Ngân hàng Trung ương châu Âu tập trung nguồn lực ứng phó với diễn biến xấu từ đại dịch Covid-19

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 08:30, 28/03/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB - European Central Bank) sẽ mua lại 750 tỷ Euro trị giá trái phiếu, cổ phiếu và các loại chứng khoán khác.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đang triển khai chương trình mới với quy mô lớn nhằm mua lại các tài sản tài chính với mức giá đã công bố để ổn định thị trường trong hoàn cảnh các nhà chức trách đang đấu tranh để ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19, hiện đang gây nên sự suy thoái cho  kinh tế toàn cầu.

Dự báo, đến cuối năm 2020, ECB có thể sẽ mua vào khoảng 750 tỷ Euro (tương đương 820 tỷ USD) các loại trái phiếu doanh nghiệp, chính phủ cũng như cả thương phiếu (commercial paper).

Thực tế cho thấy trong bối cảnh đầy bất ổn hiện nay khiến các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới dù mới chỉ thông báo về những nỗ lực kích cầu thị trường mới vài tuần trước đây thôi đã phải gấp rút tổ chức những cuộc họp bất thường nhằm đánh giá lại tình hình trước khi đưa ra những thông báo cụ thể kế tiếp.

Theo thông báo mới nhất ngày 18/3, FED (Ngân hàng Dự trữ LIên bang Hoa Kỳ) nói rằng, các NHTW toàn cầu sẽ cố gắng ngăn chặn sự rối loạn thị trường khỏi sự gián đoạn của nền kinh tế cũng như những tác nhân tiêu cực gây suy thoái hoạt động nền kinh tế.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái toàn cầu, vào chủ nhật tuần trước, FED đã công bố mức giảm lãi suất xuống gần như bằng 0 và sẽ mua lại khoảng 700 tỷ USD trái phiếu kho bạc và trái phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Cho đến ngày thứ ba sau đó, FED đã nhanh chóng triển khai hai chương trình cho vay khẩn cấp, đây là lần thứ hai FED tung ra các chương trình này kể từ lần cuối cùng áp dụng cho cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhằm giảm bớt gánh nặng tín dụng cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình Mỹ đang vật lộn để chống chọi lại với cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Chính quyền Tổng thống Trump nói riêng, đã đưa ra gói kích thích khẩn cấp trị giá 850 tỷ USD bao gồm việc gửi trực tiếp séc đến các hộ gia đình Mỹ nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với NHTW châu Âu, họ cũng đã đưa ra những biện pháp, cụ thể là Chương trình mua lại tài sản khẩn cấp đại dịch, nhằm mục đích giảm chi phí đi vay, nới lỏng những tiêu chuẩn cho vay, giảm thấp lãi suất để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, củng cố cho nền kinh tế châu Âu đứng vững trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo trong Liên minh tiền tệ châu Âu nói rằng, Liên minh sẽ cam kết đóng vai trò hỗ trợ cho công dân trong khu vực sử dụng chung đồng Euro trong thời gian cực kỳ khó khăn này. Hội đồng quản trị gồm 25 thành viên cho biết, trong trường hợp cần thiết, họ sẽ tăng số lượng giấy tờ có giá mua lại để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến tiêu cực nhất.

Động thái này diễn ra khi chí phí vay trên thị trường đối với các khoản vay khổng lồ của Ý ngày càng gia tăng, cùng với đó là sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng mà khu vực các nước liên minh châu Âu đang phải đối mặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, nhân viên bị sa thải. Kế hoạch kích cầu quy mô lớn trên được tung ra với kỳ vọng làm giảm giảm lãi suất thị trường, giảm bớt những lo ngại đối với quốc gia đang mắc nợ và gặp khó khăn, rắc rối về tài chính.

Ông Frederik Ducrozet, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Công ty quản lý tài sản Pictet, nói “ECB đang tập trung toàn bộ nguồn lực để ứng phó với những diễn biến xấu từ đại dịch này, cùng với những hành động, chính sách cụ thể từ chính phủ các nước, tin rằng những nỗ lực này sẽ củng cố cho cục diện đối với các thị trường nói riêng và toàn bộ nền kinh tế châu Âu nói chung”.

Nhìn lại những cuộc khủng hoảng xảy ra trong quá khứ, lợi suất trái phiếu cao hơn đã mang lại những “ký ức tồi tệ” về cuộc khủng hoảng nợ Eurozone trong giai đoạn 2010-2012, khi tình trạng hỗn loạn thị trường và chi phí nợ vay chính phủ tăng cao đe doạ sẽ phá vỡ liên minh tiền tệ Euro. Rất may mắn, lời hứa của ECB trong thời gian đó về việc mua lại trái phiếu của những quốc gia chịu chi phí lãi vay cao đã phần nào làm dịu đi tình hình vô cùng căng thẳng lúc bấy giờ.

Chương trình mua lại tài sản ECB mới có một điểm khác biệt chính là không yêu cầu một quốc gia nào phải đáp ứng hoặc đồng ý với chương trình hạn chế chi tiêu. Nó xuất phát từ những nỗ lực kích thích kinh tế của ECB, bao gồm tỷ lệ lãi suất âm đối với tiền gửi mà ngân hàng thương mại phải chịu trừ đi 0,5%, 20 tỷ euro mỗi tháng khi mua trái phiếu hiện tại và hỗ trợ tín dụng lãi suất âm lên tới 2,3 nghìn tỷ euro cho các ngân hàng trả tiền cho họ để vay, miễn là họ tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp.

Đạt Trịnh