “tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó bao gồm lĩnh vực tài chính - ngân hàng”.

“Tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế với hàng triệu giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mỗi giờ. Chính vì vậy, việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ có tác động lan tỏa rất to lớn, có thể mang lại hiệu quả theo cấp số nhân đối với toàn bộ hoạt động kinh tế.

Mặt khác, với quy mô giao dịch như vậy, lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng là một thị trường nội địa đủ lớn để cho hàng nghìn doanh nghiệp Fintech phát triển, góp phần thực hiện hóa mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025. Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị phát triển doanh nghiệp công nghệ số với nhiều giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ và tin tưởng rằng các doanh nghiệp Fintech Việt Nam sẽ thực hiện hóa được chủ trương Make in Viet Nam: sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, phát triển tại Việt Nam. Đây là con đường phát triển tất yếu để Việt Nam có ngành tài chính, ngân hàng không chỉ hiện đại mà còn tự chủ”, ông Phan Tâm nói.

   

TS. Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (ngoài cùng, bên trái) điều phối thảo luận bàn tròn "Tương lai của Fintech"

Công nghệ tài chính  đang phát triển nhanh và mạnh mẽ

Công nghệ tài chính (Fintech) đang làm thay đổi sâu sắc phương thức và mô hình kinh doanh tạo ra nhiều cơ hội mới. Cùng với sự phát triển của kinh tế số, khu vực tài chính từ lâu đã là ngành sử dụng công nghệ số trong hoạt động thông qua việc số hóa các dịch vụ tài chính. Dựa trên Fintech, nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử (Mobile wallet), chuyển tiền ngang hàng (Peer-To-Peer transfer), thanh toán di động (Mobile payment), ngân hàng di động (Mobile banking), cho vay ngang hàng (Peer-To-Peer lending), huy động vốn cộng đồng (Equity-based crowdfunding), ngân hàng chuỗi khối (Blockchain banking), ngân hàng số (Digital banking). Nhờ có công nghệ tài chính, người dùng có thể chủ động thực hiện các dịch vụ tài chính không cần có sự hỗ trợ của nhân viên các tổ chức tài chính. Các công ty Fintech có thể cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức tài chính truyền thống nhờ các sản phẩm và công nghệ tài chính sáng tạo hơn, cung cấp dịch vụ nhanh hơn hoặc tập trung phục vụ các phân khúc mà các tổ chức tài chính truyền thống chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, sự trỗi dậy của Fintech cũng kèm theo nhiều thách thức, tác động trực tiếp đến các ngân hàng, các công ty Fintech mới tham gia vào lĩnh vực tài chính, trong đó có vấn đề kiểm soát an ninh mạng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực…

Hội thảo Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2019 là sự kiện chia sẻ về các cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng ở Việt Nam

Theo Hội Tin học TP.Hồ Chí Minh, ước tính trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Các công ty Fintech trên thế giới đã nhận được hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư trong vài năm gần đây. Riêng ở Việt Nam, mặc dù Fintech đã và đang thu hút được sự quan tâm rất lớn tuy nhiên các công ty Fintech ở Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM (VNUHCM-IBT), Việt Nam hiện có hơn 154 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech, trong đó có 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay; mảng blockchain, Crypto & Remittance có 22 công ty. Có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Điều này cho thấy xu hướng các công ty Fintech ở Việt Nam sẽ tham gia chia sẻ, lấn chiếm thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống khi mà hiện nay, hoạt động cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền ảo, thanh toán và trả góp bằng thẻ đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ở tầm vi mô lẫn vĩ mô, các lĩnh vực cụ thể khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai. Nói khác đi, hệ sinh thái số hoạt động Fintech ở Việt Nam mặc dù phát triển nở rộ gần đây nhưng vẫn đang còn nhiều hạn chế và gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Vietnam ICT Outlook - VIO là một trong những sự kiện lớn về công nghệ thông tin và truyền thông được tổ chức thường niên từ năm 1995.  Vietnam ICT Outlook - VIO 2019 thu hút 1.200 khách với hơn 3.000 lượt tham dự trong hai ngày 30 và 31/10/2019.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2019 là sự kiện để các công ty công nghệ, công ty Fintech, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ về các cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng ở Việt Nam. VIO 2019 lần này cũng mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào kế hoạch xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực với những nền tảng công nghệ, các ứng dụng Fintech mới nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại TP.  Hồ Chí Minh và Việt Nam.

Ngoài hội thảo chính có chủ đề Định hình tương lai Fintech Việt Nam - Shaping the future of Vietnam Fintech sáng ngày 31/10/2019, chiều cùng ngày có 03 hội thảo song song với 06 chuyên đề đa dạng chia sẻ về (1) Xu thế phát triển, vai trò và tác động của Fintech đối với nền  kinh tế trong bối cảnh hiện nay; (2) Fintech và sự thay đổi của công nghệ, dịch vụ thanh toán; (3) ML và AI trong thị trường Fintech, Chatbot, Bootrom; (4) Fintech và vấn đề an toàn bảo mật thông tin; (5) Fintech và Đột phá khởi nghiệp; (6) Fintech và Nguồn nhân lực. 

Đây là năm đầu tiên VIO 2019 tổ chức có sự tham gia báo cáo của các diễn giả, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Fintech, bảo mật, công nghệ đến từ Singapore, HongKong, Trung Quốc, Nga, Việt Nam… trong mỗi phiên hội thảo chuyên đề. Bên cạnh đó còn có các phiên đối thoại giữa những nhà hoạch định chính sách quản lý nhà nước, CEO của các doanh nghiệp công nghệ, công ty Fintech, ngân hàng cung cấp nhiều thông tin mới, đánh giá toàn diện về hệ sinh thái Fintech và đề ra các giải pháp chiến lược hữu ích cho các bên liên quan.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký VNBA nói: “Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công nghệ tài chính. Chúng tôi mong muốn có sự kết hợp ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech để phát huy lợi thế của cả hai bên, đem đến cho khách hàng các trải nghiệm dịch vụ chất lượng nhất với chi phí thấp và tạo cơ hội cho mọi người dân có thể tiếp cận tài chính. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Fintech với sự tham gia của đông đảo các công ty Fintech toàn quốc. Qua những trao đổi trong Hội thảo, chúng tôi thấy khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Fintech là rất quan trọng. VNBA với vai trò là cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước đã, đang và sẽ tập hợp, tổng hợp và chuyển các đề xuất, kiến nghị của các tổ chức hội viên, trong đó có các công ty Fintech đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan”.

Bên cạnh hội thảo phiên toàn thể với các báo cáo, VIO 2019 còn có các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ, quỹ đầu tư, hãng công nghệ trong và ngoài nước; các hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế uy tín và nhiều kinh nghiệm; tham quan và trải nghiệm công nghệ tại khu trưng bày VIO - Fintech Conference; cơ hội trao đổi, giao lưu các ý tưởng công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn và vận hành doanh nghiệp trong cộng đồng Start-up về Fintech.

Toàn cảnh hội thảo

VIO 2019 có sự tham gia của 30 gian hàng triển lãm đến từ các ngân hàng, công ty Fintech, doanh nghiệp CNTT đã đem đến cho cộng đồng công nghệ thông tin, cộng đồng Fintech, cộng đồng tài chính-ngân hàng và người sử dụng cơ hội vừa trải nghiệm khách hàng (customer experience) và vừa trải nghiệm triển khai (execution experience),  cho phép khách hàng thử nghiệm tự phục vụ theo thời gian thực trên nhiều thiết bị, trong môi trường bối cảnh tùy biến (contextual environment) để tạo ra các trải nghiệm cá nhân phù hợp…

Thanh Bích - Ngọc Lan