Thực trạng, xu hướng và đề xuất phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 13:48, 26/03/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán không phải là tiền mặt như: tài sản, chứng chỉ có giá, tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc), thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, mobile banking, internet banking… hoặc thanh toán gián tiếp bằng tiền ghi sổ thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau.

Bản chất của hình thức TTKDTM chính là hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Thay vào đó là việc phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi tiền ghi sổ, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử… mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt qui đổi. Tiền mặt là tiền vô danh, nhưng tiền thẻ hay tiền điện tử là tiền định danh nên nếu mất tiền mặt là mất luôn còn mất thẻ hay mất ví điện tử vẫn không bị mất tiền vì thẻ hay ví đều có mã riêng mà đối với người nhặt được chỉ là vật vô giá trị. Ngoài ra, TTKDTM luôn thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tiện lợi tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, thu thuế, chuyển đổi với tiền của nước khác hay giúp đỡ người thân từ xa. Thực tế cũng đã chứng minh nền kinh tế mạnh là một nền kinh tế luôn đi kèm với một hệ thống thanh toán hiện đại. Điều này cũng đồng nghĩa với xu thế phát triển của nghiệp vụ thanh toán trong thương mại của một nền kinh tế thị trường là TTKDTM. Hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Một khi người tiêu dùng thấy được lợi ích và duy trì thường xuyên thói quen TTKDTM, chắc chắn cả nền kinh tế vĩ mô sẽ cùng hưởng lợi theo. Cụ thể, lợi ích của TTKDTM như: Nhanh chóng thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa, tránh được các rủi ro nếu phải mang tiền mặt đi nhận hàng, nhất là khi phải mang theo các khoản tiền lớn. Khi TTKDTM, người tiêu dùng có thể nhận được nhiều khuyến mãi từ người bán cũng như từ ngân hàng như đã và đang diễn ra ở những nền kinh tế hàng hóa phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Đông Âu - nơi thường xuyên khách mua hàng được giảm giá khi thanh toán bằng điện tử, thẻ ngân hàng, chứng chỉ có giá hoặc qua dịch vụ thu chi hộ của NHTM bằng tiền ghi sổ làm cho hệ thống ngân hàng thực sự là trung tâm thanh toán an toàn, bền vững của nền kinh tế. Cùng với đó thì xã hội giảm được chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm hay bảo quản một khối lượng tiền mặt rất lớn như nước ta hiện nay.

Ngay từ giữa những năm 2010, thế giới đã xuất hiện nhiều quốc gia có thói quen TTKDTM rất ấn tượng. Một số quốc gia có tỷ lệ TTKDTM trong tổng chi trả cho mua hàng lớn nhất (xếp theo thứ tự từ thứ 10 tới 1) (1) là: 10. Hàn Quốc: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 70%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 58%. Hàn Quốc đã áp dụng chính sách ưu đãi khấu trừ 1% tổng số thuế doanh thu (VAT) thu được trên doanh số bán cho các đơn vị chấp nhận thẻ, khấu trừ 10% thuế thu nhập đối với các khoản chi bằng thẻ vượt quá 10% thu nhập hàng năm;

9. Đức: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 76%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 88%. Ở Đức có một hệ thống được triển khai từ năm 2012 cho phép người bán hàng chỉ cần 1 chiếc iPhone và một chiếc đầu đọc EMV là có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ;

8. Mỹ: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 80%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 72%;

7. Hà Lan: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 85%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 98%. Thậm chí dịch vụ đỗ xe ở Amsterdam không còn chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Rất nhiều cửa hàng bán lẻ và nhà hàng trong thành phố này hiện nay cũng từ chối thanh toán bằng tiền mặt;

6. Úc: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 86%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 79%. Ở Úc khi bước sang năm 2000 đã có một trào lưu “Tháng 11 không tiền mặt” (No Cash November) được khởi xướng bởi tỷ phú Andrew Forrest;

5. Thụy Điển: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 89%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 96%. Nhờ phương thức TTKDTM mà số vụ cướp ngân hàng ở Thụy Điển từng “nổi đình nổi đám” đã giảm từ 110 vụ năm 2008 xuống chỉ còn 16 vụ năm 2011, mức thấp nhất kể từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước và đến nay thì hết hẳn;

4. Anh: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 89%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 88%. Trong năm 2014, chỉ có 1% số người sử dụng phương tiện công cộng thanh toán bằng tiền mặt, con số này đã giảm từ 25% của năm 2000;

3. Canada: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 90%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 88%. Từ tháng 2/2013 Canada đã ngừng sản xuất và phân phối tiền xu. Ước tính riêng việc này đã giúp Canada tiết kiệm đươc 11 triệu USD trở lên mỗi năm;

2. Pháp: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 92%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 69%. Luật pháp của Pháp hiện nay đã quy định mọi giao dịch có giá trị lớn hơn 3.000 euro buộc phải áp dụng TTKDTM;

1. Bỉ: Tỷ lệ TTKDTM trong tiêu dùng: 93%. Tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng: 86%. Bỉ cũng có một quy định tương tự như Pháp, không cho phép giao dịch tiền mặt vượt quá 3.000 euro. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tới 225.000 euro.

Thực trạng TTKDTM tại Việt Nam

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, TTKDTM tại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến ban đầu đáng ghi nhận, đặc biệt là từ năm 2018 đến nay. MoMo, ví điện tử nổi tiếng nhất ở Việt Nam đã thu hút được 10 triệu người dùng, hình thành hơn 100.000 đối tác và hơn 100.000 điểm bán hàng (POS). Phương thức này đang tiếp tục thu hút nhiều người dùng hơn bằng cách hợp tác với các ngân hàng và tạo ra nhiều điểm thanh toán cũng như các dịch vụ ngoại tuyến và trực tuyến.

Trước sự bùng nổ của TTKDTM, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam cũng đang trở nên cạnh tranh gay gắt. Các ngân hàng trong và ngoài nước cũng như các công ty tài chính đang thực hiện các chương trình hoàn lại tiền và sử dụng miễn phí trong năm đầu tiên, đồng thời có các cơ chế để các nhà hàng, khách sạn và đại lý du lịch giảm giá cho người thụ hưởng nếu sử dụng phương thức TTKDTM. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp thúc đẩy TTKDTM, ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục. Đặc biệt, các trường học, bệnh viện... sẽ phải lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR, cho phép phụ huynh, sinh viên, người bệnh... sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán tương tự như việc mua hàng trong siêu thị. Theo NHNN (2) , hiện nay Việt Nam đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho thấy thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua internet, điện thoại di động tăng tới 238% về giá trị.

Tuy nhiên, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế, tới gần 80% giao dịch, tức là tỷ lệ TTKDTM mới chỉ chiếm khoảng hơn 20%, thấp so với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là đến năm 2020 này, tỷ lệ TTKDTM phải chiếm hơn 30% trên tổng giá trị thanh toán thương mại trong tiêu dùng tại Việt Nam.Theo thống kê của NHNN, hiện nay mới có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 70% số người chưa có tài khoản tập trung ở các vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề rất nan giải cần giải quyết, vì có tài khoản ngân hàng thì mới có thể sử dụng được phương thức TTKDTM. Ngay cả đối với không ít người ở thành phố dù đã có tài khoản tại ngân hàng nhưng trong trao đổi, người ta chỉ order (đặt mua) hàng bằng thẻ tín dụng, đến khi thanh toán thì đa số lại thanh toán bằng tiền mặt rút ra từ ngân hàng. Đó vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất với online shopping tại Việt Nam hiện nay. Như vậy, trong thanh toán hàng online, việc thanh toán trước bằng thẻ tín dụng chỉ chiếm phần nhỏ, còn phần lớn khi nhận hàng người ta mới thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho bên giao hàng. Lý do chính là độ tin cậy vào chất lượng, số lượng hàng hóa chưa cao. Chỉ khi nhận hàng và thấy thực chất hàng đó như thế nào thì mới trả tiền mặt.

 Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Bên cạnh số lượng thẻ phát triển, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao, phần lớn đều đã liên kết với các tổ chức như: hãng taxi, hãng hàng không, siêu thị, và nhiều dịch vụ công như: trường học, bệnh viện, vệ sinh môi trường đều được khuyến khích kết nối TTKDTM. Theo Vụ Thanh toán - NHNN, toàn hệ thống ngân hàng đang có trên 18.300 ATM, hơn 289.000 POS, 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% TTKDTM. Theo đó, các giao dịch thanh toán qua internet và các thiết bị di động ở Việt Nam trong những năm qua đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

Tuy nhiên, phương thức thanh toán trực tuyến ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng. Việc mua bán, trao đổi sản phẩm, dịch vụ qua mạng khá phát triển nhưng phần lớn lại thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Điều này được lý giải do một phần vì thói quen, phần khác vì chưa tin tưởng vào độ an toàn của giao dịch và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ… Ngoài ra nhận thức của người dân về những tiện ích của TTKDTM còn hạn chế...

Nhận định về xu hướng và đề xuất các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam

TTKDTM là một phương thức tất yếu trong xu hướng phát triển kinh tế để thúc đẩy quá trình sản xuất trao đổi hàng hóa, dịch vụ phát triển nhanh theo cơ chế thị trường. Nghiệp vụ thanh toán đã, đang và sẽ là một thị trường đầy tiềm năng cho cả thế giới và trực tiếp là ở Việt Nam. Thực tế thị trường này đã và đang thu hút ngày càng nhiều công ty công nghệ tài chính (Fintech - Financial Technology) ở nước ta. Hiện có đến 80 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam và 47% trong số đó là công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán. Tuy nhiên, các công ty Fintech ở Việt Nam hiện nay có quy mô còn nhỏ, các chính sách của Chính phủ quy định dành cho những công ty này cũng còn hạn hẹp về đối tượng áp dụng và hạn chế về nghiệp vụ và độ phủ sóng do chi phí ban đầu cho hạ tầng công nghệ còn quá cao.

Theo nghiên cứu của Solidiance, công ty tư vấn chuyên về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt 4,4 tỷ đôla năm 2017 và sẽ đạt 7,8 tỷ đôla vào năm 2020. Trong báo cáo “Mở khóa tiềm năng phát triển Fintech của Việt Nam”, Solidiance cho rằng công nghệ tài chính Việt Nam phát triển nhờ những yếu tố như tỷ lệ phổ biến của Internet và điện thoại thông minh trong các trung tâm đô thị, ví điện tử ngày càng phổ biến, thu nhập của người dân ngày càng tăng kéo theo tiêu dùng tăng và lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh. Solidiance nhận định nếu chính phủ Việt Nam thành công trong kế hoạch đạt 70% người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng đến hết năm 2020 thì thị trường Fintech sẽ được thúc đẩy mạnh hơn nữa. Theo NHNN, số người có tài khoản NH hiện nay là 45,8 triệu/92,6 triệu dân, chiếm 63% dân số. Tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh internet đạt 204,22 triệu lượt, tăng 60,64% so với cùng kỳ; tổng lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 169,86 triệu lượt, tăng 109,48% so với cùng kỳ. Cùng với hệ thống NHTM, Việt Nam hiện có khoảng 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu - chi hộ…Ông Neil Van Heerden, Giám đốc chiến lược kinh doanh quốc tế của TrueMoney (doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường ví điện tử Thái Lan), nhìn nhận TTKDTM tại Việt Nam thời điểm này đang có những lợi thế để phát triển mạnh mẽ, nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng.Theo Tạp chí Nikkei Asia số ra ngày 18/4/2019, đánh giá Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua "không tiền mặt”. Đây là minh chứng cho những giải pháp quản lý nhà nước và chỉ đạo của NHNN Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc đẩy mạnh TTKDTM.

Bên cạnh những tiện ích của TTKDTM, hình thức thanh toán này cũng đang gặp phải một số bất cập, hạn chế như:

Một là, các giao dịch TTKDTM có thể thực hiện không qua ngân hàng mà qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán manh mún hoặc qua mạng xã hội. Theo đó, người có tài khoản có thể chuyển khoản từ tài khoản tại ngân hàng của họ sang tài khoản của tổ chức cung cấp dịch vụ phi ngân hàng vì khi thực hiện thanh toán giữa các chủ tài khoản trong các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phi ngân hàng dù tiềm ẩn rủi ro, nhưng rất rẻ, thậm chí miễn phí và không bị kiểm soát.

Hai là,  giao dịch TTKDTM qua ngân hàng còn mất phí, tùy theo chính sách của từng ngân hàng gây tâm lý đắn đo cho người sử dụng...

Đề xuất các giải pháp phát triển TTKDTM trong thời gian tới ở Việt Nam

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước

NHNN Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo tiện ích, an toàn, bảo mật và với chi phí hợp lý nhất, tiếp tục giảm phí cho việc sử dụng các tiện ích TTKDTM qua ngân hàng.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích của dịch vụ thanh toán cho cộng đồng, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.

Các bộ, ngành cần có những giải pháp cụ thể chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thúc đẩy việc phối hợp với các NHTM để triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, góp phần đa dạng hóa các kênh thu, nộp tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Xem xét, nghiên cứu cho ra đời loại tiền điện tử duy nhất do NHNN phát hành và làm chủ ví. Theo đó chỉ có NHNN mới có thể là trung gian giữa các NHTM, các khách hàng đầy đủ. Khi đó, khách hàng là NHTM, người dân, công ty thanh toán và doanh nghiệp đều có thể mở tài khoản và thanh toán với nhau một cách miễn phí qua chủ ví. Khi đó mọi khách hàng sẽ chuyển tiền gửi thanh toán từ tài khoản của mình tại các NHTM hoặc tiền mặt vào tài khoản số của mình mở tại ví điện tử do NHNN thống nhất quản lý. 

Đối với hệ thống các NHTM và tổ chức thanh toán

Các NHTM cần tăng cường các hoạt động marketing hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử với mọi khách hàng, nhất là khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chủ động liên kết với chủ ví, các tổ chức có chức năng thanh toán để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của các khách hàng cá nhân, tập thể sang ví điện tử.

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán; phối hợp với các đơn vị thanh toán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán thống nhất của ngành Ngân hàng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng phương thức TTKDTM.

Đối với các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ

Tăng cường liên kết với nhau, với trung tâm thanh toán của ngành ngân hàng trong việc kết nối giao dịch qua tiền ghi sổ, ví điện tử để người mua hàng có thể thanh toán qua ngân hàng.

Nâng cấp, số hóa và mở rộng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, mở rộng ra toàn quốc từ việc chi tiêu Chính phủ, dịch vụ hành chính công như thuế, điện nước, học phí và thanh toán viện phí trong khám, chữa bệnh... đều áp dụng hình thức TTKDTM.

Tài liệu tham khảo:

- (1) Thời báo tài chính; 

- (2) Cổng thông tin điện tử Chính phủ 12/12/2019; 

- Thông tin được công bố trên các trang web: sbv.gov.vn; vnba.org.vn;

TS. Nguyễn Đại Lai