32 ngân hàng tham gia chương trình miễn, giảm phí giao dịch giá trị nhỏ qua NAPAS

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 11:20, 05/03/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau hơn một tuần hưởng ứng chương trình miễn/giảm phí dịch vụ chuyển mạch của NHNN, đến ngày 4/3/2020 đã có thêm 15 ngân hàng tham gia chương trình miễn/giảm phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, nâng tổng số ngân hàng tham gia miễn/giảm phí lên 32/45 ngân hàng thành viên NAPAS.

Theo dữ liệu thống kê từ NAPAS, số lượng giao dịch của 32 ngân hàng miễn/giảm phí chiếm 98% tổng số lượng giao dịch toàn hệ thống. Việc giảm phí dịch vụ của NAPAS là tiền đề để cả hệ thống Ngân hàng thực hiện chương trình miễn/giảm phí dịch cho người dân, doanh nghiệp.    

 

Trong số 15 ngân hàng tiếp theo giảm phí dịch vụ, 5 ngân hàng áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống, gồm: MSB miễn phí từ ngày 2/3/2020, BaoViet Bank miễn phí từ ngày 1/4/2020, VIB miễn phí từ ngày 14/3 đến 31/12/2020.

Riêng Nam A Bank và IVB triển khai đồng thời hai chương trình miễn/giảm phí, cụ thể, từ ngày 5/3/2020 Nam A Bank miễn phí giao dịch trên các kênh internet banking, mobile banking và ATM, tại kênh quầy áp dụng mức thu 2.000 đồng/giao dịch. Trong khi đó, IVB miễn thu khách hàng từ ngày 4/3 đến 5/5/2020, sau thời gian này IVB sẽ áp dụng chính sách tương đương mức giảm của NAPAS.

 Chính sách thu phí khách hàng 2.000 đồng/giao dịch được ACB triển khai từ ngày 5/3/2020, OceanBank áp dụng từ ngày 10/3 đến 31/12/2020.

7 ngân hàng áp dụng mức giảm thu khách hàng từ 1.300 đồng – 5.000 đồng/giao dịch, tương đương với mức giảm của NAPAS tùy theo kênh giao dịch và đối tượng khách hàng. Cụ thể:

VietinBank áp dụng mức thu 7.000 đồng/giao dịch (mức phí cũ là 9.000 đồng/giao dịch) kể từ ngày 1/3/2020, hiện tại VietinBank đang miễn phí hoàn toàn gói VBiz. Trong khi đó, Agribank áp dụng mức thu 5.000 đồng/giao dịch trên kênh Agribank E-mobile banking, ATM (mức phí cũ là 8.000 đồng/giao dịch) và thu 8.000 đồng/giao dịch trên kênh internet banking (mức phí cũ là 10.000 đồng/giao dịch) kể từ ngày 2/3/2020.

Shinhan Bank áp dụng mức thu 5.000 đồng/giao dịch (mức phí cũ 10.000 đồng) trên kênh mobile banking và internet banking từ ngày 3/3/2020. Các ngân hàng khác áp dụng mức giảm thu phí khách hàng tương đương mức giảm của NAPAS gồm: SHB từ ngày 29/2 đến 31/12/2020, ngân hàng SCB, LienVietPostBank từ ngày 9/3 và IBK từ ngày 16/3/2020.

Đến thời điểm hiện tại, BIDV là ngân hàng quốc doanh duy nhất đưa mức thu khách hàng thấp nhất trong bốn ngân hàng quốc doanh, với mức phí 2.000 đồng/giao dịch.

Cùng với động thái miễn, giảm phí cho các giao dịch giá trị nhỏ, toàn hệ thống ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch an toàn qua các kênh  ngân hàng điện tử Internet Banking, Mobile Banking hoặc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Với thói quen sử dụng tiền mặt như hiện nay thì tiền giấy hay tiền polymer đều có nguy cơ là nguồn của các tác nhân gây bệnh và là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng, không chỉ là virus corona mà có thể lây nhiễm một số mầm bệnh khác.

Trong năm 2019, giao dịch giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống chiếm 21% tổng số lượng giao dịch qua hệ thống NAPAS và chiếm 25% trong tháng 2/2020 (thời điểm bùng phát dịch Covid-19)

Trong số 32 ngân hàng thực hiện chương trình miến/giảm phí có:

- 15 ngân hàng không thu phí khách hàng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 giá trị nhỏ từ 500.000 trở xuống gồm: Techcombank, MB, VietCapital Bank, VPBank, TPBank, OCB, PVcombank, SeABank, CIMB, UOB, MSB, Baoviet Bank, VIB, IVB, Nam A Bank;

 - 7 ngân hàng thu 2.000 đồng/giao dịch gồm: BIDV, Kienlongbank, Saigonbank, Coopbank, ACB, Oceanbank, Nam A Bank;

- 11 ngân hàng áp dụng chính sách mức giảm thu khách hàng từ 1.300 đồng - 5.000 đồng/giao dịch, tương đương với mức giảm của Napas tùy theo kênh giao dịch và đối tượng khách hàng gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank, Eximbank, Sacombank, Shinhan Bank, SHB, SCB, LienVietPostBank, IBK, IVB.

 

Hải Nhung