Dự án thí điểm thẻ xe buýt thông minh tại TP. Hồ Chí Minh  có gì đặc biệt?

Sản phẩm, dịch vụ - Ngày đăng : 16:44, 30/12/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 chỉ có 10 triệu dân nhưng hiện tại dân số đã lên đến con số 13 triệu người. Trong khi đó, hạ tầng giao thông đô thị hiện đã rất quá tải. Phát triển vận tải hành khách công cộng là một trong các giải pháp để giảm áp lực cho hạ tầng giao thông. Thẻ xe buýt thông minh là dự án hướng đến hình thức thanh toán hiện đại mà nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang áp dụng.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thí điểm dự án thẻ xe buýt thông minh của Ngân hàng. Trong vai trò ngân hàng phát hành thẻ đồng thời thực hiện thanh toán bù trừ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) Vietbank - ngân hàng đầu tiên được chọn thực hiện thí điểm triển khai thẻ vé xe buýt thông minh công nghệ cao theo tiêu chuẩn thanh toán không tiếp xúc (contactless), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Phan Hải Triều – Phó Tổng Giám đốc Vietbank để hiểu rõ hơn về dự án này.

PV: Thưa ông, được biết hiện tại Vietbank là ngân hàng đầu tiên tham gia dự án thí điểm thể xe buýt thông minh tại Tp HCM, Ông có thể chia sẻ về quá trình triển khai dự án này, khó khăn và thuận lợi và kết quả đạt được của giai đoạn 1?

Ông Hồ Phan Hải Triều: Vietbank, với sự chấp thuận của UBND TP. HCM và Sở GTVT Tp. HCM, là ngân hàng đầu tiên tham gia phát triển dự án này cùng với Trung tâm quản lý Giao thông công cộng TP HCM. Theo đó trong giai đoạn 1 này hành khách đi xe buýt tuyến số 59 sẽ được chấp nhận thanh toán vé bằng thẻ Vietbank Visa do Vietbank phát hành.

Trong quá trình triển khai dự án thẻ xe buýt thông minh thì khó khăn nhất đối với chúng tôi là việc triển khai sao cho phù hợp với điều kiện địa phương như tình hình xe buýt hiện tại, nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hang, hạ tầng kêt nối không dây và chính sách của các cơ quan quản lý. Đặc biệt là các đơn vị quản lý xe buýt chưa quen với việc thanh toán hiện đại.

Tuy nhiên Vietbank với lợi thế đã có sự đầu tư lớn cho các nền tảng công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0, Core banking, thẻ quốc tế và đặc biệt là có sự hỗ trợ lớn từ đối tác thẻ quốc tế về kinh nghiệm và nghiệp vụ trong quá trình triển khai thẻ giao thông công cộng (GTCC) thông minh. Do đó, Vietbank có thể đáp ứng tất cả những yêu cầu của dự án triển khai thẻ xe buýt thông minh này.

Ông Hồ Phan Hải Triều phát biểu tại buổi lễ công bố triển khai thành công thẻ xe buýt của Vietbank

PV: Với công nghệ hiện đại có nhiều ứng dụng tiện ích, thẻ xe buýt thông minh sẽ mang lại những thuận tiện và lợi ích gì cho các bên (Cơ quan quản lý, người dùng, các đơn vị vận tải hành khách, đối tác của Vietbank), thưa ông? 

Ông Hồ Phan Hải Triều:Thực tế sau nhiều năm TP.Hồ Chí Minh triển khai thùng bán vé bán tự động trên một số tuyến xe buýt, nhưng thực chất bán vé tự động vẫn chỉ là hình thức bán thủ công, vẫn cần đến thao tác của con người và trên hết bản chất của nó vẫn là dùng tiền mặt. Thanh toán tự động giúp nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân tham gia sử dụng vận tải hành khách công cộng với mục tiêu phục vụ người dân thành phố ngày càng tốt hơn, góp phần  giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Đây là hướng đi phù hợp với định hướng xây dựng thành phố thông minh mà thành phố đang triển khai. Dự án thẻ xe buýt thông minh hướng đến người dùng cao nhất bởi khi dự án được triển khai sẽ mở ra phương thức thanh toán hiện đại. Khi đó, người dùng sẽ được sử dụng công nghệ chính xác, an toàn đồng thời có thể sử dụng thẻ xe buýt thông minh này vào việc thanh toán nhu cầu ăn uống trong nhà hàng, mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, thanh toán online trong và ngoài nước. Đồng thời khách hàng có thể nạp tiền/top up thẻ qua các kênh tại quầy ngân hàng Vietbank, Internet banking/  Mobile App Vietbank Digital, phần mềm topup dành cho đại lý & các ví điện tử liên kết. Sử dung thẻ dựa trên hệ sinh thái các sản phẩm & dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại & ngân hàng truyền thống.

Ngoài ra, khách hàng có thể sử dụng thẻ xe buýt thông minh để thanh toán liên thông cho tất cả các phương tiện giao thông công cộng khác nhau trong tương lai.

Bên cạnh đó, dự án thẻ xe buýt thông minh cũng giúp cho các cơ quan quản lý có thể quản lý chặt chẽ hơn các chính sách vé, chính sách quản lý hệ thống các loại hình giao thông công cộng với nhau. Giảm thiểu các chi phí về nhân lực và chi phí in ấn vé xe buýt hàng năm lên đến hơn 100 tỷ đồng. Đồng thời có thể quản lý chính xác, hiệu quả và minh bạch các khoản thu, tránh bị thất thoát.

PV: Xin ông chia sẻ lý do Vietbank được chọn triển khai thí điểm dự án này?

Ông Hồ Phan Hải Triều:Vietbank là ngân hàng TMCP đầu tiên đầu tư công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ 4.0 có thể cung cấp các giải pháp thông minh không những đáp ứng về phát triển ứng dụng trong giao thông công cộng mà còn đáp ứng trong các lĩnh vực khác cho khách hàng.

Trong quá trình phát triển, Vietbank luôn chú trọng sự phát triển hướng đến vì cộng đồng và xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh.

PV: Có nhiều phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện, buýt đường thuỷ,… trong khi đó giai đoạn thí điểm mới áp dụng cho xe buýt, vậy nền tảng công nghệ Vietbank đã sẵn sàng đáp ứng cho những yêu cầu đa dạng này? 

Ông Hồ Phan Hải Triều: Giải pháp Vietbank cung cấp trong giai đoạn thí điểm này được xây dựng dựa trên định hướng liên thông tất cả các phương tiện giao thông trên các thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vietbank đầu tư mạnh mẽ -  hàng chục triệu đô la Mỹ - vào kỹ thuật số trên nền tảng công nghệ 4.0 để có thể cung cấp các giải pháp thông minh không những đáp ứng về phát triển ứng dụng trong giao thông công cộng liên thông mà còn đáp ứng trong các lĩnh vực và nhu cầu khác của khách hàng. Với vai trò ngân hàng thực hiện thanh toán bù trừ, Vietbank đang nghiên cứu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong thí điểm thanh toán thông minh & tự động cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, metro, buýt thủy trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Hệ thống thanh toán có khả năng thanh toán bù trừ giữa các nhà băng và các đơn vị quản lý giao thông công cộng khác. Hiện tại hệ thống thanh toán bù trừ của Vietbank có thể xử lý bình quân 10.000 giao dịch/giây.

Khi dự án đưa vào vận hành nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, thu hút người dân tham gia sử dụng vận tải hành khách công cộng với mục tiêu phục vụ người dân thành phố ngày càng tốt hơn, góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Trong quá trình phát triển, Vietbank luôn chú trọng sự phát triển hướng đến vì cộng đồng và góp phần xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh.

PV: Xin cảm ơn ông!

t

Phương Hằng