Thị trường tài chính Việt Nam năm 2019 - Thành tựu, xu hướng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:13, 05/02/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thị trường tài chính Việt Nam năm 2019 đã đạt được những thành tựu mang tính bứt phá và kiến tạo nhiều kỷ lục ở xu hướng mới, thành tựu mới.

Tóm tắt: Năm 2019, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, từ việc dùng dằng "đi", "ở" của kinh tế Anh quốc trong khối EU... Kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và đạt được nhiều thành tựu, đã một mặt kéo các nhà đầu tư vốn hướng vào Việt Nam, một mặt đánh thức các nguồn vốn nội địa và tạo cho Việt Nam nhiều thị trường xuất - nhập khẩu mới, nhất là từ sau khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Trong các điểm sáng nói trên, thị trường tài chính (TTTC) là đang tỏa sáng mạnh nhất.

Từ khóa: thị trường tài chính, Việt Nam, kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán

Những thành tựu của TTTC

Theo Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài chính năm 2019, tính đến ngày 31/12/2019, thu NSNN ước đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% so với dự toán, nhờ đó đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và có thêm nguồn để xử lý các nhu cầu quan trọng, cấp thiết phát sinh trong kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2019, nợ công chiếm khoảng 55% GDP, tiếp tục xu hướng giảm mạnh từ mức 63,7% GDP năm 2016. Nợ Chính phủ cuối năm 2019 cũng chỉ còn 48% GDP, giảm so với mức 52,7% GDP của năm 2016. Những kết quả tích cực này góp phần quan trọng trong đảm bảo bền vững tài khóa và an toàn nợ công.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đến ngày 31/12/2019, chỉ số VNIndex đạt 965,03 điểm, tăng 8,1%, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.390 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%, tương đương 79,3% GDP. Đặc biệt, TTCK VN - kênh huy động vốn trung và dài hạn năm 2019 có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế, với tổng mức huy động vốn đạt 313,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm trước. Thị trường trái phiếu, hiện có 509 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.162 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân từ đầu năm đến cuối năm đạt 89.266 hợp đồng/phiên, tăng 13% so với bình quân giao dịch năm 2018. Với việc huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 đạt mức tăng 10,2% so với năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/12/2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Trong đó có 3.883 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2019 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018(1). Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu so với GDP từ 32% năm 2015 đến nay tăng lên xấp xỉ 80%, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với GDP tăng gần gấp hai lần, từ 3,4% năm 2015 lên 6,7%. Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ so với GDP cũng tăng từ 16,1% lên 27,4%. Thông qua thị trường vốn, doanh số cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước từ các NHTM, Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tuy diễn ra còn chậm so với yêu cầu nhưng cũng đã thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, thị trường vốn đã tạo nên kênh huy động vốn linh hoạt, trực tiếp, hiệu quả. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2019 đạt tới 53% (tăng 0,8% so với mức 52,2% tại thời điểm cuối năm 2018), tỷ lệ nắm giữ của các NHTM chỉ còn 47%. Vượt qua kỳ vọng của hầu hết các công ty chứng khoán và dự báo của nhiều chuyên gia.

Mô hình “Tài khoản Kho bạc duy nhất” nhằm quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả và góp phần thực hiện phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được chặt chẽ hơn. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) và các NHTM. Trong đó, bổ sung quy định kết chuyển toàn bộ số dư cuối ngày từ địa phương về trung ương và gửi tại NHNN VN. Mô hình này đã bám sát với các thông lệ tiên tiến trên thế giới. Số liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy tăng trưởng GDP cả năm đạt mức 7,02%, trong đó nhóm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm là một trong những động lực chính thúc đẩy mức tăng này (2).

Trên thị trường tín dụng ngân hàng, số liệu trong báo cáo được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và cả năm 2019 cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/12/2019 tăng 12,1% , là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn của các tổ chức tín dụng lần lượt tăng 12,1% và tăng 12,5% so với năm 2018. Vốn cung ứng từ hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được lan tỏa tới tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là các khu vực và ngành kinh tế cần khuyến khích phát triển, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề nợ xấu đã được giải quyết cơ bản, tỷ lệ nợ xấu giảm, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Năm 2019, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế đã dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp, theo đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% GDP. TTTC trong nước đã duy trì xu hướng tiếp tục giảm mạnh hệ số thâm dụng tín dụng, xuống mức dưới 1,7 lần (năm 2016 là 2,8 lần, năm 2017 là 1,94 lần). Nếu giai đoạn 2016-2017, dòng vốn tín dụng đóng góp tới 57% vốn đầu tư toàn xã hội, thì đến năm 2019 dòng vốn này chỉ còn khoảng 46% tổng vốn. Điều này cho thấy dòng vốn phi ngân hàng từ các khu vực tư nhân, chứng khoán, vốn FDI đã trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn. TTTC Việt Nam đến nay phát triển khá lành mạnh và an toàn với cơ cấu ngày càng hợp lý giữa các thị trường bộ phận cấu thành TTTC, bảo đảm tốt chức năng điều hòa và cung ứng vốn cho nền kinh tế phát triển.

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá khá ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp. Thanh khoản thị trường luôn được đảm bảo. Cán cân xuất nhập khẩu với độ mở rất rộng, cán cân thương mại năm 2019 đã thặng dư 9,9 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục với 516 tỷ USD. Cơ chế chống đôla hóa đã được tăng cường bởi Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/10/2019, các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài phải dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ ở nước ngoài ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh. Mọi hoạt động tín dụng ngoại tệ trong nước đều phải chuyển sang quan hệ mua - bán. Dòng đầu tư gián tiếp và mua cổ phiếu các NHTM lớn tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tăng mạnh cũng đã và sẽ tạo nguồn ngoại tệ dự trữ lớn. Các giao dịch ngoại tệ nhờ đó đã diễn ra suôn sẻ, tỷ giá ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời (3).

Năm 2019, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tính tới thời điểm cuối năm 2019, thị trường bảo hiểm có 66 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (DNBH - gồm 30 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH, 2 DN tái bảo hiểm và 16 DN môi giới BH) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Thị trường bảo hiểm bước vào năm 2019 đã phát triển mạnh mẽ cả 3 lĩnh vực: nhân thọ, phi nhân thọ và dịch vụ phụ trợ (tư vấn) bảo hiểm, tạo điều kiện cho TTTC phát triển bền vững, hiệu quả hơn nhờ phao bảo hiểm an toàn và sự tham gia TTTC của bản thân nguồn chi trả bảo hiểm tạm thời nhàn rỗi ở tất cả các lĩnh vực bảo hiểm. Theo đó, tổng tài sản trên thị trường bảo hiểm ước đạt 454.379 tỷ đồng, tăng 15,03% so với năm trước, trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 89.447 tỷ đồng và phi nhân thọ ước đạt 364.932 tỷ đồng. Các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 376.555 tỷ đồng, tăng 16,36% so với năm 2018. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 285.965 tỷ đồng, tăng 18,58%. Đặc biệt, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã đạt 160.180 tỷ đồng, tăng 20,54%, trong đó, DNBH phi nhân thọ ước đạt 52.387 tỷ đồng và nhân thọ đạt 107.793 tỷ đồng. Việc bổ sung hình thức hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới vào Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sửa đổi năm 2019 đã mở rộng cánh cửa thị trường bảo hiểm và các dịch vụ bảo hiểm cho tất cả các doanh nghiệp nội và ngoại kinh doanh trong ngành nghề này trên TTTC(4).

Vấn đề và xu hướng của TTTC:

Mặc dù cơ cấu TTTC nước ta đã có những dịch chuyển tích cực rất đáng ghi nhận, song về cơ bản vẫn còn nhiều dư địa cho thị trường vốn phi ngân hàng phát triển mạnh mẽ so với thị trường tiền tệ tín dụng. TTTC Việt Nam đang tồn tại sự mất cân đối khá lớn giữa hai khu vực thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Tỷ trọng tín dụng trên GDP hiện đã ở mức 1,34 lần, do đó cần được kiểm soát chặt chẽ và có lộ trình giảm dần.

Trong nhiều năm qua, hệ thống NHTM gần như đã phải thực hiện vai trò cung ứng vốn cho cả nền kinh tế, nên rất dễ tạo ra những rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản hệ thống trong trung và dài hạn. Hiện nay thị trường cổ phiếu dù đã cải thiện về quy mô nhưng nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chưa lớn. Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối ở nhiều DNNN sau CPH. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng chưa đáp ứng các chuẩn mực về minh bạch do chưa có tổ chức định mức xếp hạng. Quy mô thị trường TPDN Việt Nam mới đạt 7% GDP, chỉ bằng 1/3 mức bình quân của các quốc gia khu vực châu Á (21% GDP). Tổng tài sản hệ thống tài chính Việt Nam mới đạt khoảng 203% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia hàng đầu ASEAN (trên 300% GDP). Cơ sở hạ tầng TTTC Việt Nam còn nhiều hạn chế, như sản phẩm tài chính còn sơ khai, thiếu đa dạng; cơ sở nhà đầu tư tổ chức còn nhỏ; chất lượng cung cấp thông tin và minh bạch trên thị trường còn khoảng cách so với quốc tế; khung pháp lý về hoạt động của thị trường chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhưng xu hướng tới vẫn rất cần phải sàng lọc các dự án FDI không đạt hiệu quả kỳ vọng, thậm chí đã xuất hiện không ít những dự án “núp bóng” đầu tư, gây hệ lụy đến môi trường, xã hội. Căng thẳng thương mại vẫn đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, giá trị đồng tiền và tài sản. Bởi vậy, tương lai nền kinh tế Việt Nam sau 2019 sẽ trở nên khó lường hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới và cấu trúc TTTC trong nước.

Mặc dù vậy, cũng do diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách điều hành của Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) sẽ tiếp tục gây ra các tác động nhất định đến TTCK quốc tế, các nhà đầu tư có thể tiếp tục chuyển hướng quan tâm đầu tư sang các TTCK của các nền kinh tế mới nổi như đã diễn biến từ giữa năm 2018 đến nay. Nhờ đó, TTCK Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm các năm tiếp sau 2019. Từ phía nội tại, động lực tăng trưởng của thị trường sẽ vẫn được duy trì nhờ sự thoái vốn, đấu giá cổ phiếu IPO của NHTM, DNNN có quy mô vốn hóa lớn, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt và ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục phát triển khả quan trong những năm tiếp theo.  

Đề xuất giải pháp

Việc quan trọng nhất là phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng - Tăng trưởng bằng tổ chức sản xuất, bằng sáng tạo, bằng tổ chức mở rộng thị trường kèm với giảm tỷ lệ bán hàng thô "cây que củ quả, đất, rừng" ở khu vực kinh tế nội. Không chỉ cơ cấu lại nền kinh tế hàng hóa, mà TTTC cũng phải cơ cấu lại để căn bản khắc phục được sự mất cân đối khá lớn đang tồn tại giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ như lâu nay. Theo đó, thị trường vốn tuy có sự chuyển biến về tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế song còn rất nhỏ bé, vốn cung ứng từ tín dụng ngân hàng vẫn đang đóng vai trò chính. Hút đầu tư nhưng cần phải theo cơ cấu và chiến lược phát triển kinh tế hàng hóa của Việt Nam. Đối với những DNNN mà Nhà nước không cần nắm tỷ trọng lớn cổ phần sau CPH thì cần đẩy mạnh và tiếp tục thoái mạnh vốn cho các thành phần phi Nhà nước. Cương quyết không để có các loại dự án FDI/hay ODA tự biến thành những ốc đảo kinh tế ngoại đóng chốt trên đất nội kiểu "rào thép, khép kín và chuyển giá, trốn thuế, thuê công nhân giá rẻ...", mà Việt Nam cần phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững thành thương hiệu có danh giá của Việt Nam. Tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế. Đặc biệt, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thoái vốn của DNNN tạo môi trường tái cơ cấu mạnh mẽ cấu trúc nội tại của TTTC.  

TTTC Việt Nam năm 2019 đã đạt được những thành tựu mang tính bứt phá và kiến tạo nhiều kỷ lục ở xu hướng mới, thành tựu mới. Trong đó, sự dịch chuyển mạnh mẽ về cơ cấu giữa các thị trường bộ phận trong TTTC, giữa thu hút vốn FDI với thu hút vốn trong nước và sự phát triển an toàn, giảm mạnh rủi ro ở mọi thị trường cấu thành TTTC đã mở ra một diện mạo mới cho xu hướng phát triển đúng hướng của TTTC Việt Nam khi nền kinh tế  hội nhập ngày càng sâu, rộng vào thị trường toàn cầu.

Chú thích:

   (1) Báo Điện tử cổng thông tin Chính phủ ngày 31/12/2019 dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê

   (2) Báo mới ngày 31/12/2019 dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê

   (3) Thời báo tài chính điện tử ngày 30/12/2019

   (4)  Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 về thị trường Bảo hiểm ngày 27/12/2019. 

      Các văn bản Nhà nước khác như đã dẫn trong bài viết.

TS. Nguyễn Đại Lai