Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng

Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng - Ngày đăng : 10:53, 07/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Xuất phát tự sự thay đổi mô hình cơ cấu, tổ chức của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH), NHNN chi nhánh Tp.Hà Nội, NHNN chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và những đòi hỏi từ thực tiễn đối với hoạt động giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố nội dung Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 08/2017/TT-NHNN ngày 01/8/2017 của Thống đốc NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng, nhằm lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận.

NHNN cho biết nhu cầu xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 08/2017/TT-NHNN là cần thiết và phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, thực tiễn công tác giám sát các TCTD nói chung và đơn vị trực thuộc TCTD nói riêng tại Cơ quan TTGSNH và Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cho thấy để theo dõi, giám sát thường xuyên thực trạng hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng, đặc biệt là tình hình tài chính, các yếu tố dẫn đến rủi ro gây mất an toàn hệ thống; xử lý kịp thời những vấn đề nghiêm trọng xảy ra, tránh lây lan dây chuyền, gây rối loạn cho nền kinh tế, cần phải có sự cập nhật một số nội dung về Quy trình giám sát ngân hàng cũng như cần có sự hỗ trợ tốt hơn từ việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng.

Thông tư được xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp với sự thay đổi mô hình cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Cơ quan TTGSNH (theo Nghị định 43/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 26/2014/NĐ- CP, Nghị định số 26/2014/NĐ-CP và Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg) cũng như mô hình cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của NHNN chi nhánh Tp.Hà Nội (theo Quyết định số 1358/QĐ-NHNN ngày 26/6/2019) và NHNN chi nhánh Tp.HCM (theo Quyết định số 1359/QĐ-NHNN).

Trên tinh thần đó, thông tư được xây dựng bao gồm những quy định mang tính quy phạm khung quy trình giám sát ngân hàng liên quan đến giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô. Từng quy trình nêu trên được tổ chức theo 03 bước: (i) Thu thập thông tin đầu vào; (ii) Phân tích, đánh giá về đối tượng giám sát ngân hàng theo 2 phương pháp tiếp cận (giám sát tuân thủ, giám sát rủi ro); và (iii) Đề xuất các biện pháp xử lý và lập báo cáo giám sát. Các nội dung mang tính kỹ thuật, chi tiết liên quan đến từng bước trong từng quy trình (giám sát an toàn vi mô, giám sát an toàn vĩ mô) được quy định theo hướng giao Cơ quan TTGSNH trình Thống đốc NHNN ban hành Sổ tay giám sát ngân hàng hàng để hướng dẫn thực hiện theo từng thời kỳ.

NHNN cho biết, các nội dung được xây dựng hướng đến mục tiêu đảm bảo giám sát toàn bộ hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế sự phát triển của khu vực ngân hàng và thị trường tài chính với hàng loạt các loại hình dịch vụ hiện đại yêu cầu phải được cập nhật thường xuyên, liên tục về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống ngân hàng và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Theo đó, các nội dung hướng dẫn chi tiết về hoạt động giám sát ngân hàng có tính động rất cao.

Không những vậy, hoạt động giám sát ngân hàng là tập hợp nhiều phương pháp, công cụ chứa đựng nhiều yếu tố kỹ thuật và có yếu tố thay đổi liên tục, như: Loại thông tin cần khai thác, xử lý, sử dụng phải phù hợp với các đối tượng giám sát khác nhau và theo thời gian, thời điểm cũng sẽ khác nhau; Rủi ro tiềm ẩn của đối tượng giám sát ngân hàng rất đa dạng và biến đổi tùy theo điều kiện môi trường kinh tế vĩ mô, điều kiện thị trường ngân hàng; Các công cụ phục vụ giám sát trên cơ sở rủi ro có thể được xây dựng và phát triển liên tục; và Các ngưỡng cảnh báo rủi ro khi thực hiện giám sát trên cơ sở rủi ro sẽ thay đổi theo từng thời kỳ ...

Dự thảo Thông tư gồm 07 Chương 35 Điều. NHNN cho biết, phạm vi điều chỉnh của thông tư quy định về trình tự, thủ tục thực hiện việc giám sát ngân hàng. Việc giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm soát đặc biệt. Đối tượng áp dụng là đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng bao gồm: đơn vị thực hiện giám sát an toàn vi mô và đơn vị thực hiện giám sát an toàn vĩ mô. Đối tượng giám sát ngân hàng bao gồm: Tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chi nhánh, phòng giao dịch của của tổ chức tín dụng; công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; Hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc nhóm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo loại hình hoạt động, loại hình sở hữu, tầm quan trọng hệ thống. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng.

N.H