Những điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 20:56, 02/01/2020
Đây là những nội dung được NHNN đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2020 được tổ chức ngày 2/1/2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cùng các Phó Thống đốc: Đào Minh Tú, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan và gần 3.800 đại biểu chủ chốt trong hệ thống ngân hàng tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cùng các Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị |
4 năm liền xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính
Năm 2019, chính sách tiền tệ (CSTT) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ; kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân ở mức 2,01%, tạo dư địa thuận lợi để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung phân bổ vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tạo động lực cho phát triển, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp pháp về vốn, nhất là vốn tín dụng tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tín dụng ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát theo đúng lộ trình hạn chế đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.
“Trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Tỉ giá cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận. Tỉ lệ nợ xấu giảm, Dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với 2011. Trong năm qua, chúng ta bỏ ra 500 ngàn tỷ đồng để mua dự trữ ngoại hối, tăng cung tiền lớn như vậy nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được NHNN đặc biệt quan tâm. NHNN đã liên tiếp 4 năm liền xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính (CCHC) trong các Bộ, cơ quan ngang bộ. NHNN xác định mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, Thống đốc NHNN đều yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Ước đến ngày 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%. Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (chỉ sau Brunei - hạng 1/190).
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89%
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự nỗ lực của hệ thống các TCTD, ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt). Tính trung bình từ ngày 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đồng thời cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Trong lĩnh vực thanh toán đã ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...), phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm và thu được kết quả ấn tượng, cụ thể: Đến cuối tháng 10/2019, đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 67% và trên 36%; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh ĐTDĐ tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán qua QR Code tuy là hình thức thanh toán điện tử mới nhưng cũng đạt mức tăng trưởng khá.
Công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM được chú trọng và phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua NHNN chủ động xây dựng nội dung, chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”, cuộc thi “Hiều đúng về tiền”, qua đó tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, đồng thời khuyến khích sử dụng các phương tiện TTKDTM.
Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%
Trong năm 2020, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; Tập trung điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, thực hiện mục tiêu CSTT; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.
Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu |
Chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quyết định số 1058/QĐ-TTg; Nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các TCTD giai đoạn 2021-2025; Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Trong hoạt động thanh toán: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó chú trọng đến sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, nhất là đối với ngân hàng số, thanh toán số; Đẩy mạnh TTKDTM trong dân cư; Tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam; Tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử; Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán...
Không dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN sẽ không dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các TCTD bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. đến thời điểm này, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã lên hơn 79 tỷ USD, riêng năm 2019, NHNN đã mua vào gần 20 tỷ USD.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú báo cáo về tình hình hoạt động trong năm 2020 |
"Đây là tấm đệm phòng ngừa cho an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Công tác quản lý dự trữ ngoại hối đảm bảo đúng quy định của Chính phủ là an toàn tuyệt đối, hiệu quả và sinh lời. Chênh lệch thu chi trong hoạt động của NHNN tăng mạnh, tạo được nguồn kết dư bằng tiền lớn. Năm 2019, NHNN nộp ngân sách 19.500 tỷ đồng" - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Tương ứng với lượng lớn ngoại hối mua được, NHNN cung ứng tiền đồng đưa vào lưu thông, bổ sung thanh khoản VND cho toàn hệ thống, chuyển hoá nguồn lực ngoại tệ thành nguồn vốn cho phát triển kinh tế. Với việc NHNN tiếp tục điều hành chủ động linh hoạt theo cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá cơ bản ổn định, phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới nhiều biến động (đồng Nhân dân tệ giảm giá, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, lộ trình chính sách của Fed…).
Liên quan đến vấn đề tăng vốn điều lệ , Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã quyết và hiện tại đang triển khai các quy định; Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 91. "Sau khi trình Chính phủ sửa đổi Nghị định, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng về việc tăng vốn cho 3 ngân hàng. Đối với Agribank - ngân hàng 100% vốn nhà nước, Chính phủ cũng đã quyết trong năm nay sẽ trình Quốc hội để bố trí ngân sách tăng vốn." - Thống đốc cho biết.
“Tỉ giá ổn định, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí của ngành Ngân hàng đối với sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Đây cũng là Bộ, ngành đầu tiên mà Thủ tướng tới quán triệt định hướng, nhiệm vụ năm 2020 ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01. Đánh giá cao thành tích đạt được năm 2019 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Tỉ giá cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận. Tỉ lệ nợ xấu giảm. Dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với năm 2011. Trong năm qua, chúng ta bỏ ra 500 ngàn tỷ đồng để mua dự trữ ngoại hối, tăng cung tiền lớn như vậy nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, việc xử lý các TCTD yếu kém còn gặp nhiều trở ngại, cần tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ gia tăng do một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thị trường tài chính thế giới biến động. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng đang đối mặt với nhiều rủi ro ngày càng tinh vi, phức tạp từ các hành vi gian lận, lừa đảo, tấn công mạng dẫn đến nhiều vụ lộ thông tin cá nhân, mất tiền trên tài khoản... ảnh hưởng uy tín của nhiều ngân hàng. Việc quản lý các lĩnh vực mới như tiền ảo, tài sản ảo, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, Fintech, trí tuệ nhân tạo... đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong thời đại kinh tế số, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các các cấp, các ngành, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của NHNN.
Thủ tướng nêu rõ, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại 2 Nghị quyết: 01 và 02 của Chính phủ vừa ký ban hành ngày 1/1/2020, chủ động theo dõi sát tình hình để tham mưu kịp thời cho Chính phủ các biến động vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng đề nghị NHNN tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp trên tinh thần “đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng”. Do đó, điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường là một yêu cầu. Hiện quy mô tín dụng đạt 8,2 triệu tỷ đồng. “Vậy thì năm nay tăng trưởng tín dụng đạt bao nhiêu phần trăm để bảo đảm kênh vốn quan trọng cho tăng trưởng?”. Đây là câu hỏi lớn đối với NHNN và ngành Ngân hàng.
Thủ tướng đưa ra mục tiêu kép là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại (NHTM), TCTD phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất. Cần chú ý công tác dự báo, ứng phó chính sách trước biến động quốc tế, khu vực. Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều NHTM lọt vào tốp ngân hàng đứng đầu khu vực và thế giới. Muốn làm tốt, muốn tăng trưởng tín dụng tốt và uy tín tốt thì phải cải cách hành chính và văn minh ngân hàng, đấu tranh chống tham nhũng trong ngành Ngân hàng. Phải vừa quản lý tốt, hợp tác quốc tế tốt, truyền thông tốt, đặc biệt là phối hợp tốt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 9 tập thể thuộc ngành ngân hàng: Vụ Tổ chức cán bộ, Cơ quan thường trực Đảng ủy Ngân hàng Trung ương, Thời báo Ngân hàng, NHNN chi nhánh Cần Thơ, Bến Tre, Gia Lai, Hà Nam, Lai Châu, Ninh Thuận |
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã phát động phong trào thi đua toàn ngành Ngân hàng năm 2020 |
Quang cảnh Hội nghị |