Cần những chính sách vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:40, 13/04/2020
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, do đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu khiến nền kinh tế nhiều nước bị ảnh hưởng nặng, kinh tế thế giới cùng bất đồng giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Đại dịch khiến nguồn cầu gạo trên thế giới tăng mạnh trong khi nguồn cung lại không tăng nhiều, cùng việc Việt Nam hạn chế xuất khẩu gạo khiến giá gạo Thái Lan tăng mạnh 21% so với cùng kì năm ngoái, đạt 494 USD/tấn. Giá vàng thế giới tăng mạnh trong quý, đạt đỉnh ở mức 1683 USD/ounce sau đó giảm nhẹ vào cuối quý.
Khu vực kinh tế ASEAN-5 suy giảm tăng trưởng trong quý IV/2019 bởi dịch bệnh Covid-19 khiến Chính phủ nhiều nước như Indonesia, Phillipines, Malaysia, Thái Lan… đã phải tung gói kích thích, hỗ trợ tài chính lên tới gần 100 tỷ USD. Trong đó riêng Malaysia đã tung ra 3 gói kích thích kinh tế với tổng trị giá 65 tỷ USD để chống lại ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nguồn: VEPR |
Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 đạt mức 3,82% (yoy), tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế suy yếu gồm dịch vụ (3,27%); nông, lâm, ngư nghiệp (0,08%) và công nghiệp, xây dựng (5,15%). Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ nhất là hai ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,9%) và dịch vụ lưu trú, ăn uống (giảm 11%).
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%. Tuy nhiên, giá cả tiêu dùng bắt đầu giảm từ tháng 2/2020 sau khi tăng mạnh kể từ quý III/2019. Với thực trạng nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng giảm, lạm phát bình quân (yoy) của quý II/2020 có khả năng sẽ thấp hơn quý I.
Trong năm 2020, rủi ro lạm phát do cầu kéo gần như không có; rủi ro từ tỷ giá ở mức thấp; trong khi rủi ro do gián đoạn nguồn cung (lương thực thực phẩm) tăng lên. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,0% có thể đạt được nếu giá cả lương thực thực phẩm được kiểm soát tốt.
Báo cáo của VEPR cũng ước tính tổng thu ngân sách năm nay có thể không đạt kế hoạch do kết quả kinh doanh sụt giảm của các doanh nghiệp; sự sụt giảm thu nhập của người lao động; sự thắt chặt đầu tư và tiêu dùng. Trong khi đó, tổng chi có thể tăng vượt dự toán để giảm thiểu tác động của bệnh dịch. Dự kiến thu ngân sách có thể ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng, thâm hụt ngân sách của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 1,5-1,6 điểm phần trăm lên 5%-5,1% GDP.
Kết thúc quý I/2020, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt gần 84 tỷ USD. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá, sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Bên cạnh đó, NHNN hạ đồng loạt các loại lãi suất điều hành từ 0,25 – 1 điểm phần trăm. Quý 1/2020, cung tiền M2 tăng 1,55%; huy động tăng 0,51%; tín dụng tăng 0,68% (yoy), thấp nhất trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9-14% (~900 nghìn tỷ đồng). Theo VEPR, đây là mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh kinh tế suy giảm.
Nguồn: VEPR |
Để Chính phủ và các ngành chức năng có các giải pháp cho nền kinh tế đối phó với đại dịch Covid-19, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới.
Kịch bản 1 (Lạc quan): Bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý II/2020.
Kịch bản 2 (Trung tính): Bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III/2020.
Kịch bản 3 (Bi quan): Bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý IV/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý IV/2020.
Nhóm nghiên cứu đánh giá dù dịch bệnh xảy ra ở tình huống nào thì các ngành như khai khoáng; chế biến chế tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sẽ có mức tăng trưởng âm. Trong đó, ngành bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, nghệ thuật, giải trí (mức giảm từ 20-50%). Riêng lĩnh vực y tế, truyền thông hay tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lại là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.
VEPR cũng cho rằng, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh, nhà nước cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động (có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương).
Ngoài ra, cần ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chi trả BHTN, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, cũng như trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai.
Trong dài hạn, cần có những chính sách vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch. Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19. Đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu (tránh phụ thuộc hoàn toàn vào EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc).
Việc thúc đẩy đầu tư công đi kèm cắt giảm/tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10% và đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng đã được phê duyệt cũng được VEPR khuyến nghị.