Ngân hàng cũng cần được hỗ trợ để vượt qua tác động tiêu cực từ Covid-19

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 13:51, 07/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bên cạnh nỗ lực chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, ngành Ngân hàng cũng đang gồng mình vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Giới chuyên môn cho rằng, đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giúp các ngân hàng vượt qua khó khăn.

Thống kê từ NHNN về kết quả thực hiện hỗ trợ tín dụng tính từ ngày 23/1 - 28/3 cho thấy, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng; đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng cam kết cho vay với tổng số tiền dự kiến 285.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 3%. Kết quả, đến nay các TCTD đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng. Trên thực tế, để đạt được những kết quả như trên, nhiều ngân hàng đã chấp nhận giảm lợi nhuận, cơ cấu chi phí hoạt động, giảm lương thưởng của cán bộ, nhân viên…

Covid-19 đang tác động tiêu cực lên hoạt động ngân hàng

Chia sẻ những tác động từ dịch Covid-19 tới ngân hàng, lãnh đạo SHB cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng thời bám sát các chỉ đạo, biện pháp quyết liệt, hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, SHB đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 mang lại như: triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay giảm tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường; miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ; cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ…

Để thực hiện được những giải pháp trên, SHB đã thực hiện tiết giảm chi phí kinh doanh và chi phí hoạt động, đồng thời các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch, các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10- 30% tùy theo mức thu nhập. Với các giải pháp quyết liệt trên, SHB đã phải điều chỉnh giảm lợi nhuận năm 2020 tối thiểu 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Các ngân hàng cũng cần gói hỗ trợ ngay từ Chính phủ và NHNN để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19

Trước đó, tại cuộc họp triển khai Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 tổ chức ngày 31/3 tại NHNN, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, ngành Ngân hàng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. “Thời điểm này ghi nhận của ngành thì số lượng giao dịch của các khách hàng giảm 25% so với quý IV/2019. Có một số lĩnh vực, một số địa bàn, một số nghiệp vụ số lượng giao dịch giảm từ 40-45%”, ông Thọ chia sẻ.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đại dịch Covid-19 đang khiến ngành Ngân hàng gặp khó khăn hơn bao giờ hết. “Điều mà tôi lo lắng nhất là thanh khoản của ngân hàng”, ông Hiếu nhấn mạnh. Dù thanh khoản vẫn đang dồi dào nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp và khách hàng cá nhân mất khả năng trả nợ sẽ khiến cho thanh khoản của ngân hàng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, tình trạng mất cân đối thanh khoản có thể sẽ diễn ra khi các nguồn đầu vào của ngân hàng bị hạn chế do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, trong khi đầu ra tiếp tục tăng do nhu cầu rút tiền của người dân và doanh nghiệp tăng lên.

Bên cạnh những lo ngại về thanh khoản, ông Hiếu cũng đưa ra dự báo việc giảm sút lợi nhuận là không tránh khỏi. Với tình hình hiện nay, lợi nhuận của ngành Ngân hàng được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2019, thậm chí có thể xuất hiện một số ngân hàng có lợi nhuận âm nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Ngân hàng cũng cần được hỗ trợ như các doanh nghiệp khác

“Chúng tôi cho rằng trong ảnh hưởng của dịch bệnh lần này thì các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, trong đó lĩnh vực ngân hàng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng tác động lớn nhất”, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank chia sẻ. Từ những đánh giá này, ông Lê Đức Thọ cho rằng, các NHTM cũng cần nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, ví như: chính sách xem xét giảm hoặc miễn thuế đối với các NHTM. “Chúng tôi cũng rất cần thiết và đề nghị NHNN có thể có chính sách tái cấp vốn với mức lãi suất thấp để hỗ trợ các NHTM giảm mạnh hơn và giảm nhanh hơn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Từ đó có tác động tích cực đối với việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế cũng như đẩy mạnh các hoạt động cung ứng dịch vụ của các NHTM để giúp nền kinh tế phục hồi sau khi chúng ta khống chế được dịch bệnh”, ông Lê Đức Thọ kiến nghị.

Trong khi đó, theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, thời gian qua Ngành ngân hàng đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ quyết liệt trong phòng chống dịch Covid-19 nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên rất cần sự đồng thuận của các cơ quan quản lý khác như Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan. "Rất mong chính sách từ phía Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan quản lý hãy coi ngân hàng là doanh nghiệp, ngân hàng có khỏe mới chia sẻ cho doanh nghiệp được", ông Nghiêm Xuân Thành kiến nghị.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng cũng cần gói hỗ trợ ngay từ Chính phủ và NHNN để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại. Tuy nhiên, trước khi nhận được gói cứu trợ như vậy, ông Hiếu khuyến nghị, trước mắt các ngân hàng vẫn nên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (giảm lãi suất, giảm phí…) vượt qua khó khăn, vì doanh nghiệp chính là nền tảng để ngân hàng tồn tại phát triển. Để giảm rủi ro thanh khoản, các ngân hàng cũng nên xây dựng kế hoạch dự phòng (đó có thể là những giải pháp hỗ trợ từ NHNN; hợp tác với các ngân hàng khác, các quỹ đầu tư… để có quỹ dự phòng). Quản lý rủi ro cũng là điểm cần lưu ý, bởi thời điểm này các khoản nợ rất dễ dàng trở thành nợ xấu. Do đó, các quy định tại Thông tư 41 cần phải được các ngân hàng thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần đẩy mạnh tiết giảm chi phí (lương, các chi phí khác), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trước những khó khăn ngân hàng đang, đã và sẽ gặp phải, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV cũng đề nghị cần có thêm những giải pháp để hỗ trợ ngân hàng vượt qua khó khăn. Thời gian qua đã có chính sách hỗ trợ các ngân hàng thông qua việc giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên, chỉ mình chính sách đó là chưa đủ. “Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn nên cần có thêm nhiều giải pháp như: giãn, giảm thuế... để bớt chật vật trong năm nay và những năm sau”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ngô Hải