Kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước dịch Covid-19

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:30, 02/04/2020

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước đại dịch Covid-19 và những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Trợ lực cho sự ổn định của nền kinh tế

Trong phần đánh giá riêng về kinh tế Việt Nam tại báo cáo “Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19” vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) đưa ra nhận định, trong điều kiện hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020. Việt Nam đã bắt đầu “nếm đòn” từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên và dòng vốn đầu tư suy giảm. 

Mặc dù vậy, theo WB: “nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững”. Cụ thể, trong hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%. Cùng với dư địa chính sách trong tay, WB khẳng định: “Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế”. Những đánh giá của WB dựa trên những nền tảng kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2019 khi nền kinh tế tiếp tục thể hiện thế mạnh căn bản và khả năng chống chịu, nhờ vào sức cầu vững vàng trong nước và nền sản xuất chế tạo và chế biến định hướng xuất khẩu. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng GDP theo giá so sánh đạt khoảng 7% năm 2019, gần với tỷ lệ báo cáo cho năm 2018, thuộc dạng cao nhất trong khu vực”, WB đánh giá.

Tăng trưởng GDP Việt Nam, cũng như các quốc gia nằm trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. Ảnh: AFP/Getty Images. 

Theo đó, tăng trưởng ở các ngành công nghiệp (đặc biệt là chế tạo chế biến) và dịch vụ đẩy mạnh cầu lao động, tạo ra 1,8 triệu việc làm hưởng lương giai đoạn 2016-2018, kéo lao động thoát nông và giúp tăng mức thu nhập từ lương cho các công việc trong ngành phi nông nghiệp. Đó là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ giảm nghèo giảm từ 9,7% năm 2016 xuống còn 6,7% năm 2018. Tiến triển liên tục về giảm nghèo ở các nhóm dân tộc thiểu số cũng chủ yếu nhờ vào tăng thu nhập làm công ăn lương.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần sau khi chững lại trong ba quý đầu năm 2019 đã tăng lên chủ yếu do tăng giá thực phẩm vào quý cuối năm. Trong mấy tháng đầu năm 2020, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực và thực phẩm ở mức cao dịp cuối năm kết hợp với khả năng hàng hóa thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại nhằm ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Cán cân kinh tế đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong năm 2019. Mặc dù thương mại toàn cầu đang diễn biến bất định, Việt Nam vẫn công bố thặng dư tài khoản vãng lai trong năm thứ hai liên tiếp. Xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 8% trong đầu năm 2020, càng khẳng định khả năng chống chịu trong điều kiện tình hình kinh tế bên ngoài ngày càng bất lợi. Tài khoản vốn vẫn thặng dư lớn nhờ dòng vốn FDI được duy trì ở mức cao, dẫn đến dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều hơn, tăng từ mức tương đương 2,8 tháng nhập khẩu cuối năm 2018 lên 3,5 tháng vào cuối năm 2019. Đồng thời, tỷ giá danh nghĩa và thực tế đều tương đối ổn định trong suốt năm 2019 và đầu năm 2020. 

Đối với chính sách tiền tệ, WB cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục phải cân đối giữa hai mục tiêu, vừa duy trì ổn định vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy, sau những tháng áp dụng chính sách tiền tệ cẩn trọng, NHNN bắt đầu nới nhẹ chính sách vào tháng 9/2019. Thậm chí trong những tuần vừa qua, NHNN còn cắt giảm lãi suất chính sách 100 điểm phần trăm, đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại tái cơ cấu thời hạn vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhằm ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh.

WB cũng đánh giá cao chính sách tài khóa của Việt Nam. Theo đó, nhờ thực hiện chính sách củng cố tình hình tài khóa từ năm 2016, tổng bội chi ngân sách giảm từ 4,4% GDP năm 2018 xuống còn 4,0% năm 2019. Kết quả là nợ công của Việt Nam tiếp tục giảm so với GDP, từ 59,6% năm 2016 xuống còn khoảng 54% vào cuối năm 2019.

GDP năm 2020 dự báo còn khoảng 4,9% do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cao hàng đầu khu vực 

“Trong ngắn hạn, dịch Covid-19 có thể tạo ra tác động bất lợi tăng thêm cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong các ngành du lịch, chế tạo và chế biến hiện phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu”, WB nhấn mạnh. Theo đó, tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng, tương tự các đợt dịch bệnh trước đây. Ngoài ra, hoạt động kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm do Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất hiện nay trên thế giới, cũng sẽ là những rủi ro trong ngắn hạn đối với Việt Nam.

Từ những đánh giá trên, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. “Ước tính sơ bộ cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020 - giảm khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo của chúng tôi trước đó”, WB cho biết.

Dự báo trên được đưa ra dựa trên các yếu tố như: số ca bị nhiễm còn tương đối thấp (tính đến tháng 3/2020), du lịch, chế tạo và chế biến là các ngành chịu tác động tiêu cực quan trọng nhất của dịch bệnh do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại. Theo WB, trong điều kiện nhiều hộ gia đình hiện nay sinh sống phụ thuộc vào lương, kể cả ở các vùng nông thôn, suy giảm trong các ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng, sản xuất và chế biến có thể tạm thời làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020.

WB cũng dự báo, bội chi ngân sách tạm thời tăng lên trong năm 2020 do thu ngân sách thấp hơn và do triển khai gói kích cầu tài khóa nhằm phần nào bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu với nền kinh tế Việt Nam.

Nỗ lực củng cố tình hình tài khóa dự kiến sẽ tiếp diễn từ năm 2021 trở đi, qua đó tiếp tục làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế sẽ lại bật lên sau đại dịch Covid-19 toàn cầu. Tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, do các điều kiện thị trường lao động dự kiến tiếp tục thuận lợi.

“Trong thời gian tới, Việt Nam có thể quản lý được những rủi ro bên ngoài nêu trên bằng cách đa dạng hóa thị trường thương mại và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình. Tuân thủ theo các hiệp định thương mại thế hệ mới (ví dụ như: EVTFA…), là cách để Việt Nam hỗ trợ cho nỗ lực đó”, WB nhận định. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là vừa phải thúc đẩy tiến trình đó vừa phải duy trì một xã hội công bằng ở mỗi địa phương và giữa các khu vực trong cả nước, trong điều kiện tỷ lệ nghèo đang giảm nhanh nhưng vẫn tập trung ở một số địa bàn và ở các nhóm dân tộc thiểu số.

Lan Phương