Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện”
Sự kiện - Ngày đăng : 14:57, 31/12/2019
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và 11 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến.
Tại Hội nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo và đề nghị triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, điều chưa có trong lịch sử nước ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị (ảnh: Quang Hiếu) |
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Tập trung thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%, thấp hơn 1% so với năm 2018; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm… Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống”.
Các cấp uỷ và tổ chức Đảng đang tích cực triển khai các hoạt động chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhất là việc tổng kết lý luận và thực tiễn, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị quan trọng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là Quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng còn thấp; sức ép lạm phát còn lớn; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả còn thấp, đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật sự lành mạnh và bền vững. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức...
Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị cần tập trung phân tích thấu đáo, tạo sự thống nhất cao về tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, có thể tiếp tục kế thừa, phát huy 3 bài học kinh nghiệm đã rút ra được tại Hội nghị trước, đó là: Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa Trung ương và địa phương. Tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, góp ý của các đồng chí lão thành, các chuyên gia, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các tầng lớp nhân dân… Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bổ sung bài học mới của năm nay là đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển;…
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Tổng bí thư, Chủ tich nước nêu 5 nhiệm vụ cần ưu tiên triển khai thực hiện trong năm tới gồm: tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, xây dựng văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế, tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Nhấn mạnh yêu cầu lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý phải chọn được những người thực sự trong sạch, có đức có tài, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ những người tham nhũng hư hỏng, chạy chức chạy quyền, có cơ chế khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động
Nêu các vấn đề lớn là nguyên nhân, hệ quả của những gì đạt được hôm nay cũng như năm 2020 và xa hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những thành quả kinh tế - xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển. Đó là quy mô càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh: Điều này đã không đúng. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển". Ảnh: Quang Hiếu |
Thủ tướng nêu rõ, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỉ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD – những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được…
Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng thuận, phối hợp của cả hệ thống chính trị; cùng với quyết tâm và sáng tạo vượt khó của hàng triệu công chức, viên chức, cán bộ trong từng xã, huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương. Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến từng người dân, từng công chức, viên chức ở mọi vị trí đã tận tụy làm việc trong năm qua…
Chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm
Đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ hơn 108 triệu người, tăng thêm khoảng 12 triệu người trong vòng 25 năm tới, đồng thời tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người. Trước mắt, năm 2020 chúng ta phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người; tính chung từ nay đến 2025 là gần 5,5 triệu người – tương đương dân số Singapore. Đây sẽ là một thách thức rất lớn mà Chính phủ, chính quyền địa phương phải giải quyết. Tuy nhiên, nhìn ở mặt ngược lại, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm không ai khác hơn chính là nhóm lao động tăng thêm này. Theo Thủ tướng, quan điểm của Chính phủ là cần trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở miền núi, nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm: Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển.
Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta hiện nay là gần 2800 USD (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3000 USD). Ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao (theo chuẩn giá 2019 của WB) là 3.996 USD đang ở ngay trước mắt chúng ta; đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao như những năm vừa qua. Việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 – cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm. “Vì vậy, năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”," Thủ tướng bày tỏ. Chính phủ luôn ý thức được chức năng kiến tạo, thúc đẩy, tạo cơ hội tốt nhất và công bằng nhất cho tất cả các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân.
Tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe ý kiến của nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó tập trung đi thẳng vào những thành quả nổi bật và những vấn đề khó khăn, vướng mắc; những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp làm sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2020. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành cần có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà các địa phương nêu. Đồng thời đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm chỉ đạo cho năm 2020.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu |
Sau phần phát biểu của Thủ tướng, Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trình bày dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (Nghị quyết số 01); Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết số 02); một số lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương phát biểu, đóng góp ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của cả nước và theo lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Không để thiếu hàng hóa phục vụ trong dịp Tết, kể cả thịt lợn
Kết luận Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 31/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết. Do đó, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần phải chủ động, không để thiếu hàng hóa phục vụ trong dịp Tết, kể cả thịt lợn. Không được để các mặt hàng bị đẩy giá lên, dẫn đến nguy cơ lạm phát trong quý I. Thủ tướng cũng lưu ý đảm bảo cho mọi người, mọi nhà cùng có Tết, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác đảm bảo an toàn, đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết. “Những băng nhóm trộm cướp phải cương quyết triệt bỏ. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cần phải có chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc này để đảm bảo an toàn cho người dân trong dịp Tết này”.
Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý, cán bộ các cấp, cách ngành không được tranh thủ dịp Tết để cấp dưới biếu quà cấp trên. “Tất cả các đồng chí đều phải nêu gương thực hiện việc này. Tất cả các ngành, các cấp, không phải chạy ra Hà Nội để mang quà biếu, để xe cộ ùn ùn tới các nhà lãnh đạo. Như thế là không tốt, không làm gương”, Thủ tướng nhấn mạnh.