Chân trời đang rộng mở cho các công ty tài chính

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:00, 29/01/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Hiện số lượng công ty tài chính của Việt Nam còn rất khiêm tốn và nhỏ bé, chưa có các công ty tầm cỡ, nhiều công ty tài chính còn lệ thuộc ngân hàng, chưa có vị thế độc lập. Thời gian tới, Việt Nam cần có những công ty tài chính lớn, vốn điều lệ mạnh, chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế”. Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ.

Phóng viên (P.V): Được biết hiện ông đang tư vấn cho một số công ty tài chính, vậy ông có ý kiến gì về hoạt động cho vay tiêu dùng và cơ hội của các công ty tài chính tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Kinh tế Việt Nam đang phát triển theo xu hướng chung của thế giới và nổi lên vấn đề người dân có nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong khi thu nhập lại có hạn, không theo kịp với nhu cầu tiêu dùng, dẫn tới việc phải đi vay.

Vay tiêu dùng là vay trước trả sau, dùng thu nhập tương lai của mình để trả cho những món vay hiện tại.

Thu nhập trung bình hiện nay của người dân Việt Nam khá ít, mới chỉ khoảng hơn 3000 USD/người/năm, trong khi nhu cầu mua sắm hàng hóa, ăn ngon mặc đẹp đang ngày càng tăng dẫn tới nhu cầu đi vay rất lớn. Trong khi đó, ngân hàng lại không phải là nơi cấp tín dụng đại trà cho người tiêu dùng. Ngân hàng đòi hỏi người đi vay phải có thế chấp/cầm cố tài sản, chứng minh thu nhập ổn định, số tiền cho vay của ngân hàng cũng không thể là số tiền quá nhỏ. Hiện nay, 30-40% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này có khả năng vay được của ngân hàng. 10% của 30-40% người dân còn lại có nhu cầu đi vay từ các công ty tài chính, tiệm cầm đồ, tín dụng đen và vay ngang hàng (P2P lending).

Bối cảnh kinh tế - xã hội như vậy mở ra nhiều cơ hội cho các công ty tài chính. Có thể nói “chân trời” đang rộng mở cho các công ty tài chính, cho vay bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.

Hiện nay, đã có một số công ty cho vay tài chính thực hiện cho vay bài bản tại Việt Nam có thể kể tới như Home Credit, Fe Credit…. Theo ý kiến cá nhân tôi, 3-5 năm tới sẽ có sự phát triển đột biến của các công ty tài chính, tất nhiên sau khi giải quyết được một số vấn đề tồn tại.

P.V: Tiềm năng là vậy,  nhưng theo ông hiện nay những vấn đề gì của các công ty tài chính Việt Nam cần quan tâm?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Công ty tài chính trên thế giới hiện phát triển mạnh, thậm chí hơn cả ngân hàng. Đặc biệt những công ty tài chính tiêu dùng là công ty con của các nhà sản xuất sản phẩm như: xe ô tô, dụng cụ gia dụng... Các công ty sản xuất lớn trên thế giới đều có công ty tài chính để hỗ trợ cho người mua hàng. Việt Nam thì  chưa có các công ty tài chính riêng cho ngành nghề nào, chủ yếu là công ty tài chính cho vay đại trà.

Vấn đề hiện nay của nhiều công ty tài chính Việt Nam là nợ xấu gia tăng, xuất phát từ một số nguyên nhân như: (i) Công ty tài chính chưa kiểm soát chặt chẽ rủi ro. Do áp lực phải phát triển, phải có lãi khiến các công ty tài chính đã chấp nhận rủi ro một cách quá mức. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại chưa có biện pháp quản lý chặt như với các ngân hàng. Luật lệ hiện nay cho công ty tài chính không gian khá rộng rãi để hoạt động. Sự “lỏng lẻo’ này được xem là cơ hội cho các công ty tài chính phát triển và nhiều công ty đã cho vay dễ dàng dù những món vay của họ đều là những món vay không có tài sản bảo đảm; (ii) Khả năng trả nợ của người Việt thấp. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam ở mức thu nhập thấp trên thế giới trong khi nhu cầu tiêu dùng càng ngày càng lớn. Khi không vay được ngân hàng, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến công ty tài chính và các nguồn khác để vay, thu nhập thấp tạo ra rủi ro tài chính cho các bên cho vay; (iii) Các ngân hàng khi cho vay thường hướng tới người có thu nhập ổn định và tài sản bảo đảm nên nợ xấu của ngân hàng thường thấp hơn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Trong khi đó, hoạt động của các công ty tài chính không được giám sát chặt như  ngân hàng, dẫn tới hoạt động của các công ty tài chính có phần đang vượt quá khả năng.

P.V: Theo ông, tương lai nào đón đợi các công ty tài chính trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu:  Nếu nhìn trong ngắn hạn, năm 2020, khi kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện với những rủi ro do biến động của kinh tế toàn cầu thì chắc chắn sẽ có tác động tới các ngành sản xuất, người tiêu dùng và từ đó sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động của các công ty tài chính.  

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn từ 3-5 năm tới, khi kinh tế thế giới ổn định hơn, thì nền kinh tế Việt Nam cũng được hưởng lợi và các công ty tài chính cũng sẽ được hưởng lợi trong một môi trường phát triển ổn định.

5 năm tới, các công ty tài chính được dự đoán sẽ có sự lớn mạnh vượt bậc vì họ là những công ty cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng thuận lợi hơn cho người tiêu dùng, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng hơn là hệ thống ngân hàng. Lúc đó, hệ thống ngân hàng vẫn là cột trụ cho các doanh nghiệp. Nhưng công ty tài chính sẽ phù hợp với người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ Việt Nam.

Nhìn xa hơn, 10 năm tới các công ty tài chính có thể trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với ngân hàng. Bởi sự phát triển của công nghệ thông tin càng khiến tiềm năng của công ty tài chính trở nên lớn hơn nữa.

Hiện số lượng công ty tài chính của Việt Nam còn rất khiêm tốn và nhỏ bé, chưa có các công ty tầm cỡ, nhiều công ty tài chính còn lệ thuộc ngân hàng, chưa có vị thế độc lập. Thời gian tới, Việt Nam cần có những công ty tài chính lớn, vốn điều lệ mạnh, chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế.

P.V: Trong hoạt động của một số công ty tài chính có giới thiệu hình thức cho vay ngang hàng (P2P lending). Tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về hoạt động này. Ông có thể cho biết ý kiến của mình?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện dư luận đang có cái nhìn rất tiêu cực về P2P lending, coi như tín dụng đen, hình thức cho vay biến tướng, lãi suất quá cao, lừa đảo, đa cấp… Trên thế giới thì có ví dụ hàng ngàn công ty P2P lending ở Trung Quốc đã sập tiệm.

Thời gian 3 năm qua, tại Việt Nam, một số công ty P2P lending cũng đang tạo ra hình ảnh xấu về cho vay ngang hàng. Trong khi đó, từ góc độ quản lý Nhà nước lại chưa có quy định luật pháp rõ ràng nào về P2P lending như khái niệm,  phạm vi hoạt động, đăng ký thế nào, vốn điều lệ ra sao, quy trình là gì, nền tảng ra sao…, từ đó dẫn tới hoạt động của các công ty bột phát theo cách mà họ muốn, trong đó có những hành động tự phát. Nhiều công ty huy động vốn bằng cách mời gọi khách hàng đem vốn đến cho họ. Trong hoạt động, một số công ty cho vay nặng lãi lên tới 100%, 400%, 700% nếu tính theo năm, rồi cho vay theo lãi ngày… Điều này vi phạm Luật các tổ chức tín dụng. Làm như vậy, các công ty P2P lending đã phạm luật vì giấy phép kinh doanh của họ chỉ là công ty tư vấn, đầu tư tài chính. Đây là những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động P2P lending ở Việt Nam hiện nay.

Tuy vậy, tôi vẫn nhìn nhận P2P lending là sự bổ sung rất tốt cho hệ thống ngân hàng, cần thiết cho nền kinh tế đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng của người dân có nhu cầu tài chính thiết thực. Để phát triển, P2P lending rất cần sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước. Hiện NHNN đang xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) cho hoạt động P2P lending. Theo tôi, đây là việc cấp thiết cần làm ngay trong năm 2020. Khi có các khuôn khổ cần thiết, P2P lending sẽ là kênh tài trợ quan trọng cho cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Lan - Hoàng Mai (thực hiện)