Dịch Covid-19 là ‘cú hích’ chuyển đổi số
Công nghệ - Ngày đăng : 15:10, 16/04/2020
Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân, sức mua lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp trên thế giới, các doanh nghiệp trong nước có thể tập trung vào thị trường nội địa để làm nền tảng. Trong kịch bản hồi phục kinh tế trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt nhấn mạnh vào tiềm năng thị trường nội địa.
Kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô tốt. Lạm phát, bội chi ngân sách đang đi theo chiều hướng tốt. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam, Chính phủ cũng đang đề xuất tăng quy mô gói hỗ trợ. Do vậy, nhìn trên các giác độ về tài khoá sẽ tạo đà cho Việt Nam tăng trưởng.
Trên tinh thần lạc quan, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chung sức, đồng lòng để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 11/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn nên duy trì ở mức độ cho phép, nhưng phải đảm bảo sự an toàn và chế độ chính sách cho người lao động. Đồng thời các doanh nghiệp cần chủ động "thích ứng" với hoàn cảnh và tìm lối đi phù hợp cho doanh nghiệp mình.
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Sống sót qua đại dịch" mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đã nhận thức "trong nguy có cơ" đối với khủng hoảng dịch Covid-19 và rất nhiều doanh nghiệp đã tìm ra cách đối phó với khủng hoảng bằng cách chuyển dịch vụ số.
Một xu hướng kinh doanh mới và lớn, có thể sẽ bắt đầu phát sinh từ cuộc khủng hoảng Covid-19 này. Ảnh minh họa |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Nguyễn Văn Thân, khủng hoảng Covid-19 là "cú hích ngoạn mục" bởi từ trước đến nay Chính phủ kêu gọi, hiệp hội kêu gọi nhưng DNNVV đa số là bảo thủ, thích đi theo mô hình cũ. Do phải đầu tư khi tiếp cận công nghệ mới nên họ hay ngại ngần nhưng giờ thì họ buộc phải làm, không làm thì không có khách hàng.
Theo ông Thân, trong lĩnh vực mà ông theo dõi thì có đến 70% doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang chuyển mình theo hướng này. Điều rõ nhận thấy nhất là có nhiều doanh nghiệp hội viên đã cung cấp dịch vụ tư vấn ngay trên không gian mạng, thay vì đến tận nơi để trò chuyện.
"Đây là cú hích có lợi rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ. Đó cũng là tiết kiệm tiền vì đầu tư cho phong trào này không đơn giản. Đối với DNNVV trong thời kỳ rỗi rãi như thế này cần phải có tư duy mới hiện đại hơn và không có gì đúng hơn là chuyển đổi số. Tất cả các DN nên giành thời gian, vật chất cụ thể để đầu tư cho việc này", ông Thân chia sẻ.
Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng chuyển đổi số hay 4.0 cho phát triển nền kinh tế đã được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm nghiên cứu, trình ra chiến lược về 4.0.
"Tôi nghĩ trong thời gian nữa Chính phủ sẽ phê duyệt. Nói vậy để hiểu công nghiệp số 4.0 đã được Chính phủ quan tâm khá lâu", ông Hùng nói. Bên cạnh đó, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo để ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số cho nền kinh tế ở Việt Nam. Theo ông Hùng, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, không chỉ trong doanh nghiệp mới có chuyển đổi số mà nó diễn ra tất cả các lĩnh vực khác.
Ông Hùng dẫn chứng về học viện nơi ông công tác, trước đó để thúc đẩy giảng viên, sinh viên, dạy và học trên các nền tảng số khó khăn nhưng một tháng trở lại đây thì làm rất tốt.
Cùng với việc chuyển đổi số thì chuỗi cung ứng hướng cũng được dự báo phát triển mạnh ở Việt Nam. Ảnh minh họa |
Ông Hùng cũng cho rằng không cần thiết ưu đãi gì cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số bởi những thứ như thế không lâu bền. Bản thân doanh nghiệp phải tự nhận thấy đó là thứ có lợi cho họ. "Chính phủ nên tập trung hỗ trợ về môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, phát triển chuyển đổi số", ông Hùng nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoà Bình (Shark Bình) - Chủ tịch HĐQT NextTech Group cho rằng dịch bệnh Covid-19 là cơ hội vàng cho doanh nghiệp đi lên 4.0, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Điều này không chỉ của doanh nghiệp mà với cả người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ‘shark Bình’, trong quá khứ chúng ta đã có nhiều "cú hích" làm thay đổi toàn bộ thói quen xã hội như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hay không uống rượu khi tham gia giao thông là ví dụ. "Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp công nghệ và toàn thể người tiêu dùng Việt Nam đi nhanh hơn lên hiện đại hóa, 4.0", ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, các doanh nghiệp công nghệ từng phải 'đốt tiền' để lấy người dùng với những chi phí siêu đắt đỏ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 giúp họ làm điều này một cách rất hiệu quả và hoàn toàn miễn phí.
Chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh là tất yếu và không thể thiếu của mọi ngành nghề. Một xu hướng kinh doanh mới và lớn, sẽ bắt đầu phát sinh từ cuộc khủng hoảng này. 'Cú hích này bằng cả chục năm xã hội kêu gọi chuyển đổi số", ông Bình nhấn mạnh.