Phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, tiêu dùng chính đáng của người dân và doanh nghiệp

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 18:26, 14/12/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tinh thần chỉ đạo này được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện rộng rãi tới các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Ước đến ngày 31/12/2019, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn ước đạt 25,840 nghìn tỷ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ ước đạt 8,208 nghìn tỷ đồng… tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn cảnh buổi làm việc

Thông tin được ông Nguyễn Văn Oánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang, cho biết tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam do Tổng Thư ký Nguyễn Toàn Thắng dẫn đầu với các ngân hàng tỉnh Bắc Giang tại trụ sở NHNN Chi nhánh tỉnh ngày 13/12/2019.

Buổi làm việc nhằm tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh và việc triển khai Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng (Bộ chuẩn mực) ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-HHNH ngày 25/2/2019 của Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Oánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang, phát biểu

Từ góc độ quản lý, trên cơ sở Quyết định 1178 của Thống đốc, NHNN tỉnh Bắc Giang đã triển khai nội dung quyết định tới các TCTD trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các TCTD tích cực phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, mở rộng mạng lưới ngân hàng tăng cường khả năng tiếp cận vốn.

Đối với tỉnh có đặc thù như Bắc Giang thì tín dụng nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt quan tâm. NHNN tỉnh đã có công văn số 926 ngày 30/8/2019 triển khai tới các phòng, thanh gia giám sát Chi nhánh NHNN tỉnh và các TCTD trên địa bàn yêu cầu thực hiện cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng khách hàng như cho vay lưu vụ, cho vay qua sổ tín dụng, cho vay thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, xuống trực tiếp địa bàn để cho vay, thu nợ… đồng thời đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền đến người dân, từ đó góp phần hạn chế tín dụng đen ở nông thôn…

NHNN tỉnh còn chỉ đạo các NHTM trên địa bàn niêm yết công khai các quy trình thủ tục vay vốn tại trụ sở chính, các phòng giao dịch trực thuộc, phát hành tờ rơi, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách cho vay của ngân hàng. Yêu cầu các ngân hàng thiết lập đường dây nóng để trả lời doanh nghiệp về những cơ chế chính sách tín dụng, bố trí cán bộ có đủ năng lực trình độ để hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận vốn vay thuận lợi.

Đề cập tới tình hình tín dụng đen trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Oánh nhận định tại Bắc Giang tín dụng đen chủ yếu liên quan tới các cá nhân trong việc vay nợ để ghi lô, đề. Nắm bắt được vấn đề, NHNN tỉnh đã có trao đổi, làm việc cụ thể với ngành công an, công thương trong việc quản lý các loại hình dịch vụ cầm đồ; phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh thực hiện các hoạt động tuyền truyền, giáo dục.

Cũng theo ông Oánh ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN tỉnh đã nắm bắt được việc xuất hiện tình trạng một số đối tượng của tổ chức tín dụng đen đe dọa, gây sức ép tới cán bộ của các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng khi họ tiếp cận công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. NHNN tỉnh đang phối hợp với ngành công an tìm biện pháp hữu hiệu giải quyết.

Liên quan đến việc triển khai Bộ chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng vào thực tế, thì ngày 18/3/2019, đại diện Công đoàn NHNN tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản số 20/CĐĐD triển khai đến các Chủ tịch công đoàn NHTM, NHCSXH, NHHTX và các tổ công đoàn thuộc NHNN tỉnh nội dung bộ chuẩn mực. Theo đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể đoàn viên, người lao động, đồng thời vận động đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cũng như các quy tắc ứng xử góp phần xây dựng cơ quan quan đơn vị vững mạnh, tạo niềm tin, uy tín và hình ảnh của ngành Ngân hàng đối với toàn thể xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Bắc Giang - phát biểu

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Bắc Giang (Agribank Bắc Giang) - cho biết, hiện Agribank Bắc Giang có nguồn vốn hơn 27 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 50% thị phần và dư nợ cho vay khoảng 19 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 40% thị phần của các TCTD trên địa bàn. Trong hoạt động của mình, Agribank Bắc Giang xác định và ý thức được vai trò trong việc góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn. Thời gian qua, cùng với toàn hệ thống Ngân hàng Agribank trên cả nước, Agribank Bắc Giang đã đẩy mạnh thực hiện chương trình gói tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Nhờ thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, được ưu tiên xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày cho khách hàng sau khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ, dư nợ đến thời điểm ngày 30/11/2019 trên địa bàn đạt 47,7 tỷ đồng với 1.677 khách vay. Ngoài ra, Agribank tỉnh cũng có mô hình cấp tín dụng theo quy mô nhỏ đáp ứng nhu cầu hộ gia đình với hạn mức tín dụng tối đa 200 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… Khách hàng đáp ứng điều kiện trong hạn mức được cấp có thể rút và sử dụng vốn bất cứ khi nào có nhu cầu. Kênh dẫn vốn cho vay qua tổ cũng là một điểm riêng cần nhắc tới. Thông qua các tổ trưởng khu dân cư để nắm bắt được nhu cầu vay vốn của bà con trên địa bàn, giúp đỡ chuẩn bị hồ sơ và liên hệ với cán bộ tín dụng. Mỗi cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn một xã và đều công khai số điện thoại liên hệ để bà con có nhu cầu có thể liên lạc 24/7.

Về triển khai Bộ chuẩn mực, Agribank Bắc Giang đã tổ chức tập huấn, triển khai phổ biến, tuyên truyền và quán triệt tới toàn thể cán bộ công nhân viên. Cũng theo ông Hưng, thì việc điều chỉnh hành vi của cán bộ Agribank được quy định bởi nhiều văn bản khác nhau trong đó tiêu biểu có Bộ Quy tắc văn hóa ứng xử Agribank với nhiều nội dung gần với Bộ chuẩn mực đã đưa ra. Thời gian qua, Agribank cũng đã triển khai hết sức sôi nổi các chương trình, hoạt động về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây đều là những nội dung hết sức thiết thực, nhờ đó thời gian qua ý thức, đạo đức của người cán bộ ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực. Tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn cho ngân hàng không còn xuất hiện, ý thức tuân thủ pháp luật được nâng cao.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Bắc Giang - phát biểu

Đồng tình với ý kiến của ông Hưng, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Bắc Giang (BIDV Bắc Giang) bổ sung thêm với vai trò của NH mình, BIDV Bắc Giang cũng rất tích cực trong hoạt động giải quyết tình trạng tín dụng đen trên địa bàn thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận tiện và thuận tiện hơn nữa cho người dân trong việc tiếp cận các khoản vay. Đặc biệt, các gói tín dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp được BIDV Bắc Giang triển khai hết sức đa dạng. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, ngân hàng đã thực hiện phối hợp kiểm tra giám sát chặt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng để đưa ra các giải pháp tư vấn thích hợp.

Đối với Bộ chuẩn mực ông Kiên cho biết bản thân BIDV đã có Bộ Quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp (gồm 4 chương, 45 điều) và Quy tắc ứng xử (gồm 31 quy chuẩn) mang tính chi tiết cụ thể. Và có các chương trình đào tạo quy chuẩn cho cán bộ mới. Bên cạnh đó, BIDV cũng có công cụ “khách hàng bí mật” hữu hiệu để tiến hành kiểm tra bất ngờ hoạt động nghiệp vụ tại tất cả các đơn vị trong hệ thống để đánh giá việc tuân thủ các quy chuẩn, quy tắc chung. Nhờ đó, ý thức làm việc của đội ngũ cán bộ được hoàn thiện không ngừng.

Có thể nói, các ý kiến tại buổi làm việc đều có chung quan điểm để hạn chế tín dụng đen thì vai trò đồng hành, triển khai tích cực của các ngân hàng trên địa bàn là vô cùng quan trọng dù mỗi ngân hàng có cách làm riêng phù hợp với đặc thù của riêng mình. Các ý kiến đều thống nhất là phải không ngừng đẩy mạnh tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi đối tượng khách hàng trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng vượt qua những giai đoạn khó khăn…. Đồng thời có ý kiến đề xuất, tiến hành điều tra, nghiên cứu trên diện rộng để có được những thống kê rõ về thực trạng hoạt động tín dụng đen, vốn vay tín dụng đen hiện chủ yếu phục vụ mục đích gì? đối tượng và quy mô thị trường tín dụng đen ra sao?…. từ đó giải pháp xử lý căn cơ, hiệu quả nhất.

Đối với việc ban hành Bộ chuẩn mực chung của Hiệp hội, đánh giá chung là rất quan trọng, kịp thời và có ích cho các ngân hàng. Dù mỗi ngân hàng về cơ bản đã có những tiêu chuẩn riêng, nhưng với những nội dung được nêu ra một cách cô đọng, cốt lõi có trọng tâm đã chứng tỏ được tính chất phù hợp với đặc thù của giai đoạn phát triển hiện nay.

Trong chương trình làm việc, Đoàn công tác Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng đã tới thăm khu trang trại của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Quảng ở huyện miền núi Lục Ngạn, Bắc Giang. Anh Quảng là khách hàng của BIDV Bắc Giang từ năm 2013. Hiện trang trại của anh rộng 220 ha trong đó có 50 ha trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Sau những thành công trong thử nghiệm ban đầu, gia đình anh Quảng, chị Hương đã mạnh dạn vay vốn của BIDV Bắc Giang để đầu tư mở rộng diện tích cây trồng, hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu theo công nghệ của Israel cho diện tích trồng cây ăn quả.

Anh Nguyễn Văn Quảng bên nhưng cây ăn cam trĩu quả trong trạng trại của hộ gia đình ở huyện miền núi Lục Ngạn, Bắc Giang.

Nhìn những đồi cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn trĩu quả đã và đang vào vụ thu hoạch khó ai có thể ngờ chỉ chưa đến chục năm trước nơi đây chỉ gồm những quả đồi trọc khô cằn. Bằng quyết tâm, ý trí, nỗ lực, gia đình anh Quảng chị Hương đã “hồi sinh” màu xanh cho nhiều quả đồi trọc, góp phần đưa quả ngọt, trái thơm từ vùng đất Bắc Giang tới nhiều vùng miền của đất nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, từ thực tế phát triển trang trại hộ gia đình ở địa bàn tỉnh miền núi, anh Quảng cũng không giấu được nỗi niềm trăn trở bởi sự “đơn độc” của người làm kinh tế hộ trong đó nổi bật lên những hạn chế và khó khăn trong triển khai cơ sở hạ tầng đường, điện. Đặc biệt, hệ thống điện dù hộ gia đình đã tự bỏ vốn đầu tư 2 km đường điện dẫn vào khu trang trại, nhưng do nguồn điện cung cấp không đủ công suất dẫn tới việc cháy nổ và liên tục phải thay thế nguồn cấp để phục vụ hệ thống tưới tiêu…

Chia tay với đoàn công tác anh Quảng không quên nhấn mạnh, có được những mùa quả ngọt hôm nay chính là bởi đã nhận được sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của BIDV Bắc Giang - cái “bắt tay” hiệu quả của ngân hàng với người dân trong phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình.

Thanh Bích - Phan Mai