Doanh nghiệp cam kết kéo giá lợn xuất chuồng về mức 70 nghìn đồng/kg từ ngày 1/4
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 17:23, 31/03/2020
DN giơ tay biểu quyết cam kết đưa giá lợn hơi xuất chuồng về mức 70 nghìn/kg từ ngày 1/4 |
Giảm giá là đạo đức kinh doanh
Cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc các DN cam kết giảm giá lợn hơi cũng chính là tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá nông nghiệp là một ngành có lợi thế, có điều kiện trở thành ngành cứu cánh trong điều kiện khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân trong điều kiện khó khăn, suy giảm kinh tế.
Phó Thủ tướng cho rằng việc giá lợn hơi duy trì kéo dài trên mức 80 nghìn đồng/kg từ cuối năm 2019 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tăng giá tiêu dùng (CPI) của cả nước.
Bên cạnh việc nguồn cung thịt lợn tạm thời bị thiếu hụt do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), việc tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân; hiện tượng găm giá, găm hàng chờ giá tăng cao hơn nữa của người chăn nuôi; chi phí của các khâu trung gian trong hệ thống phân phối thịt lợn tới tay người tiêu dùng còn quá cao… đã khiến giá thịt lợn tăng cao kéo dài.
“Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là trách nhiệm về mặt kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân. Bên cạnh đó là tập trung tăng nguồn cung thịt lợn, phù hợp với nhu cầu của thị trường ở trong nước, khu vực và thế giới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh..
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng tái đề nghị các DN lớn trong ngành chăn nuôi thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng về việc hạ giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đ/kg kể từ ngày 1/4/2020, tiến tới tiếp tục giảm hơn nữa giá lợn trong thời gian tới.
Theo lộ trình, trước mắt, đưa giá từ 75 nghìn đồng/kg xuống mức 70 nghìn; và đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 60-65 nghìn đồng/kg.
Sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất vào cuối quý III và quý IV
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp, trực tiếp đến làm việc với các DN chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, đẩy mạnh tái đàn lợn an toàn, từng bước chủ động nguồn cung, góp phần bình ổn giá thịt lợn…
Biểu đồ giá lợn hơi từ năm 2019 đến nay |
Kết quả, các DN chăn nuôi lớn (như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed…) đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và hiện đã hạ giá bán lợn thịt xuống với giá từ 73.000 - 76.000 đồng/kg lợn hơi. Cùng với đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, từ cuối năm 2019 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Tính đến ngày 27/3/2020, số lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019 (nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Braxin 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, LB Nga 2,62%,... )
Báo cáo Bộ NN&PTNT cũng cho biết, đến ngày 10/3/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).
Về tình hình tái đàn lợn, tăng đàn lợn, từ tháng 1/2020, các địa phương đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn; đầu tháng 3/2020 tổng đàn lợn đạt gần 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019); tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%.
Bộ NN&PTNT dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn năm nay phấn đấu đạt 3,9 triệu tấn (quý I đạt 811 nghìn tấn; quý II đạt 950 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV là 1,083 triệu tấn). Như vậy, đến cuối quý II, đầu quý III nguồn cung từ chăn nuôi đã đáp ứng được khoảng trên dưới 90% nhu cầu thịt lợn, đến cuối quý III và quý IV sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất tháng 12/2018 trước khi DTLCP bùng phát.
Cần sự chung tay
Để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoài sự nỗ lực của ngành rất cần sự chung tay của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng đất đai để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương, đặc biệt các địa phương phía Bắc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra khỏi Việt Nam.
Đề nghị Bộ Công Thương tổ chức kiểm soát giá của chuỗi cung ứng lợn thịt và thịt lợn ở thị trường vì thời gian qua, mặc dù theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các DN chăn nuôi lớn đã giảm giá xuất bán gần 70.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng theo phản ánh của các DN, các cơ quan truyền thông, thương lái sau khi mua và vận chuyển lợn ra khỏi cổng của các DN, thương lái có thể bán với giá cao hơn 10.000 đồng/kg lợn hơi.
Vấn đề vốn cho tái đàn đang là mối quan tâm lớn hiện nay. Bộ NN&PTNN đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; có chính cho các DN NK thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi….