Nền kinh tế và hoạt động ngân hàng Việt Nam năm 2019 ổn định và đạt nhiều thành tựu tích cực
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 10:06, 24/01/2020
Phóng viên (P.V): Theo ông, những nhân tố nào trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế năm 2019 có ảnh hướng tới Việt Nam?
TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia tài chính |
TS. Vũ Đình Ánh: Năm 2019, tăng trưởng toàn cầu bị kéo xuống bởi đà suy giảm liên tục ở một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc và một số thị trường mới nổi. Thương mại toàn cầu suy yếu đáng kể trong nửa đầu năm 2019 và chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng thị trường tài chính quốc tế năm 2019 cho đến thời điểm này (tháng 12/2019) đã không có cú sốc lớn nào. Khủng hoảng chu kỳ 10 năm như “lo lắng” của nhiều chuyên gia đã không xảy ra.
Vấn đề lớn nhất của kinh tế thế giới nổi lên từ tháng 3/2018 đến nay là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã, đang tác động không nhỏ tới nền kinh tế của cả hai nước, cũng như các nền kinh tế mở khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nằm trong câu chuyện chiến tranh thương mại là việc Mỹ đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả mọi mối quan hệ ngoại giao, tập trung phát triển kinh tế Mỹ, và chỉ tham gia, đổ nguồn lực vào các tổ chức quốc tế nếu thấy có lợi cho mình. Do vậy, người Mỹ giảm sự can thiệp về kinh tế tài chính của họ vào thế giới, thu hút vốn, gây sức ép bằng hình thức thuế quan để ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ hoặc mở nhà máy trên đất Mỹ. Đấy là sự xoay trục chiến lược kinh tế của Mỹ, hoàn toàn khác so với trước đây nên đã gây tác động rất lớn đến kinh tế thế giới do Mỹ chiếm đến 1/5 GDP toàn cầu.
Động tác rút dòng vốn, công nghệ, kinh tế đưa về Mỹ đã tạo ra sự dịch chuyển dòng vốn trên thế giới. Trong đó, nhận thấy rõ rệt nhất là có dòng vốn đưa trở về Mỹ, và dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc rồi chảy sang các nước khác trong đó có Việt Nam.
Để đối phó với những tác động nêu trên thì các quốc gia xuất hiện hai động thái tài chính: Thứ nhất, nhiều nước phá giá đồng tiền của mình để đối phó với thương mại khó khăn, nổi bật nhất là Trung Quốc (phá giá khá mạnh đồng Nhân dân tệ). Việc phá giá nội tệ ở đây không hẳn để nhằm kích thích xuất khẩu mà nhiều nước phá giá để hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc; Thứ hai, vì dòng vốn chảy mạnh về Mỹ nên làm mất cân đối dòng vốn toàn cầu khiến các nước phải thực hiện giảm lãi suất, để thay vì lợi dụng dòng vốn quốc tế thì sẽ bơm dòng vốn trong nước.
Cũng cần phân tích rõ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện mới dừng ở các hoạt động về thương mại, thuế, công nghệ… nên hiện nay tác động tới Việt Nam cũng chỉ thể hiện ở mặt thương mại.
P.V: Trong bối cảnh quốc tế năm 2019 như vậy, ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam ?
TS. Vũ Đình Ánh: Theo tôi đánh giá thì kinh tế Việt Nam năm 2019 phát triển tốt. Tiếp tục được đà phát triển đã xác lập được từ năm 2016. Cho đến năm nay, kinh tế Việt Nam đang hội tụ các điều kiện để tạo đà phát triển tăng trưởng cao hơn mức 7% (mức đã đạt được trong năm 2018).
Sự phát triển được tạo dựng trên nền tảng ổn định của kinh tế vĩ mô. Nổi bật trong đó bao gồm: việc kiểm soát lạm phát tốt của ngành Ngân hàng; kiểm soát tốt chính sách tài khóa; thâm hụt ngân sách được kiềm chế. Đặc biệt là kiểm soát và hạ được tỷ lệ nợ công.
Tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh trong xã hội bùng nổ từ năm 2018, kéo dài tới hiện nay và hứa hẹn trong cả các năm tới, tạo động lực về phát triển doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ra đời lớn.
Môi trường kinh doanh ổn định. Cải cách hành chính được tích cực thực hiện giúp giảm sự can thiệp về mặt hành chính vào nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí hành chính không cần thiết. Hệ thống thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp đều đổi mới theo tinh thần phục vụ doanh nghiệp… Đó cũng chính là lý do quan trọng mà thế giới đã ghi nhận thành tích cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Những mặt tích cực của kinh tế năm 2019 cho thấy, giảm sự can thiệp hành chính sẽ giúp kinh tế được giải phóng khởi sắc hơn.
P.V: Ở trên ông có nhắc đến vai trò của ngành Ngân hàng trong kiểm soát lạm phát, vậy ông đánh giá thế nào về hoạt động ngân hàng năm 2019?
TS. Vũ Đình Ánh: Có thể dùng từ: ổn định. Các công cụ điều hành chính sách được sử dụng chủ động, linh hoạt và thận trọng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra. Những thành tích của NHNN được ghi nhận là: Ổn định lãi suất, áp dụng điều hành trần theo lãi suất ngắn hạn, trung và dài hạn thả nổi; Ổn định tỷ giá (mức 2%) dù thế giới nhiều biến động; Thị trường liên ngân hàng được điều hành tốt, bơm hút tiền qua các công cụ điều hành tiền tệ ổn; Vị thế của NHNN trong công tác quản lý thể hiện tích cực rõ nhất là trong nền kinh tế thị trường mà các NHTM vẫn theo chỉ đạo duy trì được cho vay trong 5 lĩnh vực tín dụng ưu đãi và cũng đang chú trọng vào tín dụng xanh.
Về hoạt động của các tổ chức tín dụng năm 2019, có nhiều mặt được, đó là: Nợ xấu được nỗ lực giải quyết một cách tích cực; thực hiện quyết liệt chiến lược công nghệ số ngân hàng; mặt bằng lãi suất nhìn chung ổn định; Nhân lực ngân hàng được tinh lọc và nâng cao chất lượng; Quản trị rủi ro được cải thiện tốt hơn, 18 NHTM đã đạt được chuẩn Basel II; mảng ngân hàng bán lẻ được các ngân hàng chú trọng đẩy mạnh với tín dụng tiêu dùng…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!