Ngân hàng số thúc đẩy tài chính cộng đồng

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 18:00, 28/11/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đây là chủ đề chính của Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2019 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày hôm nay (28/11/2019) - diễn đàn thường niên do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam đã trở thành điểm hẹn gặp gỡ, nơi quy tụ của lãnh đạo các ngân hàng, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, cũng như các tập đoàn công nghệ để chia sẻ thông tin, trao đổi đánh giá, nhận định và phân tích những cơ hội để phát triển cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và trong khu vực.

Sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của công nghệ thông tin đang thúc đẩy hình thành nên ngân hàng số - xu hướng mới trong ngân hàng bán lẻ tương lai, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tài chính cộng đồng. Với chủ đề lựa chọn năm nay Diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam mong muốn giúp các nhà quản lý, lãnh đạo ngân hàng xác định  được cơ hội tăng trưởng phù hợp với định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đồng thời góp phần tích cực trong việc phổ cập tài chính cộng đồng tại Việt Nam thời gian tới.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Nguyễn Toàn Thắng – Tổng Thư ký VNBA cho biết, tiếp tục xu thế của những năm trước, sang năm 2019, các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính, công ty Fintech đều đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, đem đến những kết quả rất tích cực cả về tốc độ tăng trưởng doanh thu, kết quả kinh doanh, số lượng khách hàng, chất lượng dịch vụ…

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, các NHTM Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư/ứng dụng công nghệ tài chính mới vào hoạt động thanh toán, đưa ra nhiều tiện ích thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, tích hợp nhiều tính năng vào các ứng dụng trên điện  thoại di động để đa dạng hóa các dịch vụ tiện tích, nâng cao chất lượng, độ an toàn bảo mật. Việc phát triển ngân hàng số được tiếp tục mạnh mẽ, nhiều ngân hàng thành lập trung tâm ngân hàng số của mình và đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng dần thay đổi tư duy theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, coi trọng trải nghiệm khách hàng, lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo đánh giá độ tin cậy và hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ.

Do vậy, xu thế các ngân hàng phát triển công nghệ của mình, đồng thời chủ động tăng cường hợp tác với các công ty Fintech để tạo hệ sinh thái số, giúp cho quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh hơn, giúp phát triển các dịch vụ tiện ích đa dạng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể cho ngân hàng và khách hàng, trên cơ sở đó gia tăng hiệu quả của dịch vụ ngân hàng bán lẻ nói riêng và tất cả các hoạt động của ngân hàng nói chung.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Đồng tình với những đánh giá trên, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước  chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - trong phát biểu tại diễn đàn đã khẳng định chủ đề diễn đàn lựa chọn năm nay hết sức phù hợp với bối cảnh ngành Ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu toàn ngành để phát triển, nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo ông Dũng, tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ đang trở thành xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại trong khu vực và trên thế giới. Đây được coi là chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu.

Ông Dũng cũng đã trình bày tóm tắt về Định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đến năm 2025 bao gồm: Quy hoạch xây dựng hạ tầng thanh toán xuyên quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, dùng chung, tận dụng và khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp; Hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt; Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các hệ thống thanh toán số; Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - phát biểu tại diễn đàn

Tham dự tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cũng khẳng định để hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiếm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm,dịch vụ ngân hàng. Chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước góp phần thúc đẩy hoạt động bán lẻ của các ngân hàng.

Ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc IDG Vietnam và ASEAN - phát biểu

Ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc IDG Vietnam và ASEAN - mang tới diễn đàn những thông tin lần đầu tiên được cung cấp. Đó là số liệu mới nhất về Kết quả khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Đây là dự án được đầu tư nghiên cứu từ tháng 5 đến 31/10/2019. Khảo sát tiến hành trên diện rộng các đối tượng khách hàng (15 ngàn mẫu) ở Singapore, Thái Lan, Malaysia, TP. Hồ Chí Minh… Theo đó Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trong khu vực với các chỉ số và điểm nhấn hết sức riêng biệt như tỷ lệ người dùng tiền mặt còn khá cao trong khu vực, tuy nhiên xu hướng người dân dùng thẻ thanh toán và các phương thức thanh toán điện tử ngày càng tăng cao và mở ra rất nhiều tiềm năng cho thị trường thanh toán điện tử phát triển.

Ông Nguyễn Hưng Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam - phát biểu tại diễn đàn

Thông tin này cũng phù hợp với phần trình bày của ông Nguyễn Hưng Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Theo ông Nguyên, tiềm năng thị trường thanh toán ở Việt Nam đang phát triển tốt và chưa có dấu hiệu chậm lại bởi hiện nay gần 80% giá trị giao dịch bán lẻ vẫn sử dụng tiền mặt, đặc biệt là giao dịch giá trị nhỏ. Việc liên kết, chia sẻ mạng lưới giữa các ngân hàng đã đem lại những kết quả hết sức lạc quan trong giai đoạn 2015-2019. Đi cùng đó, thị trường Fintech cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính sách và có điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển. Xu thế hợp tác Fintech - Fintech, Fintech - Ngân hàng ngày càng rõ nét.

Và ông Nguyên khẳng định việc kết nối các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hạ tầng dùng chung sẽ là định hướng hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - phát biểu

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - sau khi đề cập tới 10 xu hướng ngân hàng bán lẻ trên thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số đã phân tích thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam. Ông Lực chỉ ra một số điểm nổi bật trong thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam như: các Fintech và Bigtech (Viettel, VNPT…) phát triển nhanh, cạnh tranh trực tiếp và cũng hợp tác với các NHTM; Hoạt động cho vay ngang hàng phát triển nhanh; Đa số các NHTM tích cực chuyển đổi số (2 mô hình): Chuyển đổi trên nền tảng hiện tại và thành lập mảng kinh doanh mới; Thanh toán số qua internet và Mobile tăng nhanh, ví điện tử ngày càng được chấp nhận; Hành lang pháp lý được thúc đẩy xây dựng tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận thì  vẫn chưa theo kịp sự phát triển với các vấn đề của eKYC, cho vay ngang hàng, mobile money…..

Ông Lực đồng thời chỉ ra hạn chế cho sự phát triển ngân hàng số tại Việt Nam như tốc độ chuyển đổi số còn chậm, hệ sinh thái ngân hàng còn hạn chế, an ninh mạng và thông tin dữ liệu cũng ngày càng thách thức; Nhân lực công nghệ kinh doanh số, ngân hàng số còn hạn chế; Một số NHTM chưa rõ định hướng, đường đi; Giáo dục tài chính chưa được chú trọng, chưa có bước đi tổng thể rõ ràng.

Tại phiên báo cáo chính diễn đàn còn có những phần trao đổi, gợi ý thú vị của diễn giả tới từ TrueMoney với chủ đề: Những nhân tố then chốt trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền  mặt ở Đông Nam Á – Kinh nghiệm từ True Money hay từ diễn giả Vincent Ling (Phó Tổng Giám đốc Union Pay Đông Nam Á) trình bày về Những giải pháp để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Trong buổi chiều diễn đàn tiếp tục với 2 phiên chuyên đề. Chuyên đề 1 “Xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt” tập trung trao đổi các vấn đề nổi bật như: Thách thức phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Công nghệ mới phục vụ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Tương lai hệ sinh thái fintech, Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt – QR code hay NFC, Xu hướng phát triển mobile-payment… với sự tham gia của lãnh đạo các ngân hàng VietinBank, Sacombank, Agribank, SCB và các chuyên gia đến từ Singapore, Thụy Sỹ; Phiên Chuyên đề 2 “Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng số” tập trung trao đổi các vấn đề nổi bật như Mô hình ngân hàng số thế hệ mới, Tối ưu hóa hoạt động tín dụng ngân hàng số, Kinh nghiệm triển khai ngân hàng số ở vùng sâu, vùng xa, Thách thức phát triển ngân hàng số, Phân tích khách hàng trong ngân hàng số, Kinh nghiệm xây dựng chiến lược và lộ trình ứng dụng CNTT thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngân hàng, với sự tham gia của lãnh đạo các ngân hàng LienVietPostBank, Nam A Bank,  các chuyên gia từ Nucleus Software, Miraway, ASG Techonologies Group…

Song song với chương trình Hội thảo là chương trình Triển lãm Ngân hàng Bán lẻ cập nhật các thành tựu công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển ngân hàng số như bảo mật, chuyển đổi số,  trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và các giải pháp giúp phân tích nhu cầu khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ độc đáo của nhiều đơn vị ngân hàng, công ty Fintech.

Phan Mai - Huy Hoàng