Ngân hàng, doanh nghiệp đại hội cổ đông…. trực tuyến “né” dịch Covid-19
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 12:09, 13/04/2020
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa quyết định thay đổi kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2019 dự kiến tổ chức vào ngày 24/4/2020. Thay vào đó, Sacombank sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua Quy chế Tổ chức Đại hội trực tuyến, bỏ phiếu điện tử và triệu tập ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2019 bằng hình thức họp trực tuyến.
Sacombank dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến vào ngày 5/6/2020 với địa điểm chính là Hội sở Sacombank (266 - 268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP.Hồ Chí Minh).
Một ngân hàng khác là ABBANK cũng mới có thông báo về việc lùi thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên, đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu hình thức họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc tìm giải pháp khác thay thế…
Trước đó ngày 8/4, FPT là công ty VN30 đầu tiên tổ chức được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. ĐHĐCĐ đã được tiến hành với số cổ đông dự họp đại diện 67,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. FPT cho biết đã tận dụng nhờ thế mạnh công nghệ, đồng thời thể hiện tinh thần quyết tâm vượt qua mọi thách thức trong “thời chiến”. Việc tổ chức ĐHCĐ đúng thời hạn đã giúp doanh nghiệp sớm thông qua được các phương án kinh doanh và chi trả cổ tức cho cổ đông.
Ảnh minh họa |
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì cổ đông được tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử. Ngoài ra, luật còn quy định phương thức họp trực tuyến có thể được áp dụng cho cuộc họp Hội đồng quản trị.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico – chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng việc tổ chức ĐHCĐ với hình thức trực tuyến là phù hợp với các quy định của pháp luật. Cổ đông không nhất thiết phải ngồi 1 chỗ tham dự. Cổ đông có thể quyết định hình thức biểu quyết khác nhau, ví dụ với hội nghị trực tuyến có thể biểu quyết bằng giơ thay qua màn hình.
Theo luật sư Đức, việc tổ chức ĐHCĐ thông qua hội nghị trực tuyến không làm giới hạn quyền của các cổ đông nhưng có thể sẽ bị gặp khó khăn công nghệ, mạng và khả năng kết nối.
Để tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong mùa dịch Covid-19 đúng luật và thuận tiện nhất, ngoài yếu tố công nghệ, luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý về thể thức tiến hành cuộc họp; cách thức tham dự và biểu quyết; kiểm phiếu biểu quyết.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 140 về “Thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông”, Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp trong 4 trường hợp gồm: Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp; uỷ quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp; gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử; tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác. ‘Đối với quyền dự họp, thì được phép áp dụng những quy định trên mà không nhất thiết phải được quy định trong Điều lệ’, luật sư Đức chia sẻ.
Theo số liệu của trang worldometers.info, tính đến 8h ngày 13/4, đã có 1.852.629 người ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 114.208 người đã tử vong.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 với 560.402 ca nhiễm và 22.105 ca tử vong. Tiếp đó là Tây Ban Nha với 166.831 ca nhiễm và 17.209 ca tử vong, Italy với 156.363 ca nhiễm và 19.899 ca tử vong, Pháp với 132.591 ca nhiễm và 14.393 ca tử vong, Đức với 127.854 ca nhiễm và 3.022 ca tử vong. Đặc biệt, số ca tử vong tại Anh đã vượt 10.000 người.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Tính đến 6h ngày 13/4/2020, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 262 trường hợp, trong đó 159 người từ nước ngoài, chiếm 60,7%; có 103 người lây nhiễm thứ phát, chiếm 39,3%. Hai ca mới nhất dương tính với virus SARS-CoV-2 đều là người dân ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Hiện cả 2 bệnh nhân này được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Điều 140, Luật Doanh nghiệp năm 2014. Thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông 1. Cổ đông có thể trực tiếp tham dự họp, ủy quyền bằng văn bản cho một người khác dự họp hoặc thông qua một trong các hình thức quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp cổ đông là tổ chức chưa có người đại diện theo ủy quyền quy định tại khoản 4 Điều 15 của Luật này thì ủy quyền cho người khác dự họp Đại hội đồng cổ đông. Việc ủy quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản theo mẫu do công ty phát hành. Người được ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải xuất trình văn bản ủy quyền khi đăng ký dự họp trước khi vào phòng họp. 2. Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây: a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp; b) Ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp; c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác; d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử. |