Mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Sự kiện nổi bật - Ngày đăng : 17:28, 23/12/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sáng ngày 23/12/2019 khi chủ trì Hội nghị Thủ tướng với đại diện của cộng đồng hơn 700.000 doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”.

Dự Hội nghị có khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các địa phương, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp trên cả nước…

Quốc gia hùng cường, hưng thịnh phải có cộng đồng doanh nghiệp hùng hậu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu/VGP

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời đại toàn cầu hóa và đột phá về công nghệ hiện nay, doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì chính khu vực doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, là nơi có động lực cạnh tranh và sáng tạo để phát triển mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong trong việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống. Chính vì vậy, theo Thủ tướng, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không có doanh nghiệp, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc. Do vậy, Hội nghị này được tổ chức để Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các thành viên Chính phủ, các địa phương lắng nghe ý kiến của đại diện các loại hình doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Cung cấp một số thông tin ban đầu về tình hình kinh tế - xã hội cả nước năm 2019, Thủ tướng cho rằng, đóng góp vào những thành quả kinh tế-xã hội năm 2019 cũng như xuyên suốt hơn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự đóng góp to lớn, nhiều mặt, nhiều khi thầm lặng của các doanh nhân chân chính đối với sự phát triển của đất nước.

Theo Thủ tướng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ phải không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.

Theo Thủ tướng, năm 2020 Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, là năm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây cũng là năm phải hoàn thành nhiều mục tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển trung hạn của doanh nghiệp mình. Do vậy, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế để Chính phủ hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế - xã hội 2020 cũng như kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025”.

Dành gần 5 tiếng đồng hồ lắng nghe, trao đổi với doanh nghiệp, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó có cả những ý kiến “trái chiều, nghịch nhĩ”, phản ánh các tồn tại, nhưng Chính phủ rất lắng nghe.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự thấu hiểu, lắng nghe đó, môi trường cạnh tranh được cải thiện đáng kể, nhờ đó, đến nay chúng ta có hơn 800.000 doanh nghiệp. Bình quân, mỗi năm chúng ta có thêm 17% doanh nghiệp thành lập mới. Sự lớn mạnh này rất đáng mừng nhưng so với nhiều nước phát triển, tỉ lệ doanh nghiệp trên quy mô dân số của chúng ta vẫn còn thấp (120 người dân mới có 1 doanh nghiệp, các nước ASEAN là 1 doanh nghiệp/90 người dân, còn các nước phát triển thì cứ 10 người dân, có 1 doanh nghiệp). Chúng ta mới có 7 cái tên doanh nghiệp trong tốp 200 doanh nghiệp tốt nhất châu Á có doanh thu dưới 1 tỷ USD. Đến nay, chúng ta chưa có doanh nghiệp nào vào tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

“Cái mà quý vị nói rất nhiều là sự đơn lẻ của từng doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết hợp lực lại, đoàn kết lại thì kết quả sẽ khác”, Thủ tướng phát biểu. Đoàn kết lại để làm lớn hơn doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề đặt ra hiện nay. Thủ tướng tin tưởng thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn ra đời tại Việt Nam.

Mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2020 tầm nhìn 2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối đôn đốc cập nhật, tổng hợp gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh những việc mà Hội nghị đã nêu ra như phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực, cùng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, xây dựng những trung tâm triển lãm sản phẩm ở các thành phố, thị xã lớn.

Các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá, làm được nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước phải tiếp tục nắm.

“Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy, không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công, những quan điểm mới này tôi xin đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai”, Thủ tướng nêu rõ. “Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ".

Tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào những khâu còn yếu mà UNDP, WB và Hội nghị này đã chỉ ra như độ dễ dàng khi nộp thuế, thủ tục mở doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính thực thi pháp luật, nhất là tiếp cận đất đai.

Tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cải thiện mạnh mẽ, rõ nét chỉ số phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường, những vấn đề này thường làm cho doanh nghiệp chờ đợi, mất nhiều thời gian.

Cần rà soát và thiết lập cơ chế ưu đãi tài chính tốt hơn, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững bao trùm như ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp nội địa liên kết với nhau trong việc hình thành chuỗi giá trị.

Cải cách triệt để thủ tục hành chính, thuế, giấy phép là một yêu cầu đặt ra, trong đó có việc áp dụng công nghệ, quy trình tinh giản thủ tục, xóa bỏ các trở ngại liên quan đến quy hoạch, nhất là tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở địa phương.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản độc quyền Nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân bao gồm các dịch vụ công cộng.

Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.

“Chúng ta cần ý thức rằng để một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ. Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Ngành Ngân hàng nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong những năm qua, với chính sách kiên định và nhất quán trong chỉ đạo điều hành nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ là cơ sở để các Bộ, ngành có định hướng, giải pháp cho từng ngành, lĩnh vực, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Cụ thể, trên cơ sở định hướng của Chính phủ, NHNN đã chủ động điều hành CSTT phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng vào thành công chung trong điều hành vĩ mô của Chính phủ. Cùng với việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, NHNN đã điều hành đảm bảo không tăng lãi suất huy động để dẫn đến tăng lãi suất cho vay; kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết tránh để các TCTD chạy đua lãi suất huy động; chủ động điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, theo đó trong năm 2019 các TCTD đã 02 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay vào thời điểm đầu năm và tháng 8/2019. Hiện lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11% đối với trung và dài hạn; lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 6%/năm. So với lãi suất cho vay bình quân của các nước trong khu vực thì mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay của Việt Nam là phù hợp với diễn biến của lạm phát và thị trường, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, TCTD và khách hàng vay.

NHNN đã điều hành linh hoạt, thận trọng, chủ động theo sát và dự kiến những tác động phức tạp từ bên ngoài để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới biến động mạnh; nhất quán trong điều hành, tạo lập niềm tin của thị trường vào năng lực, khả năng điều hành của NHNN. Nhờ đó, đảm bảo cân đối cung - cầu ngoại tệ, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đáp ứng nhu cầu vốn và tăng khả năng tiếp cận tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất-kinh doanh, NHNN đã tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh; mở rộng các kênh cấp vốn tín dụng khác của TCTD như bảo lãnh, thuê tài chính. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất, 05 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ưu tiên phát triển như chính sách tín dụng khuyến khích chuỗi giá trị bền vững trong nông nghiệp; chính sách thúc đẩy đầu tư vào năng lượng bền vững, tín dụng xanh; chính sách đối với DN công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, toàn diện nhiệm vụ cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trong đó các TCTD đã có nhiều hình thức cải tiến, đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp khi vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định để tăng cường cho vay tín chấp, trong đó một số TCTD đã xây dựng thành công các mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, tối ưu hóa việc phân tích, đánh giá, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp trước khi ra quyết định cho vay.

Với chủ trương tăng cường đối thoại, kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, trong năm 2019, NHNN đã tổ chức 6 Hội nghị lớn về công tác tín dụng tại 3 thành phố lớn và 3 khu vực kinh tế trọng điểm (Tây Nam Bộ, miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng), cùng với khoảng 300 cuộc gặp gỡ, đối thoại trên cả nước do NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Hệ thống các TCTD hiện nay có đầy đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các doanh nghiệp gặp khó khăn luôn được các TCTD đồng hành, chia sẻ thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay...

Trước xu thế ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong mọi ngành nghề/lĩnh vực, để phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số, NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định, tiêu chuẩn đáp ứng các mô hình kinh doanh mới. Hầu hết các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược phát triển ngân hàng số trên nền tảng công nghệ 4.0; cung ứng dịch vụ tín dụng số dựa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I), Robot và dữ liệu lớn (Bigdata) để đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân,.. rút ngắn thủ tục cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày; ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán, phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm.

Về kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, với tinh thần cầu thị, chủ động, các kiến nghị gửi đến NHNN qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đã được NHNN xử lý, giải đáp kịp thời. Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

H.Q