FED cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 10:00, 16/03/2020
Đây là lần đầu tiên FED quyết định giảm lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức thường xuyên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm "khẩn cấp" thứ 5 trong vòng 50 năm qua của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
Hành động khẩn cấp cho thấy FED tin rằng các “bánh răng” của nền kinh tế Mỹ đang bị dồn nén và lo ngại rằng việc chờ đợi thêm ba ngày nữa có thể là quá muộn để thúc đẩy nền kinh tế.
Đây là thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan trên toàn nước Mỹ.
"Tôi không nghĩ họ sẽ làm điều này trừ khi họ cảm thấy thị trường tài chính có nguy cơ đóng băng đáng kể"- Mark Zandi, Kinh tế trưởng của Moody's phân tích. "Họ rất lo ngại thị trường tài chính sẽ không hoạt động".
Thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc trong tuần qua - lần đầu tiên sau 11 năm - khi các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể vấp phải suy thoái kinh tế khi mọi người tự cách ly tại nhà và những chuyển động hàng ngày của cuộc sống bình thường trên toàn thế giới ngừng trệ. Chứng khoán tương lai của Mỹ giảm mạnh một lần nữa vào ngày 15/3.
"Sự bùng phát virus corona đã gây tổn hại cho các cộng đồng và làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ," tuyên bố của FED cho biết. "Điều kiện tài chính toàn cầu đã bị ảnh hưởng đáng kể."
Ngoài việc cắt giảm lãi suất, FED cũng cho biết sẽ mua thêm trái phiếu kho bạc trị giá 700 tỷ USD và chứng khoán được thế chấp. FED cũng ký một thỏa thuận với 5 ngân hàng trung ương khác (Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ) để giảm lãi suất của các ngân hàng này trên các giao dịch hoán đổi tiền tệ nhằm giữ cho thị trường tài chính hoạt động bình thường
Động thái phối hợp giúp giảm chi phí vay ngắn hạn cho các ngân hàng trên toàn cầu, và nó cũng có thể giữ cho nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tín dụng toàn diện tương tự như khi nền kinh tế thế giới gặp phải một thập kỷ trước.
FED cho biết họ sẽ giữ lãi suất ổn định gần bằng 0 cho đến khi tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ rút khỏi vũng lầy kinh tế do virus corona.
Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định FED có nhiều công cụ hơn trong bộ công cụ của mình nếu cần bơm thêm kích thích vào nền kinh tế, bao gồm khả năng thêm thanh khoản vào thị trường tài chính.