Kinh nghiệm tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng của Bảo hiểm tiền gửi Đài Loan
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 09:15, 16/11/2019
Thẩm quyền và nguyên tắc tái cơ cấu
Theo quy định của Luật BHTG Đài Loan, khi một tổ chức tài chính bị đóng cửa, CDIC sẽ được giao nhiệm vụ duy trì trật tự trong hệ thống tín dụng và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền bằng việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm.
Năm 2007, Luật BHTG Đài Loan được sửa đổi trên quy mô lớn sau sự kiện rút tiền hàng loạt lớn nhất ở Chinese Bank. Theo đó, quyền hạn và chức năng của hệ thống BHTG Đài Loan được tăng cường. CDIC được trao thêm chức năng giám sát rủi ro và quyền điều tra đặc biệt. Ngoài ra, nhằm tăng cường cơ chế xử lý các tổ chức tài chính gặp vấn đề, CDIC được thực hiện các hành động khắc phục kịp thời một cách có nguyên tắc và được tham gia sớm vào quá trình xử lý ngân hàng. Khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng riêng lẻ, CDIC có đầy đủ thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý ngân hàng đổ vỡ, bao gồm mua lại và tiếp nhận, chi trả tiền gửi. Trong khủng hoảng có hệ thống, CDIC sẽ được cơ quan có thẩm quyền giao cho việc hỗ trợ ngân hàng mở hoặc áp dụng phương thức ngân hàng bắc cầu. Trong cả hai trường hợp, CDIC đều được Cơ quan giám sát (FSC) giao nhiệm vụ tiếp nhận các tổ chức tham gia bảo hiểm gặp vấn đề, bước đầu tiên trong quá trình xử lý sớm tổ chức bị đổ vỡ sau khi tổ chức đó bị FSC buộc đóng cửa.
Theo quy định của Đài Loan, FSC là cơ quan tuyên bố đóng cửa ngân hàng có vấn đề và chỉ định CDIC làm cơ quan tiếp quản ngân hàng đổ vỡ đó. Đồng thời, FSC có sự phối hợp về mặt hành chính với CDIC trong việc xử lý ngân hàng đổ vỡ. CDIC thực hiện việc xử lý ngân hàng theo một trong các phương thức xử lý thuộc thẩm quyền của tổ chức này. Trong khi đó, NHTW hỗ trợ về mặt thanh khoản cho CDIC trong quá trình xử lý. CDIC tái cơ cấu ngân hàng theo nguyên tắc chi phí tối thiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp có bất kỳ nguy cơ nào đe dọa nghiêm trọng đến trật tự tín dụng và sự ổn định tài chính, yêu cầu về chi phí này có thể không cần áp dụng nếu CDIC có được sự đồng ý của FSC sau khi tham vấn Bộ Tài chính và NHTW với sự chấp thuận cuối cùng của Chính phủ. Sự phối hợp giữa các thành viên Mạng an toàn tài chính của Đài Loan bao gồm: NHTW, Cơ quan giám sát tài chính, Hội đồng Nông nghiệp và CDIC. Hệ thống liên lạc giữa các thành viên mạng an toàn tài chính được thiết lập nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp phát hiện sớm, xử lý các tổ chức tài chính bị đổ vỡ tại Đài Loan. Cụ thể, một “Ủy ban Hợp tác giám sát tài chính” được thành lập theo luật nhằm trao đổi về các chính sách chủ yếu của hệ thống ngân hàng, xử lý các ngân hàng gặp vấn đề, khủng hoảng ngân hàng mang tính hệ thống, khủng hoảng thanh khoản ngân hàng khẩn cấp, chia sẻ thông tin cũng như các vấn đề khác. Ủy ban bao gồm các thành viên từ các lãnh đạo cao cấp của các thành viên mạng an toàn tài chính do Chủ tịch của FSC làm chủ tịch.
Trong giai đoạn hoạt động bình thường
Trong giai đoạn bình thường, tất cả các thành viên của mạng an toàn tài chính đều có vai trò trong việc giám sát rủi ro của các tổ chức tài chính. Nhằm tạo ra một cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp giữa FSC, CDIC và NHTW trong việc xử lý ngân hàng, CDIC đã thiết lập 2 hệ thống, đó là: Hệ thống cảnh báo sớm về tài chính cấp quốc gia và hệ thống truyền tin trực tuyến thông qua mạng Internet. Sản phẩm của hai hệ thống này là các báo cáo và phát hiện những dấu hiệu bất thường để làm cơ sở tham khảo cho các thành viên mạng an toàn tài chính trong việc xử lý khủng hoảng. Khi xảy ra những sự cố đặc biệt, các cuộc họp của nhóm công tác phối hợp giám sát tài chính sẽ được tổ chức với sự chủ trì của FSC. Thành phần tham dự những cuộc họp này bao gồm: Phó Thống đốc NHTW, Phó Chủ tịch FSC, Chủ tịch CDIC, Chủ tịch Cục Tài chính nông nghiệp thuộc Hội đồng Nông nghiệp. Mặt khác, CDIC cũng có quyền yêu cầu phải thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin giữa CDIC và các thành viên khác của mạng an toàn tài chính. Trên cơ sở đó, CDIC có thể thu thập thông tin về các tổ chức nhận tiền gửi từ FSC, NHTW và Hội đồng Nông nghiệp.
Khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng riêng lẻ
Khi phát hiện thấy có vấn đề xảy ra với tổ chức tài chính, CDIC tham gia vào quá trình can thiệp sớm (PCA) theo các yêu cầu của FSC. Theo đó, các cơ quan trong mạng an toàn tài chính có trách nhiệm tiến hành kiểm tra tại chỗ và giám sát thường xuyên. Cụ thể:
(1) Tổ chức tài chính thiếu vốn buộc phải tiến hành các biện pháp tự khắc phục nhằm cải thiện trong một khung thời gian nhất định;
(2) Nếu chất lượng tài sản của tổ chức tài chính xấu đi, CDIC có thể tiến hành chỉ đạo từ xa để kiểm soát rủi ro dưới sự hướng dẫn của FSC;
(3) Nếu tình hình tài chính của tổ chức gặp vấn đề đó tiếp tục xấu đi, FSC có thể chỉ định CDIC tiến hành chỉ đạo tại chỗ.
Những sự hỗ trợ này thường được thực hiện dưới hình thức cử nhân sự tham gia các cuộc họp quan trọng của ban giám đốc các ngân hàng gặp vấn đề, hoặc dự các cuộc họp bàn về việc hỗ trợ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức, và hợp tác chặt chẽ với cơ quan này nhằm tăng cường sự hỗ trợ cho các ngân hàng gặp vấn đề; cử nhân sự đến các ngân hàng gặp vấn đề để hỗ trợ theo yêu cầu nhằm kiểm soát hiệu quả rủi ro, và đề xuất kịp thời lên cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
(4) Nếu tổ chức tài chính không thể tiếp tục hoạt động, tổ chức đó có thể phải bước vào giai đoạn đầu tiên của quá trình xử lý ngân hàng sớm là tiếp quản. Từ khi thành lập, CDIC đã được giao nhiệm vụ hỗ trợ các ngân hàng gặp vấn đề hoặc hỗ trợ đồng thời với các cơ quan có thẩm quyền ở cấp trung ương và địa phương nhằm ổn định hoạt động của các ngân hàng gặp vấn đề cũng như ngăn chặn rủi ro đạo đức.
Trong giai đoạn khủng hoảng mang tính hệ thống
Trong trường hợp khủng hoảng, tất cả các thành viên của mạng an toàn tài chính phải phối hợp chặt chẽ với nhau để xử lý. Cụ thể, FSC phối hợp với NHTW, CDIC trong việc áp dụng các biện pháp đặc biệt. CDIC chi trả toàn bộ và không phải sử dụng phương thức xử lý với chi phí tối thiểu. NHTW cung cấp thanh khoản cho CDIC, trong khi Bộ Tài chính Đài Loan đóng vai trò là cơ quan bảo lãnh cho các khoản vay của CDIC. CDIC có thể yêu cầu FSC làm việc với NHTW phê duyệt khoản hỗ trợ tài chính trong phạm vi số tiền thế chấp. Nếu số tiền hỗ trợ tài chính trên vượt quá giá trị tài sản thế chấp do CDIC cung cấp, FSC có thể cùng Bộ Tài chính và NHTW đề xuất với chính phủ chấp thuận hỗ trợ phần vượt quá. Trong trường hợp khẩn cấp, CDIC có thể vay vốn từ các tổ chức tài chính khác.
Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ nhất, CDIC có đầy đủ thẩm quyền trong xử lý ngân hàng. Đây là điều kiện để CDIC có thể thực hiện tốt hơn vai trò bảo vệ người gửi tiền và đóng góp tích cực vào sự ổn định hệ thống tài chính ngân hàng. Chức năng, thẩm quyền của CDIC được điều chỉnh theo thời gian trên cơ sở yêu cầu thực tiễn.
Thứ hai, khuôn khổ pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong thành công của quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém tại CDIC.
Thứ ba, mạng an toàn tài chính quốc gia được xác định cụ thể, vai trò của từng tổ chức được xác định rõ. Các cơ quan sẽ phối hợp với nhau trong việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng nói riêng cũng như đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng nói chung. Chức năng, quyền hạn của các thành viên được quy định rõ trong các luật liên quan nhằm đảm bảo các thành viên phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tránh xảy ra sự chồng chéo trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Thứ tư, để tái cơ cấu hiệu quả, tại Đài Loan đã xây dựng một khung tổng thể bao gồm đầy đủ các trường hợp có thể xảy ra và các biện pháp ứng phó cần thiết nhằm đảm bảo duy trì các hoạt động dịch vụ tài chính và thanh toán thiết yếu đối với hệ thống, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.