Việt Nam nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 11:42, 05/11/2019
Theo chương trình, từ ngày 4-15/11/2019, Đoàn đánh giá đa phương của APG thực hiện đánh giá tại chỗ đối với cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam với 43 phiên làm việc với các bộ, ngành, đối tượng báo cáo và các tổ chức khác của Việt Nam.
Toàn cảnh buổi làm việc với đoàn APG |
Tham dự sự kiện, về phía Đoàn đánh giá có ông David Becker, thư ký APG làm Trưởng đoàn, bà Lauren Hirsh, thư ký APG, ông Mustafa Akbar, Thư ký APG cùng các thành viên trong Đoàn công tác. Về phía Việt Nam, có ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, cơ quan được Chính phủ giao là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG; các thành viên thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống rửa tiền gồm: Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC), ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Tham dự buổi làm việc còn có các lãnh đạo, cán bộ các bộ, ngành tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá, gồm NHNN, Văn phòng Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC, Thanh tra Chính phủ, các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Ngoại giao, Nội vụ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ…
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, là thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và luôn chủ động, tích cực hoàn thành các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên.
“Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020. Việt Nam đã hoàn thành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành báo cáo đánh giá và kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được phát hiện trong đánh giá, cũng như kế hoạch tổng thể chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG đối với Việt Nam. Việt Nam đã nỗ lực tổ chức thu thập thông tin, số liệu xây dựng Báo cáo tuân thủ kỹ thuật và Báo cáo tính hiệu quả gửi APG. Đây là một khối lượng công việc rất lớn do lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố được triển khai trên 63 tỉnh, thành phố và có sự phối hợp của tất cả các bộ, ngành liên quan của Việt Nam”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết.
Đối với các quốc gia phát triển, những công việc thu thập thông tin, số liệu cũng gặp không ít khó khăn, vì vậy Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và nỗ lực của các cán bộ tham gia chuẩn bị cho đánh giá đa phương, Việt Nam đã hoàn thành và gửi cho Đoàn đánh giá APG Báo cáo tuân thủ kỹ thuật và Báo cáo tính hiệu quả vào tháng 5 và tháng 7/2019.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, phía Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để cung cấp cho Đoàn đánh giá APG những thông tin, tài liệu cần thiết, bởi đây là thử thách lớn đối với Việt Nam nhưng cũng là cơ hội giúp Việt Nam đánh giá đúng thực trạng, xác định được điểm mạnh, điểm yếu trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố để từ đó có những giải pháp phù hợp đảm bảo cho sự phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững của quốc gia trên cơ sở tuân thủ các Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF (Financial Action Task Force).
Ông David Becker, Trưởng đoàn đánh giá của APG hướng dẫn về quy trình và các nội dung làm việc trong đợt đánh giá này, đồng thời trao đổi một số nguyên tắc trong quá trình làm việc giữa Đoàn và đại diện các bộ, ngành tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Ngoài việc đánh giá, chúng tôi cũng mong muốn tham khảo cách tiếp cận của Việt Nam để hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau”.