ADB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực nhưng điều chỉnh tăng của Việt Nam
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 09:42, 11/12/2019
ADB đã giảm dự báo tăng trưởng của châu Á đang phát triển trong năm nay và năm sau, khi tốc độ tăng trưởng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Ấn Độ giảm sút do cả các yếu tố trong và ngoài nước.
Trong một ấn bản bổ sung của báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019 được công bố hồi tháng 9, ADB hiện đang kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực tăng 5,2% cho cả năm 2019 và 2020, giảm so với con số dự báo hồi tháng 9 là 5,4% cho năm nay và 5,5% vào năm sau.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng ở châu Á đang phát triển vững vàng, song căng thẳng thương mại kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực và hiện đang là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế trong dài hạn. Đầu tư trong nước cũng đang giảm sút ở rất nhiều quốc gia do niềm tin kinh doanh suy yếu. Mặt khác, lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh giá lương thực cao hơn, do dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng lên đáng kể.”
Ấn bản bổ sung này dự báo lạm phát ở mức 2,8% trong năm 2019 và 3,1% vào năm 2020, tăng so với con số dự báo hồi tháng 9 là 2,7% trong cả năm nay và năm sau.
Ở Đông Á, tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến đạt 6,1% trong năm nay và 5,8% trong năm tới, do căng thẳng thương mại và tình trạng suy giảm hoạt động toàn cầu, kết hợp với nhu cầu nội địa suy yếu khi ngân sách của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể bứt tốc nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về thương mại. Trong tháng 9, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,2% trong năm 2019 và 6,0% vào năm 2020.
Hồng Kông, Trung Quốc, vốn đang trong đợt suy thoái về mặt kỹ thuật, sẽ chứng kiến áp lực sụt giảm nghiêm trọng kéo dài, có thể tới năm 2020. Nền kinh tế này hiện được dự báo giảm 1,2% trong năm nay và tăng trưởng 0,3% vào năm sau.
Ở Nam Á, tăng trưởng của Ấn Độ hiện được dự báo đạt mức thấp hơn là 5,1% trong năm tài khóa 2019, do thua lỗ của một công ty tài chính phi ngân hàng lớn trong năm 2018 đã dẫn tới tâm lý e ngại rủi ro trong lĩnh vực tài chính và thắt chặt tín dụng. Đồng thời, tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng việc làm thấp và khó khăn ở khu vực nông thôn do mất mùa. Tăng trưởng của Ấn Độ có thể lên tới 6,5% trong năm tài khóa 2020 với các chính sách hỗ trợ. Trong tháng 9, ADB đã dự báo mức tăng GDP của Ấn Độ là 6,5% trong năm 2019 và 7,2% vào năm 2020.
Ở Đông Nam Á, rất nhiều quốc gia tiếp tục chứng kiến xuất khẩu sụt giảm và đầu tư suy yếu, cùng với đó là mức dự báo tăng trưởng bị hạ thấp đối với Singapore và Thái Lan. Dự kiến tăng trưởng GPD của khu vực Thái Bình Dương sẽ chậm lại, với các hoạt động ở Fiji– nền kinh tế lớn thứ hai của tiểu vùng sau Papua New Guinea - ảm đạm hơn so với dự báo trước đây.
Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP trong ba quý đầu năm 2019 đã đạt 7,0%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong chín năm qua. Tiêu dùng cá nhân đã tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong Quý III nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong Quý IV và sang năm sau, dự báo tăng trưởng cho Việt Nam đã được điều chỉnh tăng từ 6,8% lên 6,9% trong năm 2019 và từ 6,7% lên 6,8% trong năm 2020.
Trung Á là tiểu vùng duy nhất có triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn so với hồi tháng 9, chủ yếu nhờ gia tăng chi tiêu công ở Kazakhstan, nền kinh tế lớn nhất của khu vực. Trung Á hiện được dự báo đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2019, cao hơn so với dự báo trước đây là 4,4%. Dự báo tăng trưởng cho năm 2020 là 4,5%. Nền kinh tế Kazakhstan được kỳ vọng tăng 4,1% trong năm nay và 3,8% vào năm sau.