Toàn ngành Ngân hàng đồng hành cùng Chính phủ và người dân quyết liệt phòng, chống dịch nCoV
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 16:05, 06/02/2020
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh những nội dung nêu trên tại Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp tổ chức sáng ngày 6/2/2020 tại Trụ sở NHNN.
Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cục, vụ liên quan của NHNN như Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Dự báo Thống kê, Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Truyền thông và Văn phòng NHNN… cùng đại diện lãnh đạo của 21 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn đối với nền kinh tế.
NHNN quyết liệt chỉ đạo, điều hành chống dịch nCoV
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì hội nghị. Ảnh: Tạ Dũng |
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, bám sát chỉ đạo của Ban Bí Thư và Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/2/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV.
NHNN yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung đáng chú ý như: Các tổ chức tín dụng, cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.
Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu,... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay,… theo quy định pháp luật hiện hành. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch nCoV, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Phối hợp với các sở, ban, ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố và NHNN để được xem xét, xử lý.
Trước đó, ngày 31/1/2020, Thống đốc NHNN cũng đã có văn bản số 479/NHNN-VP yêu cầu các đơn vị trong ban toàn ngành Ngân hàng triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng triển khai một số nội dung như: Các đơn vị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ trong đơn vị mình nâng cao nhận thức và coi trọng việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại văn bản số 79-CV/TW ngày 29/01/2020, của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 và các văn bản có liên quan khác.
Thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin, diễn biến liên quan từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra; từ Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương để triển khai ngay những biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn.
Cùng với đó, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong đơn vị mình như: đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… tại trụ sở cơ quan, nơi làm việc; hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ người lao động trong đơn vị mình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như cung cấp và sử dụng khẩu trang, dung dịch rửa tay…
Đặc biệt, đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ nay cho đến khi thông báo hết dịch của cơ quan chức năng, triển khai các biện pháp liên quan đến hoạt động giao dịch với khách hàng như sau:
Không yêu cầu khách hàng đến giao dịch phải tháo bỏ khẩu trang trước khi vào trụ sở như NHNN đã quy định tại văn bản số 7777/NHNN-PHKQ ngày 16/10/2018 về việc tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm cướp tiền tại ngân hàng, đảm bảo an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt. Tuy nhiên, vẫn phải tăng cường các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền để bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong giao dịch và trong kho tiền; ngăn chặn các trường hợp lợi dụng dể gây mất an ninh, an toàn khi giao dịch.
Đối với các giao dịch/hoạt động bắt buộc phải nhận diện khách hàng, nhân viên ngân hàng đề nghị khách hàng tạm thời tháo bỏ khẩu trang để nhận diện. Sau khi hoàn thành thủ tục, khách hàng tiếp tục đeo khẩu trang (nếu có nhu cầu) trong quá trình giao dịch.
Nhân viên ngân hàng có thể sử dụng khẩu trang khi thực hiện giao dịch, tiếp xúc với khách hàng nếu cần thiết.
Sẵn sàng đảm bảo cung cấp đầy đủ vốn cho nhu cầu của nền kinh tế
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN - phát biểu tại hội nghị. Ảnh Tạ Dũng |
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN - cho biết: Phân tích tình hình sơ bộ đến thời điểm hiện nay cho thấy, dịch cúm có tác động tới các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Hoạt động kinh tế trong nhiều lĩnh vực bị gián đoạn trên diện rộng. Chịu ảnh hưởng đặc biệt là ngành dịch vụ khách sạn, ăn uống, vận tải, du lịch, sản xuất nuôi trồng chế biến nông sản… Một số ngành chịu tác động 2 chiều như dệt may, da giày, logistic…. Một số ngành hưởng lợi như dược phẩm, vật tư y tế, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…. Từ những phân tích đó ông Hùng cho rằng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% trong năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức. Dự báo tình hình cho thấy dịch cúm còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân từ đó ảnh hưởng tới việc đi vay và trả nợ ngân hàng. NHNN cũng đã có văn bản chỉ đạo, có giải pháp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị các NHTM theo dõi nắm bắt sát sao đồng thời chỉ đạo chi nhánh nắm bắt những vướng mắc từ thực tế hoạt động để báo cáo lại cơ quan quản lý có giải pháp phù hợp trình Chính phủ.
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - cho hay thanh khoản thị trường từ đầu năm tới nay diễn biến tốt. Lãi suất liên ngân hàng ổn định. Có xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay ở một số tổ chức tín dụng. Thị trường ngoại tệ ổn định. NHNN đã, đang và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản nếu có yêu cầu.
Về phần mình, đại diện lãnh đạo các NHTM cũng đã lên tiếng thể hiện rõ việc tuân thủ chỉ đạo của cấp trên và tùy vào tình hình, đặc thù riêng để có những giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp.
Đại diện Agribank phát biểu tại hội nghị. Ảnh Tạ Dũng |
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: Công tác triển khai phòng, chống dịch đã được sớm thực hiện trong hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng. Do thường xuyên tiếp xúc với khách hàng nên việc phòng chống dịch bệnh cho cả khách hàng và giao dịch viên được ngân hàng hết sức coi trọng và quan tâm để đảm bảo ổn định, không gây gián đoạn hoạt động. Bộ phận thu ngân (tiếp xúc nhiều với tiền mặt) cũng đã được tăng cường trang bị bảo hộ lao động, các vật dụng cần thiết giúp đảm bảo an toàn khi thực thi công việc.
Đối với hoạt động cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, hiện thiệt hại chưa thể đánh giá được cụ thể, tuy nhiên ngân hàng đang bám sát diễn biến dịch để có thể nhận diện kịp thời được những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đợt dịch ở các mức độ khác nhau. Agribank cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật. Hiện thanh khoản của ngân hàng rất dồi dào và sẵn sàng để cung cấp cho nền kinh tế.
Theo đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kể từ ngày 31/1/2020, ngân hàng này đã triển khai phát khẩu trang cho cán bộ trực tiếp giao dịch khách hàng, khách hàng tới giao dịch, vận động cán bộ nghi ngờ có biểu hiện đi khám bệnh….
Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết ngân hàng đã và đang từng bước thực hiện rà soát và nhận diện các khách hàng đã và sẽ phải chịu ảnh hưởng của dịch nCoV để có các phương án ưu đãi lãi suất, giảm, giãn nợ phù hợp.
Đại diện tới từ các ngân hàng: MB, ACB, LienVietPostBank, BacA Bank, SHB, Eximbank… cũng đều khẳng định công tác phòng, chống dịch nCoV đã được triển khai nghiêm túc ở đơn vị mình, đặc biệt chú trọng ở những bộ phận có nguy cơ bị lây nhiễm cao như giao dịch, kiểm đếm. Công tác đánh giá ảnh hưởng sơ bộ cũng đã được thực hiện.
Ý kiến chung của các ngân hàng cho rằng cần theo dõi diễn biến tình hình để nhìn nhận đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các lĩnh vực ngành nghề, tránh tình trạng trục lợi từ chính sách ưu đãi. NHNN sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể về việc giãn nợ, giảm nợ, cơ cấu lại nợ đã chỉ đạo theo đúng quy định của pháp luật.
Triển khai ngay những nhiệm vụ cụ thể
Trong chỉ đạo chung tổng kết hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh ngành Ngân hàng cần tăng cường nhận thức trách nhiệm trong việc phòng, chống, hạn chế tác động của dịch bệnh; Kịp thời chủ động, tiếp thu nắm bắt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia và các địa phương…., các bộ ngành chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công an. Có sự phối hợp nhịp nhàng với các địa phương, cơ sở; Các phòng giao dịch đảm bảo hoạt động bình thường, không để gián đoạn ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng; Nhắc nhở cán bộ không hùa theo thông tin trái chiều bất lợi; Tiếp tục triển khai nghiêm túc đầy đủ, kịp thời quyết liệt nhiệm vụ Chỉ thị 01 tại các đơn vị trong toàn ngành.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Tạ Dũng |
Đối với các đơn vị cục, vụ, chi nhánh thuộc NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu: Cần chủ động nắm bắt tình hình, dự báo tác động, kịp thời phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn của năm nay để tham mưu cho ban lãnh đạo NHNN; Vụ Chính sách Tiền tệ, Cơ quan Thanh tra Giám sát và Vụ Tín dụng nghiên cứu ngay nội dung liên quan đến việc chỉ đạo các NHTM thực hiện cơ cấu giãn nợ, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ đối với lĩnh vực chịu tác động của dịch bệnh như du lịch, giao thông vận tải, dịch vụ. Việc đánh giá thực hiện khách quan trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng đảm bảo tránh lợi dụng chính sách thu lợi bất chính làm méo mó thị trường tín dụng.
Phó Thống đốc Thường trực cũng khẳng định NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng vì vậy quán triệt các ngân hàng không tăng lãi suất, kể cả huy động và cho vay. NHNN sẵn sàng điều chỉnh lãi suất hỗ trợ các NHTM cũng là cách gián tiếp hỗ trợ người dân.
Đơn vị thanh tra giám sát an toàn hệ thống làm tốt chức năng của mình đồng thời sẵn sàng nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, NHTM để có đề xuất giải pháp phù hợp.
Đối với tổ chức tín dụng Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú yêu cầu triển khai hoạt động theo đúng Chỉ thị 01 của Thống đốc; Triển khai nhiệm vụ 2020 theo đúng nhiệm vụ, kế hoạch đã được HĐQT, ban điều hành đã xác định; Rà soát đánh giá chính xác đối tượng khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như nhà hàng, khách sạn, du lịch, bà con nông dân… trên cơ sở quan điểm chia sẻ và đồng hành.
“Doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn thì ngành ngân hàng mới khoẻ mạnh”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nói.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Thường trực cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng những kịch bản ứng xử và giải pháp hỗ trợ cụ thể (chương trình hành động) phù hợp chủ trương định hướng hoạt động của ngân hàng mình gửi NHNN trước ngày 12/2/202, trong đó bao gồm một số nội dung như: (i) Cơ cấu lại nợ, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi, cho vay mới để có điều kiện khắc phục nuôi trồng mới, hoãn trả lãi… trong thẩm quyền. (ii) Lãi suất theo tinh thần giảm phải được thông tin rộng rãi cho khách hàng. Đây là những cơ hội để thể hiện năng lực, thương hiệu, cũng như trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, người dân.
Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng cần đảm bảo nghiêm túc cho vay ưu tiên. NHTM cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Bảo đảm các điều kiện cần thiết hỗ trợ khách hàng giao dịch trực tiếp với tại trụ sở ngân hàng thuận tiện, an toàn, hỗ trợ nhân viên và khách hàng phòng chống tốt dịch nCoV.