Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham gia Hội nghị trực tuyến với các Tổ chức Tài chính Quốc tế

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 11:21, 05/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa tham gia Hội nghị trực tuyến do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB ) chủ trì với đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3, Mông Cổ, Timor-Leste, tham gia có đại diện của các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham gia Hội nghị trực tuyến với các Tổ chức Tài chính Quốc tế

Mục đích của Hội nghị để trao đổi quan điểm về ảnh hưởng của khủng hoảng do virus corona gây ra đối với kinh tế vĩ mô và các động thái chính sách, cũng như đề xuất của các nước đối với hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, có thể còn lớn hơn và nghiêm trọng hơn Khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy vậy, tác động lớn nhất đã được ghi nhận từ sự sụt giảm đáng kể trên phạm vi toàn cầu trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến đảo chiều luồng vốn ở nhiều nước và suy giảm tăng trưởng ở một số quốc gia, đặc biệt là Hoa kỳ và các nước phát triển.

Đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương các nước cũng đã có những đánh giá tiêu cực về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế nước nhà và cũng chia sẻ những chính sách để ứng phó với hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như: nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc, tăng thanh khoản hệ thống, giãn thời gian trả nợ…

Các tổ chức tài chính quốc tế đã thông tin về các gói cứu trợ mà các tổ chức này đã và đang dành cho các nước gặp khó khăn do dịch bệnh. IMF đã cam kết dành một gói cứu trợ lên tới 1 nghìn tỷ USD cho các quốc gia để ứng phó trong tình huống khẩn cấp, điều kiện giải ngân tùy theo tình hình kinh tế và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại quốc gia thành viên.

Tương tự, WB cũng đã công bố gói cứu trợ trị giá 14 tỷ USD, trong đó 6 tỷ USD từ nguồn của WB và 8 tỷ USD từ nguồn IFC (Công ty Tài chính Quốc tế). Về phía ADB đã công bố gói hỗ trợ khoảng 6,5 tỷ USD, trong đó 3,6 tỷ USD dành cho hoạt động tài trợ có bảo lãnh của Chính phủ, 1,6 tỷ USD là tài trợ cho khu vực tư nhân không cần bảo lãnh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, 1 tỷ USD tài trợ ưu đãi thông qua phân bổ lại các dự án đang triển khai.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao vai trò của IMF và WB trong việc điều phối hành động chính sách và hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế thông qua các sáng kiến hợp tác. Phó Thống đốc đã khẳng định phương châm không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam để kiểm soát sự lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm đời sống và sức khỏe của người dân và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Chính phủ Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng đã đưa ra những chính sách quyết liệt và kịp thời nhằm hỗ trợ cho thị trường và các doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19, giảm đồng bộ các mức lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Phó Thống đốc hoan nghênh các giải pháp hỗ trợ toàn diện cả về hỗ trợ tài chính lẫn tư vấn chính sách của các tổ chức IMF, WB, ADB, AIIB dành cho các nước nhằm ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 và kêu gọi các tổ chức quốc tế tăng cường hơn nữa năng lực cho vay để hỗ trợ các quốc gia thành viên cũng như xem xét bổ sung các biện pháp hỗ trợ tài chính, cho phép giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ nhanh để làm giảm gánh nặng trả nợ cho các quốc gia trong điều kiện ngân sách đang khó khăn vì phải hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

N.H