Điều hành giảm lãi suất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019 - dự báo năm 2020

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 11:08, 18/02/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết điểm lại những nét nổi bật về chính sách lãi suất trong năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đưa ra dự báo về việc điều hành lãi suất trong năm 2020

Tóm tắt: Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, lãi suất (LS) là công cụ quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đồng thời lãi suất cũng thể hiện diễn biến của thị trường tiền tệ, tác động đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại (NHTM), nhu cầu vốn đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, của các hộ gia đình và cá nhân. Bài viết điểm lại những nét nổi bật về chính sách lãi suất trong năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đưa ra dự báo về việc điều hành lãi suất trong năm 2020

Từ khóa: lãi suất, thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Giảm lãi suất theo xu hướng chung

Để chống suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng, trong năm 2019, có tới 29 NHTW các nước cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất cơ bản.

Tháng 8/2019, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt  giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008-2009, với mức giảm 0,25%. Sau đó, FED còn hạ lãi suất thêm 2 lần nữa, vào tháng 9 và tháng 10. Thời điểm cuối năm, lãi suất xuống mức 1,5 - 1,75%/năm. Trước, đó, trong năm 2018, FED  đã có tới 4 lần tăng lãi suất để thu hẹp cung tiền nhằm tránh cho nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và có thể dẫn tới bong bóng giá trị của các loại tài sản như bất động sản hay chứng khoán.  Tuy vậy, trong cuộc họp chính sách tháng 12/2019, FED giữ nguyên lãi suất và ra tín hiệu sẽ không điều chỉnh trong năm 2020.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định cắt giảm lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống mức thấp kỉ lục mới -0,5%. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Trung ương nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines,…cũng đã có những động thái cắt giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong khoảng thời gian những năm gần đây (2012-2018), cũng như năm 2019, NHNN Việt Nam đã đạt được những thành công lớn về thực hiện mục tiêu trung gian trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đó là lãi suất giảm dần và ổn định, tác động tích cực đa chiều đến nền kinh tế, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các NHTM, mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế.

Trong năm 2019, với mục tiêu điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, NHNN đã có nhiều động thái với nỗ lực kiểm soát lãi suất nhằm giữ tính ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng, cũng như định hướng giảm lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tham khảo diễn biến lãi suất huy động vốn giữa các tháng trong năm 2019 của các nhóm Ngân hàng thương mại ở hình vẽ dưới đây:

Lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng

Nguồn: Bloombertg, NHNN

 

Diễn biến lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng

Nguồn: SSI tổng hợp

Tháng 8/2019, NHNN có công văn cảnh báo các NHTM có lãi suất huy động cao làm tiềm ẩn rủi ro cho sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống TCTD và yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngày 8/1/2019, nhằm duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý.

Trong tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định cắt giảm lãi suất điều hành 0,25%/năm với các mức lãi suất điều hành gồm: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm kể từ năm 2017, NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành. Việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng có động thái tương tự. Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19/11/2019.

Theo Quyết định số 2415, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Đây là lần đầu tiên lãi suất huy động được điều chỉnh giảm sau khi duy trì sự ổn định từ tháng 3/2014 đến nay. Việc hạ trần lãi suất huy động là một trong những giải pháp để các ngân hàng thương mại hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Đây cũng được xem là một động thái nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN. Quyết định này được xem là phù hợp với xu hướng chung mà ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang thực hiện nhằm giữ cho nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng.

Quyết định số 2416/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 3 lần hạ lãi suất phát hành tín phiếu NHNN từ mức 3% xuống còn 2,25%/năm. Nhìn lại quá trình điều hành theo hướng giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế diễn ra của năm 2019 có thể thấy: Đây là điều hành quyết liệt của NHNN khi áp dụng công cụ chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%, ổn định kinh tế vĩ mô đặc biệt khi tình hình thanh khoản chung của toàn hệ thống ngân hàng hiện rất tốt nhưng mặt bằng lãi suất thị trường 1 không hạ xuống như kỳ vọng.

Hạ lãi suất dự trữ bắt buộc

Cùng với các biện pháp điều hành công cụ lãi suất như trên, từ cuối tháng 11/2019, NHNN cũng quyết định hạ lãi suất dự trữ bắt buộc, cùng với đợt giảm lãi suất huy động cho vay trước đó cho thấy, NHNN điều hành nới lỏng chính sách tiền tệ có mức độ nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, trong khi lạm phát đang được kiềm chế. 

Theo đó, từ ngày 1/12/2019,  lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng giảm về mức 0,8%/ năm và tiếp tục không trả lãi đối với khoản tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND. Điều này có ảnh hưởng, nhưng không đáng kể tới lợi nhuận của các NHTM bởi vì tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ 3%. Với tiền gửi ngoại tệ, NHNN tiếp tục không tính lãi đối với khoản dự trữ bắt buộc, còn lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc là 0,05%/năm.

Bên cạnh đó, NHNN quy định mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%/năm.

Mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước, với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 0,8%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giảm từ 0,5% xuống 0,05%/năm.

Theo số liệu của NHNN, tính đến tháng 9/2019 có khoảng gần 3,65 triệu tỷ đồng tiền gửi của tổ chức kinh tế và 4,77 triệu tỷ đồng tiền gửi của khu vực dân cư. Trong đó, 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank chiếm 40% tiền gửi toàn hệ thống. Như vậy tổng tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD tại NHNN vào khoảng 240.000 tỷ đồng và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc mà NHNN trả cho các TCTD vào khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Hoàn thiện công cụ cho vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng

Để nâng cao hiệu quả điều hành công cụ lãi suất, giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, NHNN cũng không ngừng hoàn thiện  công cụ cho vay tái cấp vốn. Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với tổ chức tín dụng. Với thông tư này, các tổ chức tín dụng có thêm một kênh khá thuận lợi, với các điều kiện và cơ chế rõ ràng, có điều kiện và cơ sở thuận lợi để tái tạo nguồn vốn. Bởi vì, từ trước đến nay, các tổ chức tín dụng thường tiếp cận nguồn vốn của NHNN qua kênh tái cấp vốn trên cơ sở giấy tờ có giá, hoặc qua trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hoặc trường hợp đặc biệt theo dự án chương trình nào đó Chính phủ chỉ định… Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tổ chức tín dụng nào cũng có nhiều giấy tờ có giá để có thể tiếp cận nguồn tái cấp vốn từ NHNN, cũng như qua kênh thị trường mở (OMO) một cách thuận lợi. Với  Thông tư 24, quy định hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng , đây là cơ sở và nền tảng mà các tổ chức tín dụng luôn sẵn có.

Thông tư 24 quy định chi tiết điều kiện, mức độ, hạn mức, lãi suất, quy trình… về cơ chế cho vay tái cấp vốn này. Đáng chú ý, việc cho vay ở kênh tái cấp vốn này nhằm hỗ trợ thanh khoản tổ chức tín dụng, hỗ trợ nguồn cho vay ngành, lĩnh vực khuyến khích hỗ trợ phát triển, với thời hạn dưới 12 tháng, theo lãi suất tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước quy định tại các thời kỳ.

Bên cạnh đó, vay tái cấp vốn, gia hạn vay tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng quy định tại Thông tư này được áp dụng với những khoản cho vay bằng đồng Việt Nam, có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ giá trị khoản cho vay và được phân loại nợ vào nhóm 1 của tổ chức tín dụng. Nói cách khác, khi tổ chức tín dụng nào đó hạn chế về giấy tờ có giá để vay tái cập vốn từ NHNN như hiện nay, thì có thể dùng các khoản cho vay hiện có thuộc nhóm 1 (không phải nợ quá hạn), có tài sản đảm bảo và khoản nợ đó không thuộc ngành, lĩnh vực mà Chính phủ, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng hạn chế, kiểm soát tín dụng trong từng thời kỳ để đăng ký vay tái cấp vốn.

Hạn mức cho vay tái cấp vốn qua hình thức này là đáng kể, có thể được tới 60% tổng dư nợ gốc của các khoản cho vay trong bảng kê hồ sơ tín dụng để tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn. Quy định là vậy, cơ sở để tạo điều kiện ở đây là nguồn các khoản cho vay tổ chức tín dụng đang có, quy mô lớn, nhưng NHNN sẽ xem xét tùy thời điểm, trường hợp… Tổ chức tín dụng đó phải đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động, không thuộc diện được kiểm soát đặc biệt.

Thông thường, NHNN hỗ trợ nguồn qua cho vay cầm cố trên thị trường mở (OMO), hoặc qua tái cấp vốn có điều kiện chặt chẽ về tài sản, hoặc qua các đợt tạo cung ứng khi mua ròng ngoại tệ…, còn trường hợp qua hạ dự trữ bắt buộc thì gần như không mở trong nhiều năm qua. Nhưng hiện nay với quy định mới, kênh tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng là một kênh khắc phục được hạn chế tài sản giấy tờ có giá tại những tổ chức tín dụng nào đó cần tái tạo nguồn.

Đề xuất giải pháp cho giai đoạn tới

Một số dự báo quốc tế cho rằng, trong năm 2020, thậm chí là năm 2021 FED sẽ tiếp tục giữ ổn định lãi suất chủ đạo đồng USD, giá dầu mỏ và thị trường chứng khoán tiếp tục có những diễn biến bất thường. Điều đó ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu cũng như sự biến động của các ngoại tệ chủ chốt và Nhân dân tệ. Tình hình đó tác động lớn đến điều hành lãi suất và tỷ giá của Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam tiếp tục ổn định, riêng lãi suất huy động vốn và cho vay bằng nội tệ trong năm 2020 sẽ giảm nhẹ so với năm 2019. Một số dự báo về việc điều hành lãi suất được đưa như sau:

Một là, NHNN sẽ tiếp tục kiên trì điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, có định hướng chuyển dần sang điều hành gián tiếp 2 công cụ này theo một lộ trình phù hợp trong sự kết hợp chặt chẽ với các công cụ khác của chính sách tiền tệ, như: cho vay tái cấp vốn, cho vay tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở,…

Hai là, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục chủ trương hướng vốn tín dụng của các NHTM đến các lĩnh vực cần ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu,… tạo tiền đề cho tái cơ cấu TCTD thực hiện có hiệu quả và đúng kế hoạch. Đồng thời giám sát đảm bảo lộ trình thực hiện nghiêm các quy định  về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, chủ động phòng ngừa rủi ro dòng vốn tín dụng của các NHTM cho vay lĩnh vực bất động sản, tạo tiền đề cho ổn định lãi suất và tỷ giá.

Ba là, giữa các NHTM tiếp tục tăng cường sự phối hợp hơn nữa trong các hoạt động kinh doanh tiền tệ, không chạy đua tăng lãi suất, tiếp tục tăng niềm tin trong hoạt động cho vay và đi vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng. NHNN cũng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát, xử phạt trong lĩnh vực này.

Bốn là, NHNN tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu NHTM theo kế hoạch đề ra. Các NHTM yếu, quy mô nhỏ thường phải tăng lãi suất nếu muốn huy động trên thị trường. Do đó nếu thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu NHTM sẽ hạn chế việc tăng lãi suất của các NHTM yếu.

Năm là, các NHTM tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, đặc biệt là quản trị thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá, kèm theo đó là quyết liệt trong xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường.

Tài liệu tham khảo:

www.sbv.gov.vn

www.gso.gov.vn

http://www.ssi.com.vn

www://bloomberg.com

Trang web của một số NHTM khác

ThS. Phạm Thị Phương Thảo