Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam: Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 06:30, 25/12/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết đánh giá thực trạng đồng thời đề xuất một số giải pháp để phát triển thị trường tài chính xanh của Việt Nam.

Ngày nhận bài: 7/11/2019 - Ngày biên tập: 13/11/2019 - Ngày duyệt đăng: 6/12/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 24/2019.

Tóm tắt: Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai. Các hoạt động của thị trường chủ yếu mới ở bước khởi động. Thị trường trái phiếu xanh đang trong giai đoạn triển khai thí điểm và thực hiện các chương trình tuyên truyền, giới thiệu các loại trái phiếu xanh đến các chủ thể trên thị trường. Thị trường cổ phiếu xanh được khởi động và thực hiện mạnh mẽ nhất bằng việc đưa vào vận hành chỉ số VNSI đồng thời với quy định yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết cung cấp thông tin về môi trường, xã hội và cộng đồng. Bài viết đánh giá thực trạng đồng thời đề xuất một số giải pháp để phát triển thị trường tài chính xanh của Việt Nam.

Từ khóa: tài chính xanh, trái phiếu xanh, cổ phần xanh, kinh nghiệm, giải pháp

Green financial market in Vietnam: Current status, international experience and solutions

Abstract: The green financial market in Vietnam is in its early stage. Market activities are mainly at  “warming up” step. The green bond market is in the stage of pilot implementation and propaganda programs, introducing green bonds to entities on the market. The green equity market is launched and most strongly implemented by putting into operation the VNSI index simultaneously with regulations requiring listed enterprises to provide  information about the environment, society and the community. The paper assesses the situation and proposes a number of solutions to develop Vietnam's green financial market.

Key words: green finance, green bonds, green shares, experience, solutions

1. Thực trạng tài chính xanh tại Việt Nam

1.1 Chính sách phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

Hệ thống pháp luật về tài chính xanh tại Việt Nam đã được quan tâm và xây dựng từ ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Bộ Tài chính đã xây dựng định hướng phát triển thị trường tài chính xanh theo Quyết định số 2183/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 vào tháng 10/2015 (Quyết định 2183). Trên cơ sở đó, các quy định pháp luật cụ thể được ban hành là Thông tư số 155/2015/TT-BTC, Nghị định 95/2018/NĐ-CP.

Quyết định số 2183/QĐ-BTC là văn bản nền tảng trong phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam. Bộ Tài chính xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính bao gồm: (i) Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: Trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành; (ii) Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở GDCK nghiên cứu xây dựng khung tài chính xanh cho thị trường vốn như: ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).

Từ đó, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai đã được xây dựng. Thứ nhất, thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đang được vận hành theo Nghị định 95/2018/NĐ-CP. Trong đó, các quy định về việc tổ chức phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch loại trái phiếu đã được ban hành chi tiết. Tuy nhiên, hiện nay, trái phiếu xanh tại Việt Nam mới chỉ được ghi nhận là một loại trái phiếu Chính phủ. Bộ Tài chính đang là đầu mối xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính phủ xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những nội dung lớn gồm mục đích và khối lượng phát hành; điều kiện, điều khoản của trái phiếu; việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch… đang được xây dựng để triển khai rộng rãi trên thị trường. Thứ hai, trên thị trường cổ phiếu, Thông tư số 155/2015/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã quy định các doanh nghiệp phải công bố thông tin môi trường và xã hội. Đây là văn bản mang tính chất bắt buộc đầu tiên đối với các doanh nghiệp về công bố các thông tin phát triển bền vững. Cụ thể, khi các doanh nghiệp công bố Báo cáo thường niên sẽ phải công bố các mục tiêu phát triển bền vững (môi trường, xã hội và cộng đồng) và chương trình chính liên quan đến ngắn hạn và trung hạn. Từ đó, nâng dần ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến một thị trường chứng khoán xanh. Đồng thời, việc áp dụng Thông tư này cũng đưa ra thêm một tiêu chí để các nhà đầu tư cân nhắc khi đầu tư, từ đó, tạo điều kiện cho các sản phẩm chứng khoán xanh dễ dàng được lựa chọn hơn.

1.2 Thực trạng phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam

Có thể đánh giá thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai. Các hoạt động của thị trường chủ yếu mới ở bước khởi động. Thị trường trái phiếu xanh đang trong giai đoạn triển khai thí điểm và thực hiện các chương trình tuyên truyền, giới thiệu các loại trái phiếu xanh đến các chủ thể trên thị trường. Thị trường cổ phiếu xanh được khởi động và thực hiện mạnh mẽ nhất bằng việc đưa vào vận hành chỉ số VNSI đồng thời với quy định yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết cung cấp thông tin về môi trường, xã hội và cộng đồng.

1.2.1 Thị trường trái phiếu xanh

Thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam đang triển khai thí điểm, chưa có sản phẩm phát hành rộng rãi trên thị trường. Các cơ quan chức năng đang vận hành các chương trình nhằm nâng cao nhận thức, giới thiệu các loại trái phiếu xanh.

a) Thí điểm phát hành trái phiếu xanh

Từ cuối năm 2015, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh trong chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thí điểm. Theo đó, trái phiếu xanh được xây dựng nhằm huy động vốn phục vụ cho các công trình xanh như các dự án về thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió… Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hỗ trợ các chủ thể phát hành sản phẩm trái phiếu xanh và thí điểm triển khai tại một số địa phương có nhu cầu huy động vốn.

Đến nay, có hai địa phương đầu tiên là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai đề án này. Trái phiếu được phát hành dưới dạng trái phiếu chính quyền địa phương, kỳ hạn từ 3 - 5 năm. Theo thống kê sơ bộ, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho 34 dự án, trong đó lập danh mục 11 dự án xanh dựa trên “Danh mục dự án xanh” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành; Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu xanh với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án. Đây đều là các dự án phục vụ phát triển bền vững tại địa phương.

b) Triển khai các chương trình khác

Để sớm đưa thị trường trái phiếu xanh vào hoạt động chính thức, các cơ quan chức năng đã xúc tiến các hoạt động để tuyên truyền giới thiệu và thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Cụ thể:

(i) UBCKNN cùng với sự hỗ trợ của GIZ đã triển khai các chương trình đào tạo, xây dựng năng lực cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu xanh. Đối tượng hướng đến của các hoạt động này là các nhà đầu tư tổ chức như: quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí....

(ii) Bộ Tài chính, NHNN, UBCKNN, HNX, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như GIZ, Công ty tài chính quốc tế (IFC) đang triển khai xây dựng Đề án phát triển trái phiếu xanh doanh nghiệp và trái phiếu xanh định chế tài chính cùng với thí điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh.

(iii) HNX nghiên cứu xây dựng chỉ số trái phiếu xanh, triển khai sản phẩm kết hợp giữa tín dụng, trái phiếu và từ nguồn hỗ trợ vốn ưu đãi quốc tế.

1.2.2 Thị trường cổ phiếu xanh

Thị trường cổ phiếu xanh ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn tạo lập. Các cơ quan chức năng đưa ra các chương trình, chỉ số khuyến khích doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững. Các hoạt động chính đã được triển khai đến nay có thể được chia thành 3 nhóm: (i) nâng cao hiểu biết toàn thị trường về tài chính xanh; (ii) khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp với tài chính xanh; (iii) xây dựng và áp dụng chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường.

Thứ nhất, nâng cao hiểu biết toàn thị trường về tài chính xanh được thực hiện qua các hoạt động đào tạo về kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG). Từ năm 2012, UBCKNN phối hợp với IFC, Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HOSE triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG. Trong đó, khái niệm báo cáo phát triển bền vững đã được giới thiệu đến các doanh nghiệp niêm yết từ năm 2013. Đến nay, HOSE vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về phát triển bền vững, chuẩn mực báo cáo quốc tế thuộc Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (Global Report Innitiative – GRI)...

Thứ hai, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp với tài chính xanh được thể hiện ở các nhóm hoạt động như: (i) hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG: UBCKNN cùng với sự hỗ trợ của IFC đã công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các doanh nghiệp niêm yết vào năm 2016. Các doanh nghiệp có thể tuân theo các bước để thực hiện báo cáo ESG một cách dễ dàng. Bởi vì sổ tay đưa ra hướng dẫn chi tiết cũng như khuyến nghị các nội dung công việc mà doanh nghiệp cần tuân thủ để đưa ra được một báo cáo ESG hoàn chỉnh; (ii) HOSE và Báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tiêu chí về việc công bố đầy đủ các thông tin ESG là điều kiện để bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất của các doanh nghiệp từ năm 2013. Giải thưởng này tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp công bố thông tin về hoạt động phát triển bền vững.

Thứ ba, xây dựng và áp dụng chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường: cuối tháng 3/2017, HOSE công bố Chỉ số Phát triển bền vững (Việt Nam Sustainability Index - VNSI) và chính thức đưa vào vận hành từ cuối tháng 7/2017. Bộ chỉ số do HOSE phối hợp với GIZ và UBCKNN nghiên cứu và triển khai. Các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững được nghiên cứu và xây dựng dựa trên Bộ tiêu chuẩn Báo cáo quốc tế về lập báo cáo phát triển bền vững toàn cầu (theo GRI), Bộ nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các quy định của pháp luật chứng khoán tại Việt Nam. Chỉ số VNSI hướng đến các mục tiêu: xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết; hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính “xanh” để đầu tư; tăng cường xu hướng phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế; xác định các tiêu chí về thông lệ tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị; bổ sung thêm một công cụ đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán và nền kinh tế. 

VNSI là một công cụ tham khảo cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đồng thời, sử dụng làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm đầu tư (như ETF và phái sinh chỉ số trong tương lai). Hiện nay, chỉ số VNSI bao gồm 20 doanh nghiệp có điểm phát triển bền vững tốt nhất được niêm yết trên HOSE thuộc Top VN100 và được tính theo thời gian thực 5 giây/lần (tương tự như VNIndex). 

Như vậy, theo các khung hoạt động của SSE thì Việt Nam (cụ thể là HOSE) đã thực hiện được các nội dung là: (i) Thực hiện đào tạo về ESG; (ii) Thực hiện báo cáo phát triển bền vững (từ năm 2016); (iii) Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG; (iv) Xây dựng chỉ số ESG toàn thị trường (chỉ số VNSI); (v) Áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu về ESG để cho phép doanh nghiệp lên sàn (Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán). Kết quả này tương đương với các Sở GDCK Hong Kong, Ấn Độ (Sở GDCK Boombay và Sở GDCK quốc gia), Singapore, Malaysia, Nam Phi, Brazil và Nam Phi.

Có thể thấy, thị trường tài chính xanh của Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển rất sơ khai. Đã có một số hoạt động, sản phẩm được giới thiệu ra thị trường nhưng chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển. Hiện nay, phát triển tài chính xanh tại Việt Nam vẫn tồn tại những thách thức cần sớm vượt qua. Cụ thể như:

- Thách thức về thể chế chung của Việt Nam: Các chính sách về tài chính xanh tại Việt Nam mới đang ở dạng gợi mở trong các định hướng phát triển. Các quy định cụ thể về triển khai, vận hành thị trường vẫn đang nghiên cứu, chưa được ban hành. Điển hình như chính sách đối với trái phiếu xanh mới ở dạng thử nghiệm, và mới chỉ công nhận phiếu Chính phủ, chưa công nhận trái phiếu doanh nghiệp xanh. Đối với cổ phiếu xanh, chưa có chính sách cho phát triển thị trường, quy định về các sản phẩm (quy cách, điều kiện phát hành…). Đối với ngân hàng xanh, các sản phẩm tín dụng xuất phát từ nguồn vốn hỗ trợ quốc tế hoặc các NHTM chủ động phát triển các sản phẩm, các chính sách dành cho tín dụng xanh mới tập trung khuyến khích, chưa có cơ chế rõ ràng để áp dụng. 

- Ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, tổ chức về bảo vệ môi trường nói chung và về tài chính xanh nói riêng còn khá hạn chế. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được vận động để tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng về cơ bản ý thức trong các hoạt động hàng ngày chưa hình thành một cách rõ nét. Các khái niệm về tăng trưởng xanh, tài chính xanh chưa được phổ cập rộng rãi cho mọi đối tượng trong xã hội. Trong đó, đặc biệt là tài chính xanh, các doanh nghiệp đều chưa được tiếp cận nguồn tài chính xanh, người dân hầu như không biết về khái niệm tài chính xanh.

2. Kinh nghiệm phát triển tài chính xanh trên thế giới

Phát triển tài chính xanh trên thế giới được thực hiện theo cách thức rất khác biệt. Các cách thức này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như đặc điểm thị trường tài chính của từng nước, nhưng đều để lại những bài học hữu ích cho các quốc gia đi sau, như Việt Nam. Bài viết nghiên cứu 3 trường hợp điển hình là Anh - một quốc gia có trình độ phát triển cao, Trung Quốc - quốc gia có sự tăng trưởng vượt trội trong thời gian gần đây và Philippines - quốc gia có nhiều đặc điểm tương đồng với Việt Nam.

2.1 Tại Anh

Chính phủ đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập các thị trường tài chính xanh. Cam kết triển khai hệ thống tài chính xanh được đưa vào trong chiến lược phát triển chung của nền kinh tế cũng như Chính phủ trực tiếp tham gia vào quá trình huy động nguồn vốn xanh.

Thứ nhất, Chính phủ xây dựng một khung khổ chính sách phát triển hệ thống tài chính xanh đơn giản, ổn định và dễ áp dụng cũng như thường xuyên thực hiện các rà soát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời. Để thu hút vốn từ các nhà đầu tư tổ chức và tư nhân nhằm xanh hóa nền kinh tế, Chính phủ Anh đã đưa ra hàng loạt sáng kiến hướng tới tháo gỡ những rào cản đối với đầu tư xanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ quản trị rủi ro, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong các dự án xanh. Chính phủ cũng thường xuyên đánh giá tiến trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh để rút ra những điều chỉnh cần thiết và kịp thời. Bởi vậy, Chính phủ Anh đã tạo ra được môi trường đầu tư thuận lợi, ít rủi ro với những nhà đầu tư, từ đó, thu hút hiệu quả nguồn vốn xanh từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, Chính phủ Anh trực tiếp đầu tư vốn mồi cho khu vực kinh tế xanh để thúc đẩy việc triển khai trong thực tế. Cụ thể: (i) xây dựng cơ chế tài trợ trực tiếp cho các dự án đầu tư xanh, (ii) thực hiện bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh cũng như tham gia tài trợ cho các quỹ bảo vệ môi trường. Từ đó, hình thành và đảm bảo nguồn tài trợ cho các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững. Mặc dù, số lượng đầu tư từ phía Chính phủ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng có vai trò vô cùng quan trọng thúc đẩy hoạt động của khu vực tư nhân. Theo đánh giá của UNESCAP, một khoản đầu tư của Chính phủ trị giá 10 tỷ USD cho biến đổi khí hậu có thể kêu gọi khoảng 50 - 150 tỷ USD từ khu vực tư nhân.

Thứ ba, Ngân hàng đầu tư xanh được thành lập để hỗ trợ đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xanh mà thị trường không thể tài trợ. Những lĩnh vực đầu tư chủ yếu của ngân hàng bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông, xử lý rác và nguồn nước… Thông qua việc thành lập và hoạt động của Ngân hàng đầu tư xanh, Chính phủ Anh đã khuyến khích nguồn vốn tư nhân cho các dự án xanh nhằm gia tăng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của quốc gia này. Cụ thể là, Ngân hàng đầu tư xanh đã thu hút được khoảng 18 tỷ bảng Anh vốn đầu tư tư nhân trong năm tài khóa 2015 - 2016.

Những hoạt động trên của Chính phủ có thể loại trừ bớt tính bất ổn và rủi ro, gia tăng sự đảm bảo cho các khoản lợi nhuận dự kiến có được từ dự án sẽ tăng khả năng thuyết phục nhà đầu tư tư nhân. Từ đó, tạo điều kiện cho phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính xanh và lan tỏa được ảnh hưởng của các dự án xanh đến toàn bộ nền kinh tế.

2.2 Tại Trung Quốc

Theo tính toán của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Trung Quốc cần đầu tư xanh khoảng 320 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ môi trường của nước này. Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng 15% nhu cầu. Bởi vậy, vào tháng 4/2015, Chương trình xanh hóa thị trường tài chính nhằm đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế xanh và phát triển bền vững đã ra đời. Chương trình xanh hóa hệ thống tài chính tập trung vào các trọng tâm như: (1) hình thành cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư xanh; (2) xây dựng những định chế chuyên thực hiện các hoạt động đầu tư và cho vay xanh; (3) cung cấp các sản phẩm và kênh tài trợ xanh; (4) đảm bảo sử dụng tài chính công một cách có hiệu quả để khuyến khích dòng tài chính tư nhân; (5) hình thành cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá tác động môi trường tới các khoản đầu tư ví dụ như hệ thống chỉ số tín dụng xanh, các quy định công bố thông tin môi trường. Đối với mỗi trọng tâm trong Chương trình xanh hóa hệ thống tài chính, Chính phủ đưa ra kế hoạch triển khai cụ thể chi tiết trong từng giai đoạn.

Để thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh, ngày 22/12/2015, PBoC đã cho phép các tổ chức tài chính phát hành “trái phiếu xanh” trên thị trường liên ngân hàng nhằm tăng nguồn vốn tài trợ cho các dự án “xanh”, hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trong đó, các điều kiện để được phát hành trái phiếu xanh không phức tạp, thủ tục thực hiện ngắn gọn, từ đó, khuyến khích gia tăng quy mô thị trường. Quy định về trái phiếu xanh khá linh hoạt (được quyền mua lại, lãi suất theo thỏa thuận của các bên…). Lĩnh vực được phép đầu tư đa dạng với 31 tiểu lĩnh vực nằm trong 6 nhóm lĩnh vực chính: (1) Tiết kiệm năng lượng (Energy saving); (2) Khống chế và ngăn ngừa ô nhiễm (Pollution Prevention and Control); (3) Bảo tồn và tái chế tài nguyên (Resource Conservation and Recycling); (4) Giao thông sạch (Clean Transportation); (5) Năng lượng sạch (Clean Energy); (6) Bảo vệ hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu (Ecological Protection and Climate Change Adaption).

Nhờ đó, khối lượng phát hành trái phiếu xanh của Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ từ mức trên 1 tỷ USD (năm 2015) đã lên tới 36 tỷ USD (2016). Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã phát hành thêm được 11,52 tỷ USD, chiếm hơn 20% lượng trái phiếu xanh toàn cầu. Đến cuối quý I/2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia phát hành trái phiếu xanh lớn nhất toàn cầu với tổng quy mô đạt trên 93 tỷ USD (chiếm 22% quy mô thị trường toàn cầu), trong đó 2/3 là trái phiếu xanh được phát hành bởi các NHTM.

2.3 Philippines

Kinh nghiệm phát triển tài chính xanh của Philippines là tận dụng tốt sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như IFC, Ngân hàng Thế giới (WB)… và hình thành được các ngân hàng lớn cung cấp các sản phẩm tài chính xanh dưới dạng bán buôn cho các ngân hàng khác. Từ đó, các NHTM đã góp phần đáng kể cho việc thúc đẩy phát triển tài chính xanh tại quốc gia này. Cụ thể như: (i) Ngân hàng DBP đầu mối thực hiện chương trình tín dụng hỗ trợ công nghệ môi trường (Environmental Industrial Support Credit Program – EISCP) phối hợp với JICA; Chương trình quản lý rác thải rắn bền vững kết hợp với Ngân hàng tái thiết Đức (KfW); Dự án điện năng cho nông thôn (The Rural Power Project – RPP) với WB thông qua vào năm 2003 trong chương trình bảo vệ môi trường toàn cầu. (ii) Ngân hàng BPI thực thi chương trình tài chính năng lượng bền vững (Sustainable Energy Finance Programe – SEF) cùng với sự hỗ trợ của IFC. Chương trình này cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư vào công nghệ nhằm tăng hiệu quả trong việc sản xuất, phân phối và sử dụng năng lượng.

Sự tích cực tham gia của các NHTM một phần đến từ những lợi ích đáng kể do tham gia vào các dự án tài chính xanh. Cụ thể như: (i) Tiếp cận được nguồn vốn dài hạn hiếm có; (ii) Lãi suất huy động thấp hơn lãi suất thị trường, các NHTM có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm hấp dẫn và thu hút các khách hàng mới; (iii) Danh tiếng của các NHTM được tăng lên đáng kể khi hợp tác với các tổ chức quốc tế, đồng thời đây là một cách quảng cáo ít chi phí trên các phương tiện truyền thông; (iv) Các ngân hàng sẽ giảm thiểu được rủi ro vỡ nợ, đặc biệt trong nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng giáp lưng hay nhận tài sản bảo đảm giáp lưng.

3. Đề xuất phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển tài chính xanh tại Việt Nam và kinh nghiệm phát triển trên thế giới, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển tài chính xanh ở Việt Nam như sau:

3.1 Đối với Chính phủ

Thứ nhất, cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện Chiến lược phát triển chung của đất nước theo hướng chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Cụ thể:

- Chính phủ cần thiết lập các định hướng chiến lược cho việc hình thành các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững.

- Xây dựng chính sách ổn định với những cam kết rõ ràng về việc hỗ trợ quá trình hình thành các ngành công nghiệp xanh.

Thứ hai, trong giai đoạn đầu phát triển thị trường tài chính xanh, Chính phủ cần thực thi các biện pháp hỗ trợ thu hút nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế, bao gồm:

- Ưu tiên dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng nhân tạo.

- Chính phủ nên đảm bảo một mức lợi nhuận tối thiểu để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sử dụng công nghệ xanh và sản xuất các sản phẩm xanh.

- Chính phủ nên có chính sách khuyến khích hệ thống tài chính tài trợ cho phát triển các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính mới hỗ trợ cho một nền kinh tế ít carbon.

Thứ ba, hỗ trợ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân thông qua:

- Gia tăng giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phân loại rác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm…

- Vận động thay đổi thói quen tiêu dùng với việc gia tăng lựa chọn các sản phẩm xanh, sạch và bảo vệ môi trường.

3.2 Đối với Bộ Tài chính, UBCKNN

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện định hướng phát triển thị trường vốn xanh:

- Hoàn thiện Đề án phát hành trái phiếu chính phủ xanh trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở triển khai rộng rãi.

- Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh như: chính sách về tài khóa như thuế, phí cũng như cơ chế bảo lãnh hỗ trợ cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Thứ hai, áp dụng các chính sách hỗ trợ thị trường vốn xanh thông qua:

- Tích cực tham gia hợp tác với các Tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)… và các quỹ tài chính xanh quốc tế để tranh thủ nguồn vốn phát triển xanh của các tổ chức này.

- Cân nhắc hình thành Quỹ tài chính - tín dụng xanh: chuyên nghiệp hóa cấp tín dụng xanh cho các dự án quan trọng.

ThS. Lại Thị Thanh Loan