Những vấn đề đặt ra trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:37, 09/11/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết đưa ra một hướng nhìn về tái cơ cấu  hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại (NHTM), từ đó đưa ra một số quan điểm về các giải pháp trong quá trình tái cơ cấu nhằm làm lành mạnh hơn hoạt động hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay.

Ngày nhận bài: 23/9/2019 - Ngày biên tập: 23/9/2019 - Ngày duyệt đăng: 16/10/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 20/2019.

Tóm tắt: Bài viết đưa ra một hướng nhìn về tái cơ cấu  hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại (NHTM), từ đó đưa ra một số quan điểm về các giải pháp trong quá trình tái cơ cấu nhằm làm lành mạnh hơn hoạt động hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng, ngân hàng thương mại

ISSUES INCURRED DURING THE RESTRUCTURING OF  BANKING SYSTEM

Abstract: This article gives a view on restructuring the banking system of which  commercial banks are focus, thereby giving some opinions on solutions in the process of restructuring the system in order to make the banking system in Vietnam sounder and healthier.

Key words: restructuring, banking system, commercial bank

1. QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU HỆ THỐNG NGÂN HÀNG

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trọng tâm là các NHTM, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 về cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, trọng  tâm là chấn chỉnh, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời tại các ngân hàng, khuyến khích sáp nhập, hợp nhất mua lại các TCTD nhằm bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 về Đề án Xử lý nợ xấu, điểm nhấn là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) nhằm xử lý nợ xấu đang ở mức cao ở nhiều NHTM bao gồm nợ xấu cấp tín dụng, nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp; tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỉ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.

Trong bối cảnh nền kinh tế và mô hình tăng trưởng nước ta bộc lộ một số yếu kém, tăng trưởng kinh tế không bền vững và có xu hướng giảm dần, lạm phát tăng cao, số doanh nghiệp giải thể phá sản nhiều… ngày 19/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Trong đó, vấn đề lành mạnh hóa tình trạng tài chính tập trung xử lý nợ xấu vẫn là ưu tiên của Chính phủ. Tình trạng sở hữu chéo và tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng cũng là trọng tâm cần giải quyết.

Ngoài ra, Chính phủ vẫn định hướng phát triển coi NHTM nhà nước và các NHTM có cổ phần chi phối của Nhà nước thực sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ các TCTD.

Những chủ trương về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tiếp tục được thể hiện xuyên suốt trong những năm tiếp theo. Trong Nghị quyết số 05/-NQ-TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhiệm vụ tái cơ cấu thị trường tài chính tiếp tục được triển khai với trọng tâm là tái cơ cấu các TCTD, lành mạnh hóa thị trường tài chính, xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo, ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, tăng cường công  tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các TCTD.

Để tháo gỡ các vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các TCTD, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 Quốc hội được ban hành, trong đó đã có một số quyền được mở rộng hơn như: (i) Khẳng định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định; (ii) Cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ; (iii) Cho phép tòa án áp dụng thủ tục để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; mở rộng đối tượng mua/bán nợ xấu đối với VAMC; quy định về phương thức xử lý nợ xấu trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, bất động sản, bị kê biên; quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm và phương thức phân bổ lãi dự thu, khoản chêch lệch khi bán nợ xấu của TCTD và VAMC…

Nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2019, Chính phủ, NHNN đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo an toàn, ổn định của hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát. Hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu của Việt Nam đã có bước tiến lớn và dần hoàn thiện, tiến gần hơn với các quy định chung thường thấy tại các quốc gia có hệ thống pháp lý phát triển trên thế giới. Ngoài ra, các văn bản liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, các quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, quy định về việc góp vốn mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt, quy định về phân loại nợ, trích lập sử dụng dự phòng rủi ro… cũng được ban hành.

2. KẾT QUẢ THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU HỆ THỐNG NGÂN HÀNG

Với những nỗ lực ban hành và thực hiện chính sách tái cơ cấu, thanh khoản của hệ thống NHTM được đảm bảo, ổn định. Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống được giảm thiểu, không xảy ra đổ vỡ phá sản hàng loạt trong hệ thống ngân hàng, nhất là trong các thời kì nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, lãi suất huy động lên tới 18% trong giai đoạn cuối năm 2011.

Việc NHNN bơm hút tiền linh động qua thị trường mở đã góp phần hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhưng không gây sức ép lên lạm phát cho những năm sau, do đó tình hình thanh khoản và lạm phát các năm sau 2012 diễn biến ổn định với rủi ro thấp hơn. Đặc biệt, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và đồng VND được củng cố đảm bảo không có hiện tượng rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng yếu kém được hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm dần từ mức đỉnh khoảng 18-25% (cuối năm 2011) xuống còn khoảng 6,8-11% (năm 2016), sau đó giữ ổn định đến nay, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí khi vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-11%/năm đối với trung, dài hạn.

Dư nợ lĩnh vực phi sản xuất (nhất là cho vay bất động sản và chứng khoán) được kiểm soát và điều chỉnh về mức hợp lý (dưới 20%) từ năm 2016 đến nay. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước bao gồm phát triển nông nghiệp, nông thôn; phương án, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. NHNN cũng đã áp dụng trần lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với các lĩnh vực ưu tiên, thấp hơn từ 2-3% mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường. Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng, đặc biệt là các NHTM, thực hiện triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ưu tiên kể trên.

Tái cơ cấu hệ thống NHTM được thực hiện thông qua mua bán, sáp nhập các NHTM yếu kém. Đã có 3 NHTM được NHNN mua lại với giá 0 đồng là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (VNCB),  Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (Ocean Bank). Vietcombank được giao quản trị - điều hành VNCB; Vietinbank quản trị - điều hành Ocean Bank và GP Bank. Hiện nay, VNCB, Ocean Bank và GP Bank đã hoạt động bình thường trở lại, kết quả kinh doanh được cải thiện đáng kể, lỗ hoạt động giảm qua từng tháng. Đặc biệt, nợ xấu của Ocean Bank giảm mạnh, tính đến cuối năm 2017 đã thu hồi được 60%. Ngoài ra, còn 7 NHTM khác (Habubank, Western Bank, DaiABank, MDBank, MHBank, Southern Bank, GP Bank) cũng được sáp nhập vào các ngân hàng khác có tình hình tài chính lành mạnh và kết quả kinh doanh ổn định hơn.

Bên cạnh các chính sách giảm lãi suất, cho vay ưu đãi với đối tượng ưu tiên, các TCTD đã chủ động triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu góp phần làm lành mạnh hóa tình trạng tài chính, giảm nợ xấu trong giai đoạn qua. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, hệ thống các TCTD đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng xuống chỉ còn 1,91%, dưới ngưỡng 2% được đưa ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ban hành ngày 1/1/2019. Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã có hiệu quả bước đầu khi số lượng khách hàng trả nợ các khoản được xếp vào nợ xấu tăng lên. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày  31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Một là, Việt Nam chưa có một thị trường mua bán nợ thực sự khi các TCTD vẫn chủ yếu bán nợ cho VAMC và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định các TCTD được bán các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan một cách công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật và giá bán phù hợp với giá thị trường, cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Trên thực tế, việc mua bán nợ giữa các TCTD với nhau và giữa các nhà đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài với TCTD chưa diễn ra.

Hiện điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khá cao (tối thiểu vốn điều lệ 100 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ và tối thiểu 500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch nợ, yêu cầu về quản lý nội bộ). Bên cạnh đó, nước ta còn chưa có thị trường vốn thứ cấp và phái sinh đối với các khoản nợ nên bên mua nợ rất khó khăn khi muốn chuyển nhượng các khoản nợ. Các sản phẩm phái sinh như chứng khoán bảo đảm bằng tài sản đều chưa có dẫn đến không thu hút được các nhà đầu tư mua bán các khoản nợ.

Hai là, rủi ro tín dụng hiện hữu khi một số tập đoàn đã có những khoản vay rất lớn từ hệ thống NHTM. Mặc dù tại thời điểm vay, tình hình tài chính và các yếu tố nội tại của các tập đoàn này đều ổn định, nhưng những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế  thế giới có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn có quy mô lớn, từ đó gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, Vingroup – được xem như là “chaebol” kiểm soát một phần lớn trong hệ thống sản xuất, phân phối tại Việt Nam trong những năm gần đây – đã và đang mở rộng quy mô hoạt động sang nhiều lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, ô tô, xe máy, điện thoại, hàng không, dịch vụ du lịch, giải trí, giáo dục, nông nghiệp, thời trang, y tế, dược phẩm… Việc Vingroup kinh doanh những lĩnh vực khá mạo hiểm như sản xuất ô tô tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế khi tập đoàn này huy động một lượng vốn lớn từ ngân hàng thông qua hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến tháng 8/2018, tổng các khoản vay và nợ của tập đoàn Vingroup ước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng. Tháng 10/ 2018, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hạ triển vọng của Vingroup từ ổn định xuống tiêu cực do Vingroup vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast, làm cho rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên.

Ba là, các diễn biến phức tạp về tình hình căng thẳng thương mại và các rủi ro khác trên toàn cầu chưa được đề cập như một yếu tố quan trọng nên được xem xét trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Rủi ro từ chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khi Trung Quốc bắt đầu phá giá đồng nhân dân tệ từ ngày 8/8/2019. Bên cạnh đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo định kỳ bán niên về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về việc thao túng tiền tệ (theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ định nghĩa thao túng tiền tệ là việc một quốc gia cố ý điều chỉnh tỉ giá để tác động đến cán cân thanh toán, hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế). Hoa Kỳ từng gắn mác thao túng tiền tệ đối với Nhật Bản (năm 1988), Đài Loan, Trung Quốc (năm 1988- 1992), Trung Quốc (năm 1992-1994). Khi bị cáo buộc là thao túng tiền tệ thì Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp can thiệp qua việc đàm phán để các quốc gia khác điều chỉnh chính sách tỉ giá của họ, hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt như áp thuế suất cao hơn đối với quốc gia đó.

4. CÁC ĐỀ XUẤT VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO TÁI CƠ CẤU NGÂN HÀNG VIỆT NAM

4.1. Lành mạnh hóa và công khai các thông tin quan trọng về tình trạng hoạt động của từng ngân hàng, nâng cao vai trò của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Đây là bước đi đầu tiên để chuẩn đoán chính xác “căn bệnh” của các ngân hàng hiện tại. Việc công khai các thông tin về tình trạng hoạt động cần có một lộ trình cụ thể để tránh các rủi ro có thể xảy ra cho hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện gắt gao các biện pháp kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động và độ chính xác của thông tin mà các NHTM cung cấp nhằm gia tăng tính minh bạch của hệ thống và tạo lòng tin cho người gửi tiền. Để đánh giá được tình trạng của hệ thống ngân hàng, các thông tin về quản trị rủi ro, giá trị nợ xấu, tỷ lệ vốn tối thiểu cần phản ánh đúng thực chất hoạt động của ngân hàng để đưa ra được các biện pháp xử lý thích hợp. Ngân hàng Nhà nước cần bắt buộc các NHTM phải minh bạch tình hình tài chính hàng tháng/quý, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.  

Sau đó, có thể phân loại các ngân hàng theo nhóm: Ngân hàng tốt, đảm bảo khả năng hoạt động; Ngân hàng hoạt động trung bình, gặp khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn và tỷ lệ nợ xấu cao nhưng dưới 10% (gấp đôi ngưỡng an toàn); Nhóm ngân hàng xấu, cần được giải cứu là những ngân hàng mất thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu trên 10% và vốn tự có dưới 3.000 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng.

Từ đó, có các biện pháp áp dụng thích hợp để có biện pháp  nhắc nhở, ra lệnh hay yêu cầu cải thiện quản lý trong bộ máy hoạt động của ngân hàng.

4.2. Thay đổi tiêu chí phân loại tài sản

Đây là yêu cầu của quốc tế đối với hệ thống ngân hàng của bất kì quốc gia nào (tiêu chuẩn Basel). Ngoài ra, việc thay đổi tiêu chí phân loại tài sản theo một chuẩn thống nhất sẽ giúp đánh giá và so sánh được một cách khách quan tình hình hoạt động của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng một số chỉ tiêu đánh giá ngoài chỉ số an toàn vốn như:

- Tỷ lệ tài sản lưu động trên nợ ngắn hạn (chỉ số thanh toán hiện hành; ≥ 100%)

- Tỷ lệ nợ trên tiền gửi (≤ 100%)

- Tỷ lệ tài sản lưu động bằng ngoại tệ trên nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ (đảm bảo tính thanh khoản hợp lý cho nguồn ngoại tệ hoạt động; ≥85%)

- Tỷ lệ không phù hợp kỳ hạn giữa tài sản và nợ phải trả

- Tỷ lệ các khoản vay trung và dài hạn trên các khoản cho vay trung và dài hạn (≥100%)

4.3. Tiếp tục hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng

Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), hợp nhất sẽ giúp tăng nguồn vốn và hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng.

Hiện nay số lượng các NHTM Việt Nam nhiều nhưng quy mô nhiều ngân hàng còn rất nhỏ, vì vậy việc sáp nhập hoặc mua lại cần được khuyến khích để tăng cường khả năng hoạt động, giải quyết nợ tồn đọng, gia tăng nguồn vốn cũng như chất lượng hoạt động của các ngân hàng, trong một số trường hợp cụ thể cần phải bắt buộc các ngân hàng sáp nhập, hoặc có thể đóng cửa như một số ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng xấu, mất thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu trên 10% và vốn tự có dưới 3.000 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng và không đề ra được phương hướng quản trị rủi ro nhằm cải thiện tình hình.

Việc thanh lọc hệ thống ngân hàng trong đó có việc giải thể một số ngân hàng không đáp ứng được khả năng hoạt động có hiệu quả là cần thiết để thúc đẩy tính cạnh tranh  lành mạnh và tăng niềm tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng.

4.4. Tăng cường vai trò bảo hiểm tiền gửi

Việc công khai, minh bạch hóa thông tin trong hệ thống ngân hàng và biện pháp đóng cửa các ngân hàng yếu kém cần một điểm tựa để đảm bảo niềm tin của dân chúng vào hệ thống, đó là thông qua bảo hiểm tiền gửi tại ngân hàng. Hiện nay vai trò cơ quan bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu các TCTD vẫn chưa rõ nét. Đồng thời giá trị bảo hiểm cho cá nhân tối đa là 70 triệu vẫn còn là số tiền nhỏ. Điều này khiến cho người dân còn quan ngại khi quyết định gửi tiền vào ngân hàng.

Ngoài ra, Kế hoạch dự phòng rủi ro nên được xây dựng để phòng tránh các tác động có thể xảy ra, sẵn sàng đối phó với nguy cơ khủng hoảng trong tương lai, tạo bước đệm an toàn đối với hệ thống ngân hàng.

4.5. Tái cấp vốn khu vực tài chính

Tái cấp vốn khu vực tài chính giúp cho các tổ chức tín dụng có thể phục hồi hoạt động nhanh chóng hơn, giúp dịu đi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và khôi phục các chức năng đúng đắn của ngân hàng trong vai trò là trung gian tài chính. Hoạt động tái cấp vốn phải được thực hiện với mục đích cụ thể và hợp lý, giảm thiểu rủi ro đạo đức, tránh việc bơm vốn cho các các tổ chức tín dụng không có khả năng tồn tại.

4.6. Tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu

Theo tác giả, NHNN nên đi theo mô hình của Công ty quản lý tài sản quốc gia Hàn Quốc (KAMCO) trong việc xử lý nợ xấu. Theo đó,  công ty này sau khi mua lại toàn bộ nợ với giá trị thấp hơn, có trách nhiệm thu hồi nợ thay cho TCTD giúp cho TCTD tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, việc mua nợ xấu bằng các trái phiếu do công ty phát hành có đảm bảo của chính phủ, các trái phiếu này chỉ đáo hạn khi khoản nợ xấu đó được giải quyết và các ngân hàng có thể tăng vốn bằng cách bán trái phiếu của công ty cho các nhà đầu tư quan tâm. Việc này sẽ giúp tăng mức độ lưu thông của các công cụ nợ trên thị trường và khiến cho thị trường vốn và tiền tệ trở nên đa dạng hơn.

4.7. Cải thiện hệ thống quản trị ngân hàng, hệ thống pháp lý và tài chính cho tái cấu trúc

Để tăng tính cạnh tranh và hoạt động ổn định của ngân hàng thì việc cải thiện hệ thống quản trị ngân hàng là cần thiết trong bất kỳ thời kỳ nào chứ không phải chỉ do cuộc khủng hoảng tài chính mang lại. Giảm mức độ tập trung cho vay cũng sẽ góp phần giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, các TCTD tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu, theo đó (i) Xem xét hạ bớt yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán nợ và các doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch nợ; (ii) Nghiên cứu cho phép giao dịch các sản phẩm chứng khoán phái sinh đối với các khoản nợ để thu hút các nhà đầu tư mua bán nợ. Việc thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý các khoản nợ xấu.

Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống các NHTM, cần nghiên cứu đánh giá khoản nợ lớn của các tập đoàn để có biện pháp can thiệp cần thiết nhằm giảm rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc một tập đoàn lớn phá sản sẽ ảnh hưởng tới tình hình tài chính chung của hệ thống ngân hàng.

Để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đạt kết quả tốt, bên cạnh việc quan tâm các yếu tố nội tại của ngân hàng (như thanh khoản, nợ xấu, tình hình sở hữu chéo), cơ quan chức năng cần theo dõi sát các biến động của kinh tế thế giới để có những chiến lược ứng phó kịp thời. Chẳng hạn, cần có chính sách tỉ giá phù hợp để ứng phó với việc các nước lớn phá giá tiền tệ, cũng như có những biện pháp đồng bộ quyết liệt trong hoạt động mua bán ròng ngoại tệ đảm bảo khối lượng mua ngoại tệ ở tỷ lệ phù hợp nhằm tránh các cáo buộc về thao túng tiền tệ.

Các giải pháp để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được nghiên cứu, đúc kết từ nhiều kinh nghiệm khác nhau trên thế giới và đối với mỗi quốc gia thì các biện pháp áp dụng cũng sẽ khác nhau. Do đó, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới sẽ là nguồn tham khảo tốt giúp cho Việt Nam tránh được những rủi ro và tìm được các giải pháp phù hợp, khả thi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Soo-Myung Kim, Ji-Young Kim and Hoon-Tae Ryoo,Chương “The bankin system in emergin economy: how much progress has been made?” - “Bank for International Settlements”, 2006, quyển 28, 259 – 268.

2. Claudia Dziobek, Ceyla Pazarbasioglu (1998), Lessons from Systemic Bank Restructuring, 9-20, Economis Issues, IMF

3. Marc Quintyn (2009), Past experience with bank restructuring, 4 – 6, CESifo DICE Report.

4. Harry Hoan Tran, Thuan Nguyen (2011), How do we restructure and recaptitalise the Vietnamese banks?, 5-7, Stoxplus Corporation.

5. Dookuyng Min, Bank restructuring in Korea.

6. Philippe Delhaise (1998), Asia In Crisis – The implosion of the banking and finance system, 101 – 121, John Wiley & Sons (Asia) Pte Ltd.

7. TS. Tạ Thị Lệ Yên (2011), Tài chính công Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng nợ công thế giới, 45, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp học viện – Học viện ngân hàng.

 8. PGS.TS. Lê Thị Tuấn Nghĩa, ThS. Phạm Mạnh Hùng (2012), Tiếp tục tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng Việt Nam, Học viện Ngân hàng

9. Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thị Thanh Tú (2012), Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam: Những ẩn số nhìn từ thông lệ quốc tế.

10. TS. Nguyễn Mạnh Dũng (2012), Các kỹ thuật tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thông qua việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất, 53 – 54, Tạp chí TTTC – TT số 346 + 347.

 11. PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu (2012), Tái cấu trúc hệ thống tài chính sau khủng hoảng 1997 – 1998, Bài học từ một số nước châu Á và khuyến nghị, Tạp chí ngân hàng.

12. TS. Trần Thị Thanh Tú (2012), Các biện pháp tái cấu trúc ngân hàng của Hàn Quốc và hàm ý cho Việt Nam, Tạp chí công nghệ ngân hàng.

13. Ths. Nguyễn Hữu Mạnh (2012), Vấn đề sở hữu chéo trong quá trình giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng.

14. Đạo luật về tái cấu trúc ngân hàng (Bank Restructuring Act) của Đức.

15. Cấn Văn Lực (2019), Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ - điều này có ý nghĩa gì? Trường Đào tạo cán bộ BIDV 

ThS. Trần Trọng Triết