Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính ASEAN+3 họp trực tuyến ứng phó với tình hình kinh tế khu vực

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 20:07, 07/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với tư cách là đồng chủ trì tiến trình hợp tác tài chính – tiền tệ ASEAN cùng với Nhật Bản vừa kêu gọi tổ chức phiên họp giữa cấp Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính ASEAN+3 để trao đổi, cập nhật về ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cơ chế/chính sách ứng phó của Chính phủ trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính – ngân hàng.

Phiên họp diễn ra vào ngày 3/4, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính các nước thành viên ASEAN+3 đã có buổi làm việc trực tuyến.

Tại phiên họp, ông Khor Hoe Ee, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Cơ quan Giám sát Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã trình bày đánh giá của tổ chức này về diễn biến dịch Covid-19 và tác động của dịch bệnh tới tăng trưởng, thị trường chứng khoán, du lịch, dịch vụ, sản xuất… của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nền kinh tế thành viên ASEAN+3.

Theo đánh giá của AMRO đến cuối tháng 3/2020, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN và ASEAN+3 trong năm 2020 sẽ suy giảm đáng kể lần lượt là 1,1% (so sánh với mức 4,6% năm 2019) và 2,0% (so sánh với mức 4,8% năm 2019). AMRO dự kiến kinh tế thành viên sẽ hồi phục dần từ nửa cuối năm 2020 và đạt mức tăng trưởng trung bình 5,5% toàn khu vực ASEAN+3 trong năm 2021.

Rủi ro chính đối với các nền kinh tế năm 2020 vẫn tiếp tục đến từ diễn biến của dịch Covid-19, tăng trưởng chậm lại của 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản). Trước những diễn biến gần đây của tình hình dịch bệnh, AMRO đang tiếp tục cập nhật và điều chỉnh dự báo kinh tế của các quốc gia thành viên (dự kiến theo hướng giảm so với đánh giá hiện hành).

Tại phiên họp, NHTW và Bộ Tài chính các quốc gia ASEAN+3 đã có phần trình bày về ảnh hưởng đến từng nền kinh tế thành viên, chính sách đang được tiến hành nhằm giảm thiểu những rủi ro đối với hệ thống tài chính – ngân hàng cũng như biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh sản xuất và dịch vụ bị ngưng trệ.

NHNN với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng đã cập nhật tới các nước về những nỗ lực điều hành của NHNN, hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình thông qua một số biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, miễn, giảm phí chuyển mạch, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng giúp giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Với tư cách là quốc gia đồng chủ trì tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ ASEAN+3 năm 2020 (cùng với Nhật Bản), Việt Nam kiến nghị phối hợp chặt chẽ giữa NHTW và Bộ Tài chính ASEAN+3 trong chia sẻ và xử lý các vấn đề liên quan đến tác động của dịch Covid-19 trong khu vực. Đồng thời, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) trong vai trò là lưới an toàn tài chính khu vực. Việt Nam và Nhật Bản đề nghị các quốc gia nỗ lực sớm hoàn thiện một số nội dung kỹ thuật trong khuôn khổ CMIM để có thể tăng cường tính “sẵn sàng” của Thỏa thuận, giúp kịp thời hỗ trợ các nước ASEAN+3 ứng phó trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, cụ thể bao gồm việc các quốc gia ASEAN+3 cần sớm thúc đầy, hoàn tất ký kết các nội dung sửa đổi CMIM; hoàn thiện hướng dẫn áp dụng khuôn khổ điều kiện CMIM… NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Nhật Bản và AMRO trong theo dõi, giám sát nền kinh tế khu vực để có những biện pháp ứng phó kịp thời và phù hợp.

Ngô Hải