Món quà nơi đảo xa
Văn hóa - Ngày đăng : 13:23, 27/01/2020
Nơi đảo xa, cờ Tổ quốc xuất hiện khắp mọi nơi, từ ca nô chủ quyền đến tàu ngư dân, tàu trực, các điểm đảo... Đi biển mà nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay lồng lộng như đã thấy nhà mình ở ngay đấy rồi, như thấy cả niềm tự hào về Tổ quốc giữa ngàn dặm nước non, giữa trùng xa chát mặn. Thực tế, bốn bề sóng gió, suốt ngày đêm năm tháng không ngừng nên những lá cờ cũ rất nhanh, thường xuyên cần thay mới. Ở nơi đầu sóng, việc hạ cờ, thay cờ là nghi thức đầy trang nghiêm, xúc động. Lá cờ cũ bộ đội hạ xuống, cờ mới kéo lên và lá cờ đã xong nhiệm vụ của mình được mang đi đóng dấu đảo vào ngôi sao vàng, gấp ngay ngắn lại thành từng lớp, từng lớp cờ đỏ sao vàng. Mỗi lớp cờ một sắc màu đậm nhạt khác nhau tùy theo thời gian, điều kiện khí hậu thời tiết nó làm nhiệm vụ. Nhìn vào đó, tinh ý, có thể nhận biết lá cờ nào từng tung bay trong mùa nào, ấy là mùa khô hay mùa mưa, lúc trời yên biển lặng hay bão tố dập vùi.
Hằng năm, số lượng cờ Tổ quốc đảo xa tặng lại đất liền tương ứng với số cờ đất liền đưa ra đảo. Chúng tôi nhẩm tính sơ bộ, một đảo chìm mỗi năm sẽ thay khoảng bảy mươi, tám mươi lá cờ. Những đảo nổi như Trường Sa phải đến vài trăm lá. Bởi thế, nhiều chuyến ra đảo, các đoàn công tác mang theo cả nghìn lá cờ Tổ quốc. Tàu thuyền ngư dân trên biển còn cần đến cả trăm ngàn lá cờ và rất nhiều trong đó là từ các tổ chức, cá nhân mang tặng. Tặng cờ ngoài khơi xa, ngoài việc chuẩn bị về số lượng thì nhất định phải chọn loại vải tốt, đúng kích thước quy định của cấp, đơn vị được treo.
Nếu ai đó được một lần chứng kiến nghi thức hạ cờ, thay cờ, tặng cờ Tổ quốc và nhìn tầng tầng lớp lớp những lá cờ đã xong nhiệm vụ ở đảo xa lại về đất liền xuất hiện trang nghiêm trong phòng truyền thống các cơ quan đơn vị hay được đóng khung, treo lên vị trí đẹp nhất ở những ngôi nhà hẳn sẽ nhận ra giá trị kết nối vô cùng đậm sâu, máu thịt. Cứ thử tưởng tượng, nếu mỗi công dân nước Việt tặng đảo xa một lá cờ thì đã có biết bao niềm tin được gửi gắm trong đó, biết bao tình yêu đang dịu dàng lan tỏa. Chừng ấy lá cờ sau những giờ khắc lồng lộng tung bay, ngấm đủ năng lượng trùng khơi sẽ như những con người, quay trở về với đất liền, trở thành những cột mốc chủ quyền biển đảo chính nơi đất mẹ.
Các vị khách từng được chúng tôi tặng món quà ý nghĩa này bao giờ cũng rưng rưng, không nói nên lời. Bất cứ lá cờ Tổ quốc nào cũng quý giá thiêng liêng nhưng có những lá cờ đặc biệt mà ai cũng muốn được nhận, trong số đó phải kể tới cờ Tổ quốc trên các đảo ở điểm cực.
Cờ ở đảo Tiên Nữ nhiều người xin vì đó là điểm cực Đông của Tổ Quốc. Cờ của đảo An Bang vừa là điểm cực Nam của quần đảo Trường Sa, cũng là điểm đảo nhiều gian khổ. Ngoài ra, đảo Song Tử Tây là cực Bắc quần đảo, đảo tiền tiêu Đá Lát gắn liền với ngọn hải đăng mà bất cứ tàu thuyền nào từ đất liền đi ra khơi sẽ trông thấy đầu tiên. Rồi thì những đảo chìm, chìm khuất máu xương, nước mắt là Cô Lin, Len Đao… Nâng giữ trên tay lá cờ từng tung bay trên khoảng trời nước gian lao để cùng nhau bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, cùng khắc cốt ghi tâm về mất mát, hi sinh sao kể xiết nên lời. Năm 2017, trong chương trình “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn”, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng trọn bộ 33 lá cờ từ 33 điểm đảo Trường Sa. Từ đó đến nay, 33 lá cờ thiêng liêng đã kết thành tấm bản đồ “Tự hào biển, đảo Việt Nam”. Tấm bản đồ này được trưng bày tại các kỳ triển lãm trên khắp cả nước. Thậm chí, tháng 4/2019, 33 lá cờ đã “bay” sang tận Paris, Thủ đô Cộng hòa Pháp trong kỳ triển lãm về biển đảo Việt Nam.
Đến với Trường Sa, ai cũng muốn mang về cho mình một kỷ vật, bởi miền yêu thương xa xôi đó không chỉ là thử thách mà còn là máu thịt thiêng liêng. Giữa nơi sóng gió nghìn trùng xa cách, không phải cứ muốn là có thể đến được, và có người được đến cũng chưa chắc đã dám bước chân xuống xuồng vào thăm đảo mùa biển động. Vậy nhưng, hãy nhớ rằng, cho dù sóng gió thế nào, một năm vẫn có hai kỳ, những người lính lại xuống tàu ra trấn giữ biên thùy. Nơi đảo nổi, đảo chìm, Nhà giàn gian khó ấy, không phải chỉ là cát đá khô cằn, mà là biển cả bao la, là cương thổ của con dân đất Việt. Nếu may mắn, các vị khách thăm đảo sẽ được tặng một quả bàng vuông. Cây xanh trên đảo thì bộ đội quý lắm, quý như tay chân vậy, một chiếc lá xanh rời cành còn cảm thấy xót xa. Những mùa thiếu nước ngọt, bộ đội phải nhường cả khẩu phần nước ít ỏi của mình để chăm tưới cho cây. Hoa, trái trên đảo vì thế mà lại càng quý nữa. Có được một quả bàng vuông mang về từ đảo thật trân trọng vô cùng. Trong 33 điểm đảo Trường Sa, gần như chỉ có 10 đảo nổi trồng được bàng vuông. Đây là giống cây thân gỗ, có bóng mát, phát triển hàng chục năm mới cho ra quả. Nói đến bàng vuông, biết ngay Trường Sa đang hiện hữu rồi. Ra đảo, mang được quả bàng vuông về khoe với người trong đất liền, cứ gọi là oách. Phải là khách “VIP”, hoặc phụ nữ, văn công mới được ưu tiên tặng quả bàng vuông.
Vỏ ốc Trường Sa thì hiển nhiên, đi biển mà không có ốc thì đâu còn là biển nữa. Các vị khách thường ra bãi cát ven đảo, nhặt về cho mình những vỏ ốc bé mọn. Những con ốc chỉ còn vỏ, bị sóng biển giày vò, đánh cho mòn vẹt đi, trông bình thường thôi nhưng đó là hồn vía của biển. Nhiều năm trước, đảo còn nhiều vỏ ốc to và đẹp lắm, nhưng những năm trở lại đây thì ít dần. Vỏ ốc đẹp hiện tại đa phần do ngư dân vớt, nhặt. Do vậy, nhiều vị khách không thích, cứ muốn tự mình nhặt từng vỏ ốc, be bé thôi, cho vào cái lọ, cảm thấy thú vị hơn nhiều. Món quà nơi đảo xa chỉ giản dị vậy, nhưng lại quá đỗi thân thương. Một chiếc lọ ốc con con do người đi đảo gom về cũng sẽ được chia cho rất nhiều người. Một mầm xanh sẽ mọc lên từ quả bàng vuông kia chỉ sau vài ba tháng nữa. Trường Sa hiện hữu ngay ở nơi ta đau đáu hướng về để thấy chưa bao giờ đất liền - biển đảo lại gần gũi, hòa quyện vào nhau mặn nồng đến thế.