Năm 2020: Tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới
Sự kiện nổi bật - Ngày đăng : 07:30, 23/01/2020
Năm 2019 vừa khép lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm với nhiều diễn biến bất thường. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, vấn đề địa chính trị đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, bất ổn thương mại cản trở các hoạt động đầu tư. Tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu xuống mức tăng trưởng 3,0%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009. Mỹ hạ lãi suất liên tiếp 3 lần trong năm 2019. Trung Quốc cũng tiến hành giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, đồng thời tiếp tục bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Sau động thái nới lỏng tiền tệ tại Mỹ và Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới đã giảm lãi suất. Theo một số dự báo, lãi suất âm có thể trở thành hiệu ứng lây lan toàn cầu vào năm 2020.
Trong bức tranh kinh tế toàn cầu và khu vực khá ảm đạm, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với kết quả tăng trưởng GDP năm 2019 ấn tượng đạt 7,02%, là năm thứ 2 liên tiếp GDP đạt trên 7,0%, lạm phát kiểm soát ở mức 2,75%, là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Việt Nam cũng đang cố gắng tận dụng cơ hội được mở ra khi thực hiện các hiệp định tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng như các hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mà Việt Nam đã và đang ký kết để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, tiếp thu công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, kinh tế số đang được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tháng 9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0.
Thành tựu năm 2019 là minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ ngay từ đầu năm đã xác định 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, thực hiện đạt kết quả cao nhất trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và còn những hạn chế, bất cập trong nội tại.
Trong thành tựu chung của đất nước, ngành Ngân hàng đã có những đóng góp rất quan trọng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Đánh giá cao thành tích đạt được năm 2019 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính - tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận, tỷ lệ nợ xấu giảm, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với năm 2011.
Với nỗ lực triển khai quyết liệt, mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ nợ xấu gộp chỉ còn gần một nửa so với cuối năm 2016, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, quy mô và hiệu quả hoạt động tiếp tục được nâng cao; năng lực tài chính tiếp tục được củng cố; năng lực quản trị điều hành từng bước tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Hệ thống ngân hàng có 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II. 94% NHTM đang triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Năm 2019 cũng là một năm thành công vượt bậc của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với rất nhiều hoạt động kết nối, đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức hội viên. Năm 2019 là năm VNBA có nhiều dấu ấn đáng nhớ: kỷ niệm 25 năm thành lập VNBA, Ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng (Bộ chuẩn mực) và tổ chức triển khai các bước đưa Bộ chuẩn mực đi vào cuộc sống; là năm Tạp chí điện tử thitruongtaichinhtiente.vn được cấp Giấy phép hoạt động, thêm một kênh truyền thông quan trọng của VNBA.
Năm qua, Hiệp hội đã thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ của mình khi đóng vai trò kết nối các hội viên, tập hợp ý kiến của các tổ chức hội viên, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng qua đó thực hiện có hiệu quả việc phản biện, góp ý chính sách, hỗ trợ tích cực cho NHNN trong xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng.
Với vị thế, vai trò ngày càng được khẳng định của mình, VNBA trong năm cũng thu hút thêm nhiều TCHV. Tính đến cuối năm 2019, số TCHV đã lên 71 tổ chức, trong đó có 5 tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gia nhập Hiệp hội trong năm nay.
Năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Thời cơ và vận hội mới đòi hỏi đất nước nói chung, ngành Ngân hàng và VNBA nói riêng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, để khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, vận hành thông suốt, phát huy cao độ, cùng tạo nên động lực mới đưa đất nước, ngành Ngân hàng phát triển nhanh, bền vững.
Năm 2020 cũng là năm Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ tròn 25 tuổi. Tạp chí rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý bạn đọc. Tạp chí trân trọng cảm ơn và xin chúc các quý bạn đọc năm mới Canh Tý “Sức khỏe - Hạnh phúc - Thành công”!