Điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV
Tin tức - Ngày đăng : 12:22, 06/02/2020
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết phiên thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…
Về công tác phòng chống dịch nCoV, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì Họp báo |
“Có thể nói, chúng ta đã thực hiện quyết liệt và tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các giải pháp là chủ động, toàn diện, mạnh mẽ. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của Nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt KT-XH như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch… Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động.. Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc"; Công văn 79-CV/TW của Ban Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch. Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành nhận diện đúng các khó khăn, thách thức, dự báo các tình huống có thể xảy ra; đề xuất và kiến nghị các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.
Các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020; Công điện số 156 ngày 02/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 733/VPCP-KTTH ngày 03/2/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu |
Trong công tác chống dịch có thể phát sinh những vấn đề liên quan đến đối ngoại, vì vậy cần phải thông tin kịp thời, xử lý phù hợp. Bộ Ngoại giao cần chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp phòng, chống dịch. Tinh thần là bảo đảm tối đa cho công tác phòng chống dịch bệnh của nước ta đồng thời hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các đối tác.
Theo tính toán của Bộ KH&ĐT nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quí I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trường hợp dịch Corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quí II là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ xác định: Việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đông thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng. Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm; trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường. Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh dịch hiện nay đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì biện pháp cách ly là hiệu quả để ngăn chặn, phòng chống dịch. Việt Nam đã thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng: Thứ nhất là các bệnh nhân nghi nhiễm bệnh cách ly tại các cơ sở y tế. Thứ hai là các công dân Việt Nam, người nước ngoài đi qua hoặc đi từ vùng Hồ Bắc về Việt Nam lập tức được cách ly ở các cơ sở tập trung do UBND tỉnh, thành phố chỉ định. Lực lượng quân đội đã chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung. Thứ ba là những người đi từ các vùng khác ở Trung Quốc về Việt Nam được cách ly tại gia đình. Theo yêu cầu đưa ra, việc cách ly trực tiếp do người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, còn ngành y tế nắm bắt tình hình, kiểm soát về chuyên môn hằng ngày.
Việc phòng chống dịch của Việt Nam chưa lần nào làm mạnh như lần này với nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Ban Bí thư cũng đã có các yêu cầu cấp uỷ thực hiện tốt việc này . Năm 2003 khi có dịch SARS chúng ta đã thành công trong chống dịch nhờ thực hiện cách ly tương tự. Lần này chúng ta làm sớm hơn 2003, nếu thực hiện cương quyết cách ly sẽ kiểm soát tốt hơn dịch nCoV trong thời gian tới.
Đến nay tại TP. Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất đã triệu tập một cá nhân để xử phạt tung tin sai sự thật về viêm đường hô hấp cấp, tại TPHCM, đang tiến hành xử lý 17 trường hợp, Thanh Hoá xử lý 3 đối tượng, Đà Nẵng xử lý 2 đối tượng. Quảng Ninh xử lý một trường hợp với mức phạt 7,5 triệu đồng. Cần Thơ cũng xử lý một cá nhân. Thái Nguyên đang xử lý 2 đối tượng. Những biện pháp của cơ quan chức năng không phải chỉ là tìm đối tượng tung thông tin giả xong xử lý, mà đối với các cá nhân tung thông tin giả ở nước ngoài và những trang tin tung thông tin giả phải gỡ những thông tin như vậy. Tuy nhiên, các mạng xã hội như Facebook hiện nay đã đăng tải những thông tin chính thống, như thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam. Google cũng đã xác nhận sẽ đẩy những thông tin chính thống về dịch cúm tại Việt Nam. Facebook cũng đã hỗ trợ gỡ tất cả những thông tin giả mạo về dịch cúm.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương vào cuộc đấu tranh, xử lý theo quy định. Hiện nay, đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết gỡ bỏ, căn cứ theo Khoản 3, Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và quy định trong việc loan tin đồn sai qua mạng đồng thời đang tiếp tục làm rõ với hơn 40 trường hợp không hợp tác.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 gói giải pháp rõ ràng: Thứ nhất trong bối cảnh dịch đang diễn ra thì tập trung ưu tiên vào các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch vì đây là thời điểm chúng ta cần dành sức lực, nguồn lực kiểm soát dịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị gói giải pháp thứ 2 là giải pháp khắc phục thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lực có bao nhiêu và hỗ trợ đối tượng nào.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch nCoV thì trong 3 phiên đầu năm, VNIndex giảm đến 60 điểm và hàng chục tỷ đô la giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã “bốc hơi”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý ngày 30 và 31/1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh, mất gần 45 điểm, tương đương 4,54 %. Đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng sau kỳ nghỉ Tết dài thì giao dịch tương tự như các nước khác trong khu vực và cũng có thể phần nào có ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh trong những ngày đầu tiên. Mức giảm của TTCK Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh. Tính chung trong hai tuần cuối tháng 1 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của các TTCK châu Á khá mạnh, như Hong Kong giảm 9,4 %, Hàn Quốc giảm 5,8 %, Thái Lan 5,4 %. Bắt đầu từ tháng 2, TTCK Việt Nam đã thu hẹp đà giảm. Tính chung 2 phiên đầu tháng 2, chỉ số VNIndex chỉ giảm có 0,8%, đứng ở mức 929 điểm. Riêng ngày 4/2, sắc xanh đã quay trở lại khi thị trường quay đầu trong phiên giao dịch buổi chiều và tăng 0,95 điểm so với ngày hôm trước. Trước tình hình chứng khoán giảm điểm như vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCK Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Lãnh đạo UBCK Nhà nước cũng đã phát biểu trên truyền hinh và các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời UBCK đã yêu cầu yêu Sở Giao dịch Chứng khoán, các công ty chứng khoán báo cáo hằng ngày về giao dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường, chống hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán. Với các giải pháp nêu trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài ba ngày qua cũng đã phục hồi trở lại và có xu hướng tăng điểm.
Đối với những giải pháp trong ngắn hạn, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, chủ động theo dõi diễn biến của thị trường quốc tế, diễn biến của TTCK trong nước hằng ngày, yêu cầu hai Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn. Yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí để dư luận nắm bắt, hiểu đúng tình hình và không bị tác động về tâm lý.
Đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí tham dự Họp báo |
Với tình hình dịch diễn biến phức tạp tới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết quan điểm của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, đầu tiên là đặt mục tiêu sức khoẻ của người học lên trên hết. Theo tinh thần của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, quan điểm của Bộ là xuất phát từ tình hình dịch và đề xuất của các Sở GD&ĐT, Sở Y tế để quyết định cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm sức khoẻ. Về việc này, 63/63 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học. Quan trọng nhất là nhận thức của giáo viên trong toàn ngành về phòng dịch. Bên cạnh đó, trong thời gian này, các cơ sở giáo dục sẽ có điều kiện vệ sinh sạch sẽ trường, lớp, tăng cường các thiết bị y tế, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Các cơ sở giáo dục cũng sẽ có điều kiện xây dựng các phương án phòng chống dịch trực tiếp tại trường như phải rửa tay trước khi vào lớp, học sinh đeo khẩu trang trước khi đến trường…Về kế hoạch nghỉ học, trong kế hoạch năm học Bộ GD&ĐT cũng đã dự kiến có 1 tuần lễ trong 1 học kỳ có thể cho học sinh nghỉ học trong trường hợp cần thiết. Học sinh có thể học bù vào buổi sáng nếu học sinh học buổi chiều hoặc học vào thứ bảy, chủ nhật.
Trong trường hợp phải nghỉ học kéo dài, Bộ có thể điều chỉnh khung thời gian năm học, cụ thể là thời gian quy định kết thúc năm học là 31/5 thì có thể kết thúc năm học muộn hơn và có thể điều chỉnh thời gian tổ chức thi THPT Quốc gia, thường là cuối tháng 6. Tinh thần học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo chương trình giáo dục đào tạo, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh.