Đón mùa xuân trên biển
Văn hóa - Ngày đăng : 11:30, 23/01/2020
Quất xuân vượt sóng An Bang
Đến với Trường Sa mùa biển động, hải trình nào có đảo An Bang thì gần như tất cả những con người trên mỗi chuyến tàu đều nóng lòng sốt ruột, đứng ngồi không yên chừng nào xuồng còn chưa cập đảo. Lịch trình đã ấn định rồi, đảo nhỏ thấp thoáng một dải xanh xanh nhưng thông tin cập nhật trên đài chỉ huy vẫn đều đặn, ắp đầy tình tiết thông báo về sự thay đổi. Hai chữ An Bang vang lên trong hệ thống truyền tin, như sợi dây bâng khuâng mong manh nối từ đất liền ra tàu, từ tàu vọng vào sóng, từ sóng xô vào đảo và tụ đến lòng người ngong ngóng đợi, mong mỏi trông, khôn nguôi hi vọng. Vào An Bang! Quyết định vang lên dứt khoát. Đại biểu từ tàu xuống xuồng, ai nấy hân hoan khi sắp được thăm một trong những đảo gian khó bậc nhất quần đảo Trường Sa.
Sự khác biệt về mặt địa hình, địa chất khiến An Bang được mệnh danh là “lò vôi”, là đảo “đồng hồ cát”, sóng gió bốn mùa sôi lên ùng ục như thể dưới lòng biển đang diễn ra cuộc vật lộn giữa hải thần với quái vật, giữa nước với lửa, như trống thúc dồn quân xông pha chốn trận tiền. Sóng, hết đợt này lại đến đợt khác, vồng lên rồi chẻ ra tua tủa hệt lưỡi giáo, lưỡi gươm, lưỡi búa, lưỡi liềm. Sóng từ biển xộc thẳng chân bờ kè, chồm lên trắng xóa miền chân đảo. Dữ dội nhất An Bang. Bất ngờ nhất An Bang. Nên thương nhớ nhất cũng là An Bang. Cầu tàu và bốn bề dữ dội, nhưng đi sâu vào lòng đảo An Bang lại đẹp đẽ, bình yên vô cùng. Chính xác thì đó là cảm giác thân thuộc, ấm cúng như quê nhà ta vậy. Ở đây, những mái nhà cứ nối nhau, gối nhau, quây quần ôm lấy khu bếp trong khoảng sân mát rượi có bốn, năm cây bàng xòe tán che. Đảo nhỏ, không gian sinh hoạt vỏn vẹn một hình tròn như vòng tay vừa khép lại. Bên cột mốc chủ quyền là biển cả bao la. Đường đi lối lại có hoa giấy nhiều màu tươi tắn, một cây dừa cao vút lên như nét vẽ. Màu sơn tường vàng nhận thêm màu nắng khiến sắc màu bừng lên, sóng sánh và sáng rõ. Không gian nồng nàn, lay động xiết bao.
Chúng tôi tặng quất xuân ra toàn quần đảo Trường Sa, khi cây vừa từ xuồng lên đảo An Bang đã thấy ngay một người đứng đợi sẵn, đón bê cây một mạch từ bãi cát lên bờ kè. Anh nhanh chóng bước qua chiếc thang bằng sắt mà nếu đi người không đã chông chênh chứ đừng nói là mang vác vật gì nặng, trông thật nguy hiểm. Bộ đội đi lại, luyện tập nhiều lắm thành quen hay cảm giác đón vật phẩm mùa xuân khiến họ quên đi những bấp bênh rình rập? Hỏi chuyện, được biết anh tên Thắng, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Anh Thắng tâm sự, người ở đảo xa, thấy một món quà từ quê nhà vượt muôn trùng sóng dữ cập đảo như thấy quê hương đang hiện hữu, gần kề.
Cây quất mà anh ôm vào lòng, suốt ngày tháng qua đã vượt hành trình đầy cam go, bão tố. Biết bao nâng niu, gìn giữ từ khâu đánh gốc, vận chuyển lên ô tô, tàu hỏa, chăm tưới trên tàu, cho cây “uống” thuốc B1, lá bọc phải nửa kín nửa hở, ni lông phải chọn màu trắng để cây vẫn quang hợp được. Vào tới cảng Cam Ranh, cây còn sống đã hú vía lắm rồi, nhưng vẫn còn cả chặng đường dài thấp thỏm bốc dỡ từ cầu cảng xuống, đưa lên ô tô trung chuyển rồi lên tàu, đối diện với gió biển, nước mặn, lá úa rụng tơi bời. Cây mang lên đảo, bộ đội rưng rưng. Bao lần ra với Trường Sa, tôi đã gặp rất nhiều người như thế. Họ ôm cây trong lòng mình, như ôm một đứa con thơ, như ôm trọn tin vui của mùa xuân nơi đất mẹ.
“Ở nơi này bốn phía trời mây…”
Trong hải trình đến với Trường Sa, Song Tử Tây thường là đảo đầu tiên đón các đoàn đại biểu. Khi chúng tôi đang xem diễu duyệt đội ngũ thì một ai đó nói bên tai: “Các đồng chí đang tiến về phía trước kia là lính ra đa đấy, lát nữa có thời gian, nhà báo nên quan tâm, động viên tới anh em chút”. Ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi đó là hình ảnh những người lính chỉnh tề trong bộ quân phục với quần sẫm màu, áo xanh không quân dìu dịu. Đó như màu của một bầu trời quang đãng, những ngày không nắng chói chang, không mưa tầm tã. Hay nói cho đúng hơn, một màu trời bình yên, trong trẻo và nhẹ nhõm. Tôi đi tìm họ, thấy những người lính đang ngồi tiếp khách thăm đảo dưới tán phong ba. Như thói quen, tôi đưa máy ảnh lên chớp vài kiểu trước tiên đã, lính ra đa vui tính và tinh tế, đồng loạt nhìn máy ảnh cười thật tươi. Xong xuôi, các anh ngỏ lời xin xem ảnh, vừa xem vừa cười. “Ảnh đẹp đấy, nhưng cứ thiếu thiếu...”, “À đúng rồi, nữ nhà báo chụp cùng bộ đội đôi tấm kỷ niệm đi”, “Chị cứ ngồi nguyên đấy, đưa máy ảnh đây cho em”, “Ô kìa, hai đồng chí kia ngồi gần vào chút, đòi chụp ảnh chung sao lại xa xôi thế này...” Tôi mãi nhớ và luôn giữ gìn khoảnh khắc quý giá ấy. Tôi ngồi ở quãng giữa khung hình bên lính ra đa, chúng tôi cười rạng rỡ nhưng hai nhân vật được chỉnh dáng ngồi vẫn cách tôi cả gang tay!
“Ở nơi này bốn phía là trời mây/ Ăng-ten đứng đưa mắt nhìn lặng lẽ/ Cao hơn núi chúng tôi người lính trẻ/ Chiến sỹ Ra đa nơi biển, chốt biên thùy...”. Một vài người lính hát cho chúng tôi nghe. Trong số đó, có chàng trai trẻ lắm, gương mặt luôn toát lên vẻ hồn nhiên. Cậu tự giới thiệu: “Em tên Hùng, quê ở Thái Nguyên, Tết này sẽ là cái Tết đầu tiên ở đảo của em đấy! Lúc đó, chị nhớ mở điện thoại ra, nhớ gửi cho em chút gió lạnh miền Bắc nhé!”. Tôi nhớ rõ, tôi đã gai người lên khi nghe người lính nói. Lâu nay, người ta chỉ thường nhắn nhủ nhau gửi nụ cười, hơi ấm, còn cậu thì cần chút se sắt gió mùa. Cơn gió trong tưởng tượng ấy đã lướt qua tôi giữa ngày hè oi ả, từng vệt tỏa lan, biển lòng cuộn lên điệp trùng sóng biếc.
Đại úy Nguyễn Văn Khương, chính trị viên Trạm ra đa 21, xúc động trải lòng, với anh, khoảnh khắc đón Xuân ở Trường Sa luôn là những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời quân ngũ. Trong đêm giao thừa, bộ đội tưng bừng đọc thơ, bình báo tường, hái hoa dân chủ, thi hát… Đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tất cả cán bộ, chiến sĩ tập trung tại phòng Hồ Chí Minh để cùng nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua sóng truyền hình, vui vẻ nhận những phong bao lì xì và cùng hát vang những bài ca thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước. Mấy chàng lính trẻ, dẫu đêm qua thao thức chập chờn với nỗi nhớ nhà, sáng mồng Một đã hào hứng cùng quân dân trên đảo tham gia các trò chơi dân gian và dõi mắt ra khơi xa đón mùa xuân lồng lộng.