PVcomBank giảm lãi, giãn nợ hỗ trợ khách hàng giữa “tâm bão” COVID-19

Tin hội viên - Ngày đăng : 20:16, 13/03/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - PVcomBank thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng ứng phó với dịch COVID-19, hưởng ứng Thông tư số 01/2020/TT-NHNN vừa được ban hành từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trên quan điểm xây dựng của Thông tư, PVcomBank đã kịp thời tiến hành rà soát để đưa ra các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng vay chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 (tập trung ở lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng; đại lý du lịch; dịch vụ khách sạn; doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu hoặc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc).

Theo đó, đối với doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có đủ các điều kiện: 1. Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; 2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19; 3. Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu thu nhập bởi dịch COVID-19, PVcomBank sẽ tiến hành đánh giá, xem xét và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. 

Theo đại diện của PVcomBank, các chính sách, biện pháp hỗ trợ khách hàng mà ngân hàng này đang tích cực triển khai là hành động cụ thể hóa cam kết luôn đồng hành cùng khách hàng nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN thực hiện giải pháp chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

PVcomBank tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19

PVcomBank cũng tập trung đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Ngân hàng vừa triển khai Gói tín dụng quy mô 10.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,49% phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, mua ô tô, xây sửa nhà… nhằm khắc phục ảnh hưởng bởi COVID-19 gây ra. Giải ngân nhanh, linh hoạt là điểm nổi bật của sản phẩm tín dụng PVcomBank. 

"Với nguồn vốn 10.500 tỷ đồng, PVcomBank luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu gánh nặng tài chính do dịch và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh" – đại diện Ngân hàng cho biết.

PVcomBank còn đưa ra thị trường sản phẩm cho vay tín chấp “siêu” tiện ích trong việc tiếp cận vốn, thời gian trả nợ linh hoạt với lãi suất ưu đãi, phù hợp nhu cầu của khách hàng, giúp nhiều người đang cần chi tiêu những khoản lớn như mua nhà, mua ô tô... cảm thấy yên tâm hơn, đặc biệt trong “tâm bão” COVID-19 đang tác động đến mọi mặt của đời sống. Các chính sách giảm phí thẻ tín dụng hay giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp dùng gói tài khoản trả lương Payroll cũng được PVcomBank xây dựng trong thời gian tới nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Ngân hàng cũng khuyến nghị khách hàng sử dụng các dịch vụ không dùng tiền mặt, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Chính sách 0 đồng khi chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 của nhà băng này kể từ khi ra mắt dịch vụ PV Online Banking đã khuyến khích khách hàng giao dịch thường xuyên, an toàn và nhanh chóng hơn trên môi trường Internet Banking, Mobile Banking.

Có thể nói, những giải pháp đến từ các ngân hàng như PVcomBank chính là hành động thiết thực, khẳng định trách nhiệm, sự đồng hành, chia sẻ của ngân hàng với doanh nghiệp, cộng đồng và toàn xã hội.

Ngày 13/3/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký ban hành Thông tư số 01 qui định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do COVID-19.

Theo số liệu của các TCTD gửi về NHNN, số dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 ước tính 926.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng dư nợ nền kinh tế. Đây là số dư nợ bị ảnh hưởng dẫn tới khó khăn trả nợ đúng hạn của doanh nghiệp hiện nay.

 

H.H