Thị trường tài chính Việt Nam đầu năm 2020 và những giải pháp đề xuất
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 11:31, 20/02/2020
Tóm tắt: Mặc dù kinh tế thế giới năm 2019 đã tăng trưởng chậm lại bởi các cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Nhật Bản - Hàn Quốc và cuộc chiến cam go đi hay ở của Anh trong EU... nhưng khép lại năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng ngoạn mục nhờ các yếu tố hỗ trợ tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ việc tháo gỡ các rào cản về thể chế, chính sách cũ, từ sự ra đời kịp thời các cơ chế hợp lý mới thúc đẩy khối kinh tế tư nhân nói riêng và nội lực nền kinh tế nói chung cùng phát triển. Tuy nhiên, năm 2020, bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra khá nhiều thách thức với nền kinh tế, trong đó có cả những vấn đề đối với thị trường tài chính (TTTC). Bài viết tóm lược một số nét nổi bật của TTTC thời gian gần đây và đưa ra một số giải pháp đề xuất.
Từ khóa: thị trường tài chính, nền kinh tế, Việt Nam
Ghi nhận từ những con số
Về kinh tế vĩ mô, năm 2019, GDP đã xác lập năm thứ 2 liên tiếp tăng trên 7% kể từ 2011, với mức tăng 7,02%. Lạm phát thấp, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục với 138.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới kèm tổng số vốn hơn 1,73 triệu tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp và vốn mới lần lượt tăng 5,2% và 17,1% so với năm 2018. Ước tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động so với mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020. Để khuyến khích sự ra đời và phát triển của các DN mới, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh(1). Trong 3 thị trường chính của nền kinh tế gồm: thị trường lao động, thị trường hàng hóa, và TTTC thì riêng TTTC đã có tiềm năng khá lớn, chiếm tới 323% GDP. Với quy mô này, TTTC năm 2019 đã phát huy được năng lực phát triển tích cực hơn các năm trước, đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế đất nước. Trong đó chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn, giảm bớt phát hành trái phiếu lãng phí, lượng cung tiền rất chủ động, đảm bảo mức lạm phát 2,73%. Mô hình “Tài khoản Kho bạc duy nhất” theo Thông tư số 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được triển khai từ cuối năm 2019 đã gắn kết việc quản lý thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo thông lệ quốc tế.
Về chất lượng tín dụng tại thời điểm kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng đã giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn và nợ xấu nằm ở VAMC vẫn chỉ khoảng 4,6%. Theo đó, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% để tăng vốn an toàn vào nền kinh tế năm 2020 là tương đối khả thi.
Về thị trường cổ phiếu, năm 2019, cổ phiếu nhóm công nghệ và viễn thông có diễn biến tốt nhất trên sàn chứng khoán khi tăng tới 36,7%, cổ phiếu thuộc lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm cũng tăng 20%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2019 đạt tới 38 tỷ USD, tăng 8,1% so năm 2018, bao gồm vốn đăng ký cấp mới 16,7 tỷ USD, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,5 tỷ USD, vốn điều chỉnh 5,8 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký được cấp phép mới, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký cấp mới, góp phần tạo nên tiềm lực tài chính lớn cho năm 2020. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/1/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) từ đầu năm 2020 đạt 5,33 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cả nước có 258 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% về số dự án được cấp mới. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 4,46 tỷ USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong tháng 1/2020, cả nước có 884 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp 534,8 triệu USD, bằng 70,2% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 213,38 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Trong tháng 1/2020, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu, với tổng số vốn đạt 4,04 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với 856,3 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 119 triệu USD và 118,2 triệu USD(2).
Thị trường bảo hiểm từ năm 2019 đã phát triển mạnh mẽ cả 3 lĩnh vực: nhân thọ, phi nhân thọ và dịch vụ phụ trợ (tư vấn) bảo hiểm, tạo điều kiện cho TTTC phát triển bền vững, hiệu quả hơn nhờ phao bảo hiểm an toàn và sự tham gia TTTC của bản thân nguồn chi trả bảo hiểm tạm thời nhàn rỗi. Theo đó, tổng tài sản trên thị trường bảo hiểm ước đạt 454.379 tỷ đồng, tăng 15,03% so với năm trước, trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 89.447 tỷ đồng và phi nhân thọ ước đạt 364.932 tỷ đồng.
Thách thức trong năm 2020
Vấn đề chống dịch virus corona (COVID-19), cùng nhiều cuộc khủng hoảng đồng thời khác trên thế giới đang tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó có các cuộc chiến thương mại, các cuộc chiến tranh chính trị, quân sự nóng ở Trung Đông, việc nước Anh đã rời khỏi Liên minh EU…vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và mới ở giai đoạn đầu với sự tác động còn rất lớn. Bàn về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020, hàng loạt tổ chức quốc tế như WTO, IMF, World Bank, ADB dự báo mức tăng trưởng bình quân chỉ ở mức 2,9 - 3,0%. Với nền kinh tế trong nước, dù tiềm năng vốn là rất tốt nhưng bản thân TTTC Việt Nam cũng đang phải đối diện với các tình huống phức tạp ở đầu ra trong bài toán hiệu quả cho tiềm năng của nó.
Theo Tổng cục Hải quan, trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 1/2020 tính sơ bộ đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4 % so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2019. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên của năm 2020 đã bị thâm hụt 232 triệu USD. Riêng với thị trường Trung Quốc, tổng trị giá xuất nhập khẩu trong tháng 1 chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12/2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.
Trong bối cảnh nói trên, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện giảm lãi vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19. Nhiều NHTM đã vào cuộc đối phó như cơ cấu thời hạn trả nợ, khoanh vùng khách hàng, giảm lãi vay… Tổng giám đốc Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh có giải pháp tín dụng cụ thể hỗ trợ các khách hàng chịu thiệt hại của dịch. VietinBank cũng đã có đánh giá sơ bộ về thiệt hại của dịch bệnh gây ra, đồng thời rà soát lại và nắm bắt cụ thể để điều chỉnh khi có diễn biến mới. Đại diện nhiều ngân hàng khác như VPBank, Vietcombank, Eximbank, Kienlongbank… cũng khẳng định cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch COVID - 19 đang diễn biến phức tạp từ đầu năm.
Đề xuất giải pháp
Đứng trước những thách thức hiện tại và đáp ứng quy luật phát triển bền vững, lâu dài Việt Nam cần tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, sau đó phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu từng lĩnh vực, từng ngành theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, kết nối chuỗi giá trị và ít phụ thuộc vào khu vực FDI, ODA để nâng cao khả năng chống và thích ứng của nền kinh tế với các biến động từ bên ngoài. Theo đó, nền kinh tế ngày càng phải đi theo hướng sản xuất thông minh, bền vững, hiệu quả. Cần khơi dậy nội lực trong nước, lấy nội lực là cầu và cung chủ đạo, quan trọng nhất trong việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động quốc tế. Cần có chính sách đồng bộ, ổn định có nội hàm khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất bằng công nghệ tiên tiến trên thế giới tại Việt Nam.
Nền kinh tế năm 2020 đang và sẽ còn gặp nhiều thử thách hơn năm 2019, vì thế ngành Ngân hàng cần tiếp tục thiết kế một chính sách tiền tệ linh hoạt, có đường dẫn là giải pháp cấp thiết. Trong đó việc tìm đối tượng giảm lãi suất, dùng các gói hỗ trợ của NHNN đối với một số đối tượng của nền kinh tế là rất cần thiết.
Năm 2020 là mốc thời gian có ý nghĩa lớn với hệ thống ngân hàng, khi kết thúc giai đoạn tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, 100% NHTM cổ phần phải hoàn thành thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán (TTCK). Tiềm năng của TTTC dù là rất lớn, nhưng đến thời điểm đầu năm 2020 nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn đang căn bản còn dựa vào ngành Ngân hàng. Mặc dù tín dụng 2019 chỉ tăng 13,7%, là mức tăng trưởng tương đối tích cực, nhưng đến năm 2020 vẫn phải điều chỉnh giảm dần tốc độ tăng này, để giảm tổng lượng tín dụng đang chiếm tới 135% GDP, là mức cao trong cơ cấu TTTC và cao so với quy mô nền kinh tế.
Năm 2020 cũng là năm quan trọng của TTCK. Theo đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu quy mô TTCK phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Bước vào kỷ nguyên 4.0, Chính phủ cần có chính sách cho phép TTCK chấp nhận áp dụng chữ ký số, hồ sơ điện tử, ví điện tử để giao dịch thanh toán tức thời và giá chứng khoán theo thời gian thực. Đối với một số lĩnh vực đang được coi là mới nổi, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân như hàng không, du lịch, năng lượng tái tạo, giáo dục, đào tạo...thì 2020 phải là năm cần được khuyến khích để bước vào giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ. Quy mô và điểm số của TTCK cần phải tiếp tục tăng trong năm 2020. Trong tăng trưởng của TTCK cần có sự phân hóa và chọn lọc đúng xu hướng phát triển của nền kinh tế thời đại công nghiệp mới.
Chú thích:
(1) Tạp Chí VnExpress điện tử 30/12/2019
(2) Tạp Chí điện tử NH 31/1/2020