Chuyên gia đưa 'kịch bản kinh tế' ứng phó đại dịch Covid-19
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 17:49, 04/04/2020
Ngày 3/4/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố bản báo cáo tập hợp những phân tích, đánh giá chuyên sâu thông qua 3 kịch bản dự báo về tác động của Covid-19 tới kinh tế Việt Nam, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị chính sách.
|
Theo Đại học Kinh tế Quốc dân, một bản báo cáo công phu, đánh giá toàn diện tác động của Covid-19 đến nền kinh tế đưa ra trong những ngày toàn quốc thực hiện theo Chỉ thị số 16 chính là cách mà các nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân góp sức cho cuộc chiến chống Covid-19.
Kết quả nghiên cứu của Báo cáo này cho thấy, nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.
Báo cáo cho biết, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Cũng theo báo cáo trên, cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ. Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ). Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt. Song song với đó, cần xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới.
Kết quả từ cuộc khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: LeCerne NEU |
PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học - cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài, chúng ta cần phải xem lại nền tảng của nền kinh tế. Một trong những nền tảng của nền kinh tế có thể nhìn thấy được chính là năng suất lao động của Việt Nam hiện giờ đang ở mức thấp và ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các động lực để tăng trưởng năng suất gần như cạn kiệt. Vậy nên giai đoạn sắp tới sẽ là một cơ hội để cải thiện một cách mạnh mẽ năng suất lao động, từ đó gia tăng sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đồng thời chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.
Báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý II thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020) chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”. Trong mọi trường hợp cần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, tránh xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng.
Bên cạnh đó, các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngắn hạn (đặc biệt tại những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, đầu tàu để từ đó lan sang các khu vực khác.
Kết quả từ cuộc khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: LeCerne NEU |
PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tập hợp những nhà khoa học hàng đầu của mình để có thể đánh giá được những tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Và từ đó, đưa ra những khuyến nghị, chính sách nhằm khắc phục những tác động tiêu cực cũng như chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế sau khi vượt qua dịch bệnh. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã có một báo cáo để góp chung tiếng nói với Chính phủ, với Đảng và toàn thể xã hội vượt qua dịch bệnh khó khăn này.
Được biết, đến thời điểm này, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này của một cơ sở giáo dục đại học trong nước, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam. Bản báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách trong giai đoạn dịch bệnh và hậu Covid-19.