Thiêng liêng biết mấy những lời của Bác

Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 07:00, 22/01/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử. Di chúc được Bác Hồ viết lần đầu vào ngày 15/5/1965, nhân dịp Người sang tuổi 75 “thuộc lớp người xưa nay hiếm”. Những năm sau đó, cứ vào dịp tháng 5 trước ngày sinh, Người lại đem ra xem lại. Mỗi lần lại “thấy cần phải viết thêm mấy điểm”. Lần cuối cùng Người sửa là ngày 10/5/1969, trước khi Người qua đời hơn 3 tháng.

Những điều Người viết trong Di chúc là những vấn đề hệ trọng gửi lại cho nhân dân và đất nước, dặn dò toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những nhiệm vụ cần phải làm. Dù viết “Về việc riêng” thì cũng là những lời dặn và lời “yêu cầu” làm những điều tốt đẹp dành cho con cháu muôn đời sau chứ không phải riêng cho Người.

Di chúc của Bác chứa đựng những suy nghĩ của một người suốt đời cống hiến, hy sinh, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết. Đó là những  chiêm nghiệm, những đúc kết không phải chỉ trong quãng thời gian hơn bốn năm Bác viết Di chúc, cũng không phải là lời căn dặn vội vàng trước phút lâm chung. Người viết Di chúc trong lúc “tinh thần đầu óc vẫn sáng suốt”, tâm thế ung dung, tự tại tựa hồ như một đêm trăng rằm năm nào Bác ngồi trên con thuyền bàn việc quân cơ ở núi rừng Việt Bắc.

Đọc Di chúc của Bác Hồ, chúng ta cảm nhận được tâm thế và suy nghĩ của một bậc vĩ nhân. Một vĩ nhân yêu nước, thương dân tột bậc. Yêu thương khi Người còn sống và yêu thương cho tới mãi mai sau. Từng câu, từng lời trong Di chúc là kết tinh của sự suy xét thấu đáo; là những lo nghĩ về việc chung, việc của Đảng cầm quyền và công việc xây dựng đất nước; là những lời dặn dò hết sức thiêng liêng cùng với những tình thương bao la dành cho đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế gần xa.

Giống như nhiều áng văn quan trọng của Người, Di chúc được Bác viết hết sức cô đọng, hàm chứa những điều vô cùng lớn lao, hệ trọng.

Về việc chung, trước hết Người nói về Đảng, về trách nhiệm của một Đảng cầm quyền:

“Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình…”(1). “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(2). Đó là những lời dặn dò thật ân cần mà cũng vô cùng nghiêm khắc. Người đã cảnh báo từ khi Người còn sống, dẫu là một Đảng cách mạng, có quá trình lịch sử vẻ vang, nhưng nếu không trau dồi, rèn luyện hàng ngày, không đặt lợi ích của nhân dân lên trên, khi lòng dạ không trong sáng nữa, thì nhất định sẽ suy thoái. Trước khi qua đời, một lần nữa Người nhắc lại điều ấy.

Tiếp đến, Người nói về nhiệm vụ “phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên thanh niên”. Người nhấn mạnh: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(3).

Người căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”(4).

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng ác liệt, Người luôn đặt niềm tin vào “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”(5).

Phần cuối Di chúc Người viết “Về việc riêng”. Nói về việc riêng nhưng cũng là mong đem lại lợi ích cho dân, cho nước. Có một sự trùng hợp kỳ diệu trong đoạn văn này, tính cả những từ Người sửa chữa, bổ sung, vừa đúng 79 từ. Dường như Người đoán biết, với niềm tiếc thương và nhớ ơn vô hạn của đồng bào, đồng chí dành cho mình, sau khi Người qua đời có thể chúng ta sẽ “bày biện” nhiều việc phiền hà, gây lãng phí tốn kém. Vì thế, Người phải dặn dò cặn kẽ những việc nên làm và không nên làm, với lời lẽ vừa ân cần vừa nghiêm trang. Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(6). Người dùng từ “yêu cầu” để nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là ‘hỏa táng’. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”(7). Người còn gạch dưới hai từ “đốt đi” để nhấn mạnh.

Người dặn kỹ càng việc phân chia tro xương ra làm ba phần cho ba miền Bắc, Trung, Nam, cách thức chôn cất sao cho có lợi nhất: “tro thì… nên chọn một quả đồi mà chôn… Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi ích nông nghiệp”(8).

Thời gian càng qua đi, chúng ta càng cảm nhận được sự sáng suốt trong những nghĩ suy, lo toan, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, sự yêu thương nhân dân vô hạn của Người. Đọc lại bản Di chúc lịch sử của Bác Hồ, chúng ta càng thêm muôn lần kính yêu và nhớ ơn Bác, càng thêm hiểu vì sao Bác băn khoăn, lo lắng; vì sao khi nói về việc riêng, Bác phải dặn dò tỷ mỷ, kỹ càng đến vậy. Người dặn dò: “Nếu tôi qua đời trước ngày đất nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”(9).

Tình cảm của Bác với miền Nam sâu nặng khôn cùng. Điều ấy không chỉ thể hiện trong Di chúc. Vào tháng 5/1963, nhân kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Người, Quốc hội quyết định tặng Bác Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Ngày ấy, Bác đã trình bày trước Quốc hội: “Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng của Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất. Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc -  Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”(10).

Vì miền Nam, thương nhớ miền Nam, Bác Hồ đã từ chối phần thưởng cao quý của Quốc hội. Thay vào đó, Bác quyết định lựa chọn một chuyến đi thăm đồng bào và chiến sỹ miền Nam trước ngày đất nước hòa bình thống nhất. Thật xúc động biết bao khi chúng ta đọc lại bức thư “Tuyệt mật” gửi Bộ Chính trị, Người viết khi tuổi đã cao, sức đã yếu. Dường như linh cảm sẽ không còn chờ được tới ngày đất nước hòa bình thống nhất nên Người thiết tha đề nghị Bộ Chính trị tổ chức cho Người vào Nam. Bức thư Người viết tay, rất ngắn gọn:

“Chú Duẩn thân mến,

Nhớ lại Noel năm ngoái, Chú có ý khuyên B. (Bác) đi thăm đồng bào miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. B. rất tán thành.

Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng (trong ấy) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”(11).

Bức thư Bác viết ngày 10/3/1968. Trong thư Bác thảo ra sẵn một kế hoạch rất tỷ mỷ. Bác ước tính chỉ cần 10 ngày chuẩn bị cho chuyến đi. Bác viết trong thư: “Việc này Bác tự thu xếp, dễ thôi”. Cách thức đi, đón, tiễn ra sao đều được Bác lên kế hoạch, trù tính từng chặng đường đi nước bước...

Bác Hồ muôn vàn kính yêu về cõi thế giới người hiền đã hơn 50 năm. Di sản mà Người để lại cho muôn đời sau là cả một sự nghiệp lớn lao. Đó là cuộc đời bôn ba khắp năm châu bốn biển, Người rời Tổ quốc thân yêu với hai bàn tay lao động. Tài sản riêng của Người lúc ra đi là trái tim cháy bỏng và tấm lòng yêu nước thương dân. Người ấp ủ “một ham muốn tột bậc là đất nước ta được hoàn toàn độc lập; nhân dân ta được hoàn toàn tự do; đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Một ước mơ  giản dị mà tột cùng thiêng liêng, cao cả. Để thực hiện ước mơ ấy, Người bất chấp mọi hiểm nguy trên con đường cứu nước, cứu dân. Cuộc đời Người là một chuỗi năm tháng không ngừng hy sinh và cống hiến. Lúc tự do hay khi trong lao tù; lúc ở chiến khu hay khi trở về sống giữa lòng Thủ đô Hà Nội, Người luôn “trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành”; “một ngày đồng bào miền Nam chưa được hưởng tự do, độc lập thì Người ăn không ngon, ngủ không yên”.

Hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, thực hiện Di chúc của Người với sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hoàn thành rất vẻ vang những lời căn dặn của Người. Trong đó nhiệm vụ khó khăn gian khổ nhất là “đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng, lớn lao khác: “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, “phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh thiếu niên”, “phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”…

Hơn 50 năm đã trôi qua, thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thêm thấu hiểu và cảm phục trí tuệ sáng suốt phi thường của Người. Cảm phục tầm nhìn và sự lo xa của Người. Liệu có ai đã thấu hiểu được việc Bác “viết sẵn và để lại mấy lời này” lại trở nên quan trọng với toàn Đảng và toàn dân ta đến vậy.

“Ôi thiêng liêng biết mấy những lời của Bác!”. Lời một bài hát thấm vào gan ruột biết bao thế hệ, thức tỉnh nghĩ suy, chất vấn lương tâm và trách nhiệm.

CHÚ THÍCH

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr.622.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr.622.

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr.622.

5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr.623.

6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr.623.

7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr.615.

8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr.615.

9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr.613

10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 14, tr.615

11. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd , tập 15, tr437

TS. Phạm Quang Nghị