Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: “Dịch Covid-19 là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế!”

Tin tức - Ngày đăng : 17:03, 07/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, cần đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch, mà theo Bộ trưởng, “dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 5/4, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, tổ chức triển khai thực hiện.

Sẵn sàng cho phục hồi sau đại dịch

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trong bối cảnh lúc này, an sinh xã hội là vấn đề cấp bách nhất với người dân, tuy nhiên còn những vấn đề khác phải tính đến mà Bộ KH&ĐT đang triển khai, đó là: Xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có những phản ứng chính sách kịp thời; Đồng thời chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

“Đây là những vấn đề lớn nhằm hiện thực hóa được các mục tiêu: Giảm tối đa ảnh hưởng của dịch lên nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân; Đánh giá và dự báo những xu hướng thay đổi cũng như trật tự trong khu vực và trên thế giới từ tác động của dịch; Tận dụng cơ hội và xu thế mới trong phát triển để chuẩn bị ngay những giải pháp, kịch bản cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước…”- Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch Covid – 19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy.

Theo đó, các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp tòa cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu Covid 19.

“Như vậy, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời!”- Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch, mà theo Bộ trưởng, “dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh”.

“Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra…”- Bộ trưởng quả quyết!

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, những vấn đề này sẽ được Bộ KH&ĐT báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩyđầu tư công trong thời gian tới và nghiên cứu, chuẩn bị các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để chủ động tổ chức triển khai thực hiện.

Nghị quyết hướng đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội

Chia sẻ ý tưởng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ kH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lúc dịch bệnh lây lan và bùng phát thì những người nghèo, người yếu thế trong xã hội rất dễ bị tổn thương, rất cần những hỗ trợ của Nhà nước.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm”, do vậy việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn…”- Bộ trưởng đề nghị và cho rằng cần phải tính độ trễ của việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của chính sách.

Bộ trưởng cũng cho biết, khi Chính phủ thảo luận về các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đánh giá cao của mọi người dân, của các thành phần trong xã hội và họ mong mỏi chờ đợi được hưởng chính sách.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” nên đã là thời chiến thì cần phải tuân thủ kỷ luật thời chiến. Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa, đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng…”- Bộ trưởng đề nghị.

Nhắc lại câu nói của người xưa “Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Bộ trưởng khẳng định, việc sớm ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động… như dự thảo Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một “Chính phủ hành động” như phương châm nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ.

Chia sẻ về Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng cho biết Nghị quyết hướng tới tới các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, gồm 4 đối tượng: người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Theo rà soát của Bộ KH&ĐT, hiện nay chưa có chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trên, trong khi một số nhà tài trợ gặp khó khăn kinh tế do dịch Covid-19 đã thông báo rút các khoản hỗ trợ thường xuyên như gạo, đi lại…đã khiến nhiều người khuyết tật, yếu thế cảm thấy mình như đang bị xã hội bỏ rơi…”- Bộ trưởng chia sẻ.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị quyết, một loại chính sách hỗ trợ cho người yếu thế được đưa ra như: Hỗ trợ người có công với cách mạng 500.000 đồng/người/tháng: Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000 đồng/hộ/tháng; Hai đối tượng này thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

Đối với người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27 /3/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Với các trường hợp này, thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Theo dự thảo Nghị quyết, quy mô hỗ trợ dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng. (Cụ thể, ngân sách trung ương khoảng 22-23 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ sử dụng 19-20 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019; số còn lại sẽ bố trí từ nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định. Ngân sách địa phương khoảng 13-14 nghìn tỷ đồng, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách địa phương năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách địa phương năm 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.

 

Thanh Thanh